Tây nguyên khô kiệt, lúa cháy trên đồng

09/04/2020 06:29 GMT+7

Sông hồ cạn kiệt, cây trồng xơ xác trong mùa khô Tây nguyên . Mưa quá ít, thậm chí không mưa ở nhiều khu vực khiến tình trạng hạn hán nơi đây càng nghiêm trọng.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây nguyên, hạn hán năm nay dự kiến gay gắt hơn năm trước và đỉnh điểm có thể vào tháng 4 này. Lượng dòng chảy trên các sông ở Tây nguyên so với trung bình cùng kỳ năm trước xuống thấp: khu vực bắc Tây nguyên ở mức thấp hơn từ 25 - 65%, nam Tây nguyên (trên sông Sêrêpôk) phổ biến ở mức thấp hơn từ 10 - 40%.

Lúa cháy, cắt cho bò ăn

Thực tế, từ nhiều tháng nay, Gia Lai cũng như nhiều nơi ở Tây nguyên không mưa hoặc lượng mưa không đáng kể khiến hàng ngàn héc ta cây trồng đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn. Trong khi đó, thời điểm này nhiều sông suối ở Gia Lai đã trơ đáy. Ngay tại TP.Pleiku, nhiều giếng nước của người dân cũng đã cạn.

Lúa trồng chưa được 2 tháng, gặp hạn khô cháy. Người dân chỉ còn cách bỏ luôn. Mình thấy lúa cháy thì tiếc, hỏi mấy người trong làng để mua cho ăn

Ông Rơ Châm Ki (TT.Ia Ly, H.Chư Pah, Gia Lai)

Ông Rơ Châm Ki ở làng Mun, TT.Ia Ly, H.Chư Pah (Gia Lai), nói: “Cả một vùng rộng lớn trồng lúa không có nước để tưới. Lúa trồng chưa được 2 tháng, gặp hạn khô cháy. Người dân chỉ còn cách bỏ luôn. Hơn 2 sào lúa nhà mình cũng thế. Mình thấy lúa cháy thì tiếc, hỏi mấy người trong làng để mua cho bò ăn. Họ trồng mấy sào lúa, bán cho mình chỉ 300.000 đồng. Bò bây giờ cũng thiếu cỏ, phải ăn thêm rơm dự trữ và cám”.
Dù chưa phải đỉnh hạn song tình hình canh tác nông nghiệp ở Gia Lai có nhiều biến động bất thường khiến nông dân gặp khó khăn. Giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh; tiêu bị bệnh chết… Hậu quả là rất nhiều nông dân ôm nợ ngân hàng, nợ phân bón không có khả năng thanh toán. Nhiều người phải tìm đến Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM… để mưu sinh và kiếm tiền trả lãi ngân hàng, nay gặp dịch Covid-19 lại càng thêm khó khăn. Một số diện tích hồ tiêu chết đã được chuyển sang các loại cây trồng khác, nhưng với nắng hạn như hiện nay cây trồng mới cũng chậm phát triển.
Đáng lo ngại là với trên dưới 90.000 ha cà phê, Gia Lai đang cần một lượng nước lớn để tưới chống hạn, kích thích khả năng đậu quả, sinh trưởng. Nhưng nhiều nơi không còn nước để tưới. Nếu khu vực này trong thời gian tới không có mưa, tình trạng khô hạn càng gay gắt và nhiều nông dân sẽ đối mặt với chồng chất khó khăn.

Thiếu cả nước sinh hoạt

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT Gia Lai, tổng diện tích cây trồng vụ đông xuân 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do hạn hán là hơn 1.000 ha. Các địa phương có diện tích cây trồng bị hạn nặng là Đak Đoa 280 ha, Mang Yang 138 ha, Chư Sê 406 ha, Chư Pah 90 ha, TP.Pleiku 66,2 ha... Hầu hết diện tích bị thiệt hại do nắng hạn nằm ngoài khu vực vùng tưới của các công trình thủy lợi.
Ngoài ra, tại H.Kbang xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, gồm có 385 hộ thiếu nước sinh hoạt; 235 giếng nước bị cạn; 3 công trình cấp nước sinh hoạt bị thiếu nước. Các hộ dân thiếu nước sinh hoạt ở huyện này đang khắc phục bằng cách sử dụng giếng nước tập thể của làng, của hộ xung quanh và đào giếng gần khe suối để lấy nước sử dụng.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Pa, cho biết huyện đã chủ động đối phó với hạn hán khi trước đó khuyến cáo người dân chuyển diện tích trồng lúa thường bị hạn sang các loại cây khác. Hiện lượng nước tại hồ chứa Ia Hdreh chỉ đảm bảo tưới khoảng 340 ha lúa nước và cây công nghiệp; giảm hơn 160 ha so với năng lực tưới thiết kế. Đập dâng buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, có năng lực tưới thiết kế 25 ha nhưng năm nay lượng nước thiếu hụt, làm cho vài trăm hộ của xã này thiếu nước sinh hoạt do chưa có nước máy. “Người dân đã chủ động bằng cách vét nạo giếng. Nếu hồ chứa Ia Hdreh xuống đến mực nước chết, chúng tôi sẽ sử dụng máy bơm để bơm nước từ hồ ra kênh chính…”, ông Duyên nói về giải pháp trước mắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.