Tạo mọi điều kiện để thanh niên có cơ hội phát triển

25/03/2022 06:30 GMT+7

Sáng 24.3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam .

Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam diễn ra với sự đồng chủ trì hội nghị của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng thành viên Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn

Phan Hậu

Phản biện chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện, cơ hội để thanh niên phát triển bằng nhiều chính sách cụ thể, nhưng khâu góp ý phản biện xây dựng chính sách và giám sát thực hiện sau đó thì lại làm chưa tốt.

Ông Dũng dẫn chứng ngay ở Bộ LĐ-XH-TB là cơ quan tham mưu xây dựng nhiều chính sách nghề nghiệp, việc làm liên quan trực tiếp đến người lao động. Khi công bố dự thảo chính sách lên mạng lấy ý kiến thì thấy rằng, số lượng ý kiến phản biện, đóng góp từ nhóm người lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm tỷ lệ rất thấp.

Từ thực tế này, ông Dũng đề xuất: "Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, T.Ư Đoàn cần quan tâm nhiều hơn về tổ chức các hoạt động đẩy mạnh sự tham gia góp ý phản biện, giám sát thực hiện các chính sách dành cho thanh niên, khi có vướng mắc cần tháo gỡ có thể định kỳ cập nhật báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Còn Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng bày tỏ Bộ KH-ĐT có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo qua các chương trình hỗ trợ kinh phí hoặc đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Bộ đã có Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đây là môi trường chào đón kết nối, là phương tiện hỗ trợ thanh niên có các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi cam kết sẽ ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên”, bà Ngọc nói.

Cần có chương trình làm việc và phối hợp cụ thể

Góp ý tại hội nghị ở góc nhìn cơ quan lập pháp, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, bày tỏ cá nhân ông đã có gần 20 năm làm công tác thanh niên và luôn đau đáu về các chính sách thực sự tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên.

Ông Hạ cũng thẳng thắn bày tỏ nếu nói về tầm quan trọng của thanh niên thì lãnh đạo cấp nào cũng nói được và nói tốt nhưng thực tế có quan tâm thật sự và đặt thanh niên ở vai trò “rường cột quốc gia, tương lai của đất nước” không lại là vấn đề khác. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng về công tác thanh niên, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành nhưng thực tế hoạt động chủ yếu mang màu sắc của tổ chức Đoàn. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cần làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ thành viên ở đây là như thế nào. Chúng ta vẫn nói “chăm lo cho thanh niên” và thanh niên cũng không đòi hỏi nhưng để họ có điều kiện học tập, phát triển và phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong phát triển KT-XH, dựng xây đất nước thì phải tạo điều kiện, cơ hội để họ phát triển.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong Chiến lược phát triển thanh niên 2021 - 2030, Chính phủ có giao cho Đoàn thanh niên trình các đề án về công tác: tài năng trẻ; hợp tác quốc tế; chuyển đổi số; khởi nghiệp sáng tạo… Trong đó, nhiều nội dung đang được T.Ư Đoàn phối hợp các bộ xây dựng những chương trình phối hợp cụ thể.

Chia sẻ về hợp tác quốc tế ở tổ chức Đoàn, anh Tuấn cũng thẳng thắn bày tỏ: “Ở nhiều quốc gia có Bộ Quản lý về thanh niên, thể thao, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, họ không quan hệ ngoại giao với T.Ư Đoàn nên phải lấy cơ chế của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phát triển hợp tác quốc tế trong đề xuất xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ về kỹ thuật hay thu hút đầu tư nguồn lực cho sự phát triển của thanh niên Việt Nam. Để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế này thì rất cần hỗ trợ từ phía các bộ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành phần mở đầu phát biểu kết luận hội nghị để ghi nhận những đóng góp của tổ chức Đoàn, lực lượng thanh niên giúp đất nước vượt khó trong đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua. Đặc biệt ở tâm dịch TP.HCM, nhiều bạn trẻ âm thầm lặng lẽ làm việc trong tâm dịch, đi đến tận cùng của áp lực căng thẳng, chấp nhận những lằn ranh sinh tử, rủi ro có thể đến với mình để hết lòng giúp đỡ đồng bào. Dịch Covid-19 khơi dậy tinh thần xung kích, tiên phong và nhiều phẩm chất đáng quý của tổ chức Đoàn, lực lượng thanh niên.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Tạ Văn Hạ, Phó thủ tướng ghi nhận, không chỉ trong dịch Covid-19 vừa qua mà nhiều năm nay, Đoàn thanh niên làm nhiều việc rất tốt, thiết thực nhưng nguồn kinh phí chủ yếu là các kênh của Đoàn tự huy động để làm và thực tế chưa được giao nhiều việc, nhiều nhiệm vụ và đây là nội dung trong kỳ này phải tập trung để có sự chuyển biến rõ nét.

Phó thủ tướng đề nghị T.Ư Đoàn với các bộ có các vấn đề trực tiếp liên quan đến thanh niên cần có chương trình làm việc, phối hợp cụ thể.

“Các bộ, ngành cố gắng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường giao nhiệm vụ cho các pháp nhân, trong đó đặc biệt là với các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên; giao nhiệm vụ nhưng phải kèm thêm những điều kiện để thực hiện nhiệm vụ ấy, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng và các chương trình hành động của Chính phủ. Tôi mong muốn kỳ này chúng ta phải cố gắng để nội dung này chuyển biến rõ nét”, ông Đam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.