Tăng trưởng cao nhưng lo nhiều hơn vui

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/07/2019 07:48 GMT+7

'Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay thì tăng trưởng như vậy làm tôi lo nhiều hơn vui. Rất cần lưu tâm xem trong số đó có thật là hàng VN cả hay có gian lận, lẩn tránh... để hưởng lợi lớn từ xuất xứ', ông Dương nói

Đó là tâm trạng của không ít cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu của ngành công thương khi dự hội nghị triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, diễn ra ngày 9.7, tại Hà Nội.
Dẫn số liệu từ phía Mỹ, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho hay một số mặt hàng xuất khẩu của VN vào thị trường Mỹ trong quý 1 và 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng nóng, thậm chí không ít ngành hàng tăng trên 30%.
“Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay thì tăng trưởng như vậy làm tôi lo nhiều hơn vui. Rất cần lưu tâm xem trong số đó có thật là hàng VN cả hay có gian lận, lẩn tránh, làm giả C/O để hưởng lợi lớn từ xuất xứ”, ông Dương nói.
Trong khi đó, theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, thời gian gần đây, một số mặt hàng từ nước láng giềng nhập về VN tăng rất cao, như máy móc, linh kiện điện tử, phụ liệu dệt may, đặc biệt là gỗ tăng đột biến. “Vì vậy, cần theo dõi kỹ các mặt hàng này để tránh nguy cơ nhập vào VN rồi xuất khẩu đi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như hưởng lợi xuất xứ”, bà Hoàng Anh đề nghị.
Nhắc lại vụ việc cuối năm ngoái, lực lượng chức năng bắt 50 toa tàu vào ga Yên Viên (Hà Nội) với rất nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc cùng bao bì in sẵn nơi sản xuất VN, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thông tin: Có sẵn nhiều đường dây đặt hàng sản xuất, bao bì in ấn từ Trung Quốc rồi thẩm lậu vào VN để đóng gói, tiêu thụ nội địa một phần và xuất đi các nước khác. Ông Linh cũng cho hay mới đây, cơ quan thương mại Mỹ đã thông báo việc họ đã phát hiện lô hàng gồm nước mắm, trà, cà phê không rõ nguồn gốc nhưng giả mạo xuất xứ tại VN. “Hải quan cũng chia sẻ, hiện rất nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng luồng xanh để tuồn hàng vào, từ mỹ phẩm, phụ gia phụ liệu, đến linh kiện máy móc”, ông Linh lo ngại.
Trong khi đó, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, đặt vấn đề: “Có những DN họ đang chuyển một phần hoặc cả nhà máy sản xuất sang chúng ta. Cho nên, việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài cũng cần được tiến hành”. Bên cạnh đó, ông thừa nhận do VN vẫn đang nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, từ phôi thép, thủy sản, nguyên vật liệu da giày…, nên nếu không có một quy trình quản lý chặt chẽ, chia sẻ thông tin với các đối tác thì nguy cơ nhiều mặt hàng bị áp thuế cao và chịu trừng phạt.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giao Cục Phòng vệ thương mại hoàn tất chương trình hành động triển khai đề án này của ngành công thương trước ngày 15.7. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu trước 20.7 phải lập Tổ công tác liên ngành và xây dựng kế hoạch phối hợp với công an, hải quan nhằm tăng cường kiểm tra các ngành hàng nóng, từ sản xuất, chuyển tải, tạm nhập tái xuất để nghiên cứu chính sách siết chặt, quản lý có hiệu quả. Về lâu dài, Vụ Thị trường trong nước cùng Cục Phòng vệ thương mại cần hợp tác với các đối tác Mỹ, EU, Canada để thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này, kết hợp với các dự án tăng cường năng lực thể chế, nội luật hóa các quy định chống lẩn tránh phù hợp các luật pháp quốc tế; đẩy nhanh xây dựng thông tư hướng dẫn chứng nhận hàng hóa xuất xứ VN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.