Tập thể thao sai cách, coi chừng thoái hóa khớp!

15/09/2017 10:01 GMT+7

Chơi thể thao giúp duy trì sức khỏe nhưng bên cạnh đó một số môn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương thoái hóa khớp.

Leo cầu thang để giảm cân: lợi bất cập hại!
Chị Nguyễn Thị T. (27 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) trong tình trạng khớp gối đau nhức vô cùng, đặc biệt cơn đau tăng lên khi ngồi xổm hoặc đi nhiều. Chị T. cho biết, sau khi sinh con được 1 năm, cân nặng của chị vẫn ở mức hơn 8 kg so với lúc chưa mang thai. Lo lắng về ngoại hình của mình nên chị T. lên mạng tìm hiểu cách nào để nhanh chóng trở về vóc dáng xưa.
Theo một bài hướng dẫn trên mạng, leo cầu thang là phương pháp giảm cân “thần tốc” so với việc chạy bộ bình thường nên chị áp dụng ngay. Theo đó, mỗi ngày chị T. cố gắng leo lên leo xuống căn nhà 4 tầng của mình10 lần/buổi sáng và 10 lần/buổi tối. Tập được 1 tháng, chị T. thấy cân nặng có giảm, nhưng đầu gối càng tập càng đau, cơn đau tăng lên khi ngồi xổm hoặc đi nhiều. Ban đầu chỉ đau lúc vận động, sau đó cả lúc ngủ cũng đau nên chị T. quyết định đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị thoái hóa khớp gối sớm do tập luyện thể thao không đúng cách.

tin liên quan

Dùng keo sinh học điều trị suy giãn tĩnh mạch
Keo sinh học được bơm vào lòng tĩnh mạch của bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị mới, nhẹ nhàng, thêm nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh, đặc biệt là trường hợp không thể phẫu thuật.

Trường hợp khác là chị Hoàng Ngọc N. (40 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM). Chị N. bị đau lưng hơn 6 tháng qua và được chẩn đoán đau lưng cơ năng. Bác sĩ hướng dẫn chị N. cần nghỉ ngơi, giảm ngồi lâu, chườm ấm lưng và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, do tính chất công việc chị N. vẫn phải ngồi liên tục gần như 8 tiếng/ngày, thêm vào đó chị còn được bạn bè giới thiệu tập yoga với nhiều động tác cúi gập lưng. Sau 1 tuần tập luyện, tình trạng đau lưng không thuyên giảm mà còn có chiều hướng ngày một tăng, khiến việc đi lại khó khăn hơn, chị không thể cúi người, đặc biệt rất khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ. Chị tái khám và được chẩn đoán đau lưng cấp.
Bệnh không phân biệt tuổi tác
Theo PGS-TS-BS. Bùi Hồng Thiên Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương các cấu trúc trong khớp, trong đó quan trọng nhất là sụn khớp và xương dưới sụn. Đây là bệnh mạn tính, chủ yếu xảy ra ở người trung niên và người có tuổi nhưng vẫn có thể gặp ở người trẻ khi tập luyện thể thao quá mức với phương pháp tập luyện không hợp lý gây tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn. Các đối tượng có nguy cơ lớn về bệnh này có thể kể đến như: lớn tuổi, béo phì, bị chấn thương khớp trước đó, vấn đề về gien.
BS Khanh giải thích thêm, khớp có một số lượng nhất định tế bào sụn khớp. Tế bào sụn khớp sẽ tạo chất sụn làm trơn láng hai mặt khớp giúp cơ thể vận động không đau. Lớp sụn khớp sẽ mòn dần theo thời gian nhất là khi nó được sử dụng quá mức. Chơi thể thao dễ gặp các chấn thương, nhẹ thì chỉ là bong gân độ 1, nặng hơn là đứt dây chằng, dập sụn khớp. Nếu tình trạng chấn thương không được sửa chữa sẽ làm cho khớp bị mất vững. Khớp mất vững lại càng làm cho sụn khớp mau bị hư hơn và như vậy sẽ làm khớp thoái hóa sớm và nhanh hơn. Tập thể thao mà không biết đến cơ thể hay chính xác hơn là khớp mình đang ở tình trạng như thế nào, môn nào là môn chơi thích hợp với bản thân, sẽ làm cho khớp mau bị thoái hóa hơn.

tin liên quan

Chơi tennis sao cho hiệu quả
Mục đích của chơi tennis là để khỏe, nhưng tập luyện không đúng bài bản sẽ dễ dẫn đến chấn thương.

Làm sao biết môn thể thao nào phù hợp với bản thân ?
Để hạn chế thoái hóa khớp gối nói riêng và thoái hóa khớp nói chung cần có một chế độ lao động, vận động hợp lý. Tuy nhiên, khi tập các môn thể dục, người bệnh cần tập có bài bản.
BS Khanh cho biết các môn thể thao tạo áp lực nhiều lên khớp như leo cầu thang, đá banh, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, cử tạ... Sau thời gian tập luyện, các khớp cần có thời gian để phục hồi. Nếu tập luyện quá mức chắc chắn sẽ làm các cấu trúc trong khớp bị tổn thương, trong đó có sụn khớp và xương dưới sụn, gây nên thoái hóa khớp. Vì vậy, việc tập luyện cần đúng phương pháp và có thời gian nghỉ ngơi để tránh thoái hóa khớp sớm.
Khi còn trẻ, sụn khớp còn tốt thì gần như tất cả các môn đều có thể chơi được. Nhưng đến khi lớn tuổi thì triệu chứng đau khi vận động nhiều sẽ cho biết khớp hay vùng gân nào đang bị thoái hóa. Nếu có triệu chứng đau tăng lên khi vận động và thường nhiều hơn về cuối ngày, hãy giới hạn vận động khớp. Nếu nghe có tiếng lạo xạo, lụp cụp trong khớp cần đến chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để được điều trị kịp thời.

Chơi thể thao để... khỏe
Theo các chuyên gia y học thể thao, những môn thể thao thích hợp với những người bị thoái hóa khớp sẽ là những môn mà khớp gối ít bị sức nặng đè lên nhất như: bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ, tập gym. Tập đi bộ dưới nước cũng như các động tác thể dục dưới nước là biện pháp được khuyên cho bệnh nhân bị thoái hóa gối.
Nếu chọn môn đi bộ đơn giản thì lời khuyên là không đi quá 30 phút cho một lần đi. Trước khi đi bộ cần làm nóng khớp gối bằng cách gập duỗi gối, tập căng cơ cẳng chân 5 - 10 phút. Sau khi đi về cũng không nên ngồi nghỉ ngay mà nên vận động gối nhẹ nhàng trong 5 - 10 phút.
Nhìn chung, để hạn chế thoái hóa khớp gối nói riêng và thoái hóa khớp nói chung cần có một chế độ lao động, vận động hợp lý. Tuy nhiên, khi tập các môn thể dục, người bệnh cần tập có bài bản, phù hợp với tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Bởi trong thực tế, ngày càng có nhiều bệnh nhân khớp do luyện tập thể dục thể thao không hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.