Tập thể dục giúp ích gì cho bệnh trầm cảm?

08/05/2022 10:08 GMT+7

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra chỉ cần đứng dậy và di chuyển hay vận động ( ảnh ) cũng có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ trầm cảm .

Nghiên cứu công bố trên chuyên san JAMA Psychiatry được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ 3 châu lục với hơn 190.000 người tham gia nhằm xác định mức độ tập luyện cần thiết để giảm trầm cảm.

Kết quả cho thấy, người trưởng thành tập các bài vận động tương đương đi bộ nhanh 1,25 giờ/tuần giảm 18% nguy cơ trầm cảm so với người không tập thể dục. Khi cường độ vận động tăng đến tương ứng đi bộ nhanh 2,5 giờ/tuần, nguy cơ trầm cảm có thể giảm hơn 25%.

shutterstock

Lợi ích lớn nhất của việc tập thể dục được ghi nhận khi một người chuyển từ trạng thái lười biếng sang vận động nhiều hơn trong ngày. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết tập thể dục quá mức khuyến nghị không mang lại bất kỳ lợi ích bổ sung nào.

“Nghiên cứu có thể giúp các cơ quan y tế đưa ra các khuyến nghị về lối sống. Đây cũng là bằng chứng chống lại quan điểm cho rằng các khuyến nghị về tập thể dục là không thực tế”, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, theo trang tin KSL.

Một nghiên cứu được công bố trước đó vào năm 2018 trên chuyên san The Lancet Psychiatry cũng cho kết quả tương tự. Người tập thể dục có số ngày tinh thần giảm sút ít hơn 43% so với các nhóm còn lại. Tập thể dục 45 phút/buổi và 3 - 5 buổi/tuần có lợi nhất trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần. Ngay cả làm việc nhà cũng giúp giảm khoảng 10% số ngày tinh thần kém đi.

Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2020 đăng trên chuyên san The Lancet Psychiatry khuyến nghị tập thể dục nhẹ nhàng giúp bảo vệ trẻ khỏi sự phát triển của bệnh trầm cảm. Trẻ từ 12 tuổi vận động 60 phút/ngày có thể giảm khoảng 10% nguy cơ trầm cảm ở tuổi 18.

Hiện Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đang khuyến nghị người dân Mỹ nên đi bộ nhanh trong 2,5 giờ/tuần và tập luyện các nhóm cơ chính 2 lần/tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.