Tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang đến Maldives

Văn Khoa
Văn Khoa
22/01/2024 22:24 GMT+7

Một quan chức Ấn Độ khẳng định một tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang trên đường tới Maldives, trong lúc Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu tình báo nguồn mở Damien Symon viết trên mạng xã hội X rằng tàu nghiên cứu Trung Quốc Hướng Dương Hồng 3 đang đi vào Khu vực Ấn Độ Dương, hiển thị điểm đến là thủ đô Male của Maldives, theo Reuters.

Một quan chức quân sự Ấn Độ đã xác nhận phát hiện của nhà nghiên cứu Symon và cho hay họ đang theo dõi việc di chuyển của tàu Hướng Dương Hồng 3.

Văn phòng tổng thống Maldives, cũng như Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên, theo Reuters.

Tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang đến Maldives- Ảnh 1.

Tàu nghiên cứu Hướng Dương Hồng 3 của Trung Quốc

Chụp màn hình Marinetraffic.com

Việc tàu Hướng Dương Hồng 3 đến Maldives có thể gây lo ngại ở New Delhi. Đây không phải là tàu quân sự, nhưng Ấn Độ và một số nước khác lo ngại về việc sử dụng nghiên cứu của tàu như thế cho mục đích quân sự, theo Reuters.

Mối quan hệ giữa New Delhi và Male đã trở nên xấu đi kể từ khi Tổng thống Muizzu nhậm chức vào tháng 11.2023. Cả New Delhi và Bắc Kinh đều tranh giành ảnh hưởng đối với quốc gia nhỏ bé này ở Ấn Độ Dương nhưng chính phủ mới ở Male đang hướng về Trung Quốc và đã yêu cầu Ấn Độ rút gần 80 binh sĩ đồn trú ở Maldives.

New Delhi trước đây đã cảnh báo các chuyến thăm tương tự của tàu nghiên cứu Trung Quốc tới nước láng giềng ven biển khác là Sri Lanka. Sri Lanka đã từ chối cấp phép cho các tàu như thế cập cảng của họ kể từ năm 2022.

Trước đó, vào năm 2019, Ấn Độ đã trục xuất một tàu nghiên cứu của Trung Quốc khỏi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sau khi tàu này đi vào khu vực mà không xin phép.

Một quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ khẳng định các tàu nghiên cứu của Trung Quốc có "công dụng kép", nghĩa là thông tin mà chúng thu thập được có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm, theo Reuters.

Trong tháng này, truyền thông Trung Quốc đề nghị không nên gọi hoạt động nghiên cứu hàng hải của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương là một mối đe dọa, sau khi một tổ chức nghiên cứu của Mỹ cho rằng hải quân Trung Quốc có thể "tận dụng những hiểu biết thu được từ các nhiệm vụ này" để triển khai lực lượng hải quân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.