Tăng thuế người nghèo thêm gánh nặng: Giảm chi thay vì tăng thu

29/06/2018 11:17 GMT+7

Chi thường xuyên chiếm 70%, nợ đọng thuế 73.000 tỉ đồng, bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả… là những vấn đề mà theo các chuyên gia cần phải khắc phục, chấn chỉnh chứ không phải lúc nào cũng tính chuyện tăng thu.

Đánh giá về vấn đề tăng thuế, GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng lâu nay các giải pháp quá chú trọng đến thu mà chưa chú trọng chi. Ông thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao cứ nghĩ đến chuyện tăng thuế mà không tiết kiệm chi tiêu?”.
Theo ông Cường, để cắt giảm chi thường xuyên hiện nay rất khó khăn do nhà nước vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, phải chi cho giáo dục, y tế, văn hóa…; nguồn chi lương mỗi năm phải tăng thêm.
“Chúng ta cứ nói phải cắt giảm chi thường xuyên, cắt hội họp, đi nước ngoài, mua sắm tài sản công... nhưng chỗ nào cũng kêu là mình đóng vai trò quan trọng, phải đảm bảo nhiệm vụ nên không muốn bị cắt”, ông Cường đặt vấn đề và cho rằng cần phải kiên quyết tái cấu trúc nguồn chi, cắt giảm bộ máy, tinh giản biên chế, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
Tại sao cứ nghĩ đến chuyện tăng thuế mà không tiết kiệm chi tiêu?
GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh đồng tình quan điểm này, khi hiện nay nhiều đơn vị, nhiều người bị cắt giảm thì phản đối, nhưng càng như vậy thì càng phải quyết liệt. Đối với tăng thu thuế phải tính toán kỹ, tránh gây chi phí lớn, làm tăng gánh nặng cho người nghèo. Ông Doanh đặc biệt lưu ý sự bất bình đẳng trong thu thuế khiến tình trạng thất thu sẽ gia tăng.
“Một tỷ lệ rất lớn các hộ kinh doanh hiện nay đóng thuế khoán, nguồn thu ngân sách từ đối tượng này rất thấp, chỉ đóng góp 0,8% tổng nguồn thu. Phải chăng có tình trạng thỏa thuận ông nộp thuế nuôi ông đi thu thuế, còn ngân sách thì chẳng thu được mấy?”, ông Doanh nói.
Lo ngại về tình trạng bội chi, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN (VPSF), nguyên Trưởng đại diện VN tại WTO, cho biết ông giật mình khi cách đây 20 năm bội chi ngân sách chỉ chiếm 4,5% GDP giờ đã tăng lên tới 7% GDP. Nếu tính khối lượng GDP tăng 10 lần từ đó đến nay thì thực tế bội chi tăng lên 15 lần so với trước.
“Sau lưng bội chi là bộ máy cồng kềnh, thể chế yếu kém. Có quá nhiều cơ quan, hiệp hội ngành nghề từ bên Đảng, chính quyền… Vì đất nước nhìn lại, chúng ta phải cương quyết tái cơ cấu, cắt giảm”, ông Giám đề nghị.
Đại biểu Quốc hội khóa 14 Bùi Đức Thụ cũng lưu ý không nên lúc nào cũng tính chuyện tăng thu thuế mà phải đặc biệt quan tâm tới chi ngân sách, chống thất thu. Hiện đáng lo ngại khi nợ đọng thuế lên tới 73.000 tỉ đồng, trong đó một nửa không có khả năng thu được. Bên cạnh đó, nguồn gốc của thâm hụt ngân sách triền miên ở VN không phải do việc huy động nguồn thu thuế thấp mà chính là do tham nhũng, thất thoát, lãng phí, kỷ luật tài chính không nghiêm, đầu tư sai; hoặc đầu tư vì lợi ích nhóm chứ không phải vì cộng đồng hay sự phát triển của đất nước. Nếu không giải quyết cái gốc của vấn đề nằm ở chi tiêu không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư sai... thì dù có tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường cũng rất khó cân đối ngân sách, lại tác động tiêu cực lên người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.