Tăng sức đề kháng trước ngày thi tốt nghiệp THPT

Thúy Hằng
Thúy Hằng
30/07/2020 08:20 GMT+7

10 ngày nữa thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT , nhiều học sinh lo lắng khi xuất hiện thêm một số ca nhiễm Covid-19 . Ăn uống thế nào giúp tăng sức đề kháng, giảm stress, có sức khỏe tốt nhất trước kỳ thi?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Danh (ảnh), Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Nghiên cứu dinh dưỡng TP.HCM, có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên.
Học sinh nên chú ý chế độ ăn thế nào giúp nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch, bệnh, thưa bác sĩ?

Ảnh: Nguyễn Thành

       
Trong mùa thi, các em nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó cần cung cấp đầy đủ năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, để nâng cao sức đề kháng, cần thêm chất dinh dưỡng giúp cơ thể tổng hợp kháng thể, tăng cường sức khỏe gồm:
Chất đạm, có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, tảo, ngũ cốc, các loại đậu, nấm, tảo spirulina, giúp cơ thể tổng hợp ra các kháng thể chống lại vi trùng, vi rút.
Các chất khoáng tăng sức đề kháng như: canxi (trong sữa, trứng, cá, tôm, cua) góp phần làm ổn định màng tế bào trong hệ thống niêm mạc đường hô hấp, kích hoạt năng lực di chuyển và bao vây, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh của tế bào bạch cầu.
Vitamin A trong trứng, gan, các loại hoa quả màu vàng cam, đỏ, tăng sức đề kháng và phục hồi da niêm mạc bị tổn thương.
Vitamin C (có nhiều trong rau, trái cây tươi) tăng sức đề kháng và tạo collagen góp phần làm mau lành các mô bị tổn thương. Kẽm có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, làm lành vết thương, tổng hợp các kháng thể và các hormone, chống viêm và chống ô xy hóa.
Vitamin nhóm B (tăng sức đề kháng, có trong ngũ cốc nguyên hạt, rau củ) là vitamin B1, B2, PP, B5, B6.
Nhiều phụ huynh quan niệm "ăn gì bổ nấy", trước kỳ thi cho con ăn nhiều óc heo, óc bò. Chuyện này có cơ sở khoa học không?
Theo kinh nghiệm dân gian thì “ăn gì bổ nấy” cũng có một sự trùng hợp nhất định về mặt cấu tạo của các thức ăn có nguồn gốc động vật. Não người và não động vật đều chứa rất nhiều chất béo và cả chất đạm. Nhưng ăn quá nhiều chất béo bão hòa từ não động vật sẽ làm tăng cholesterol, rất có hại cho người bị rối loạn chuyển hóa lipid, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Việc ăn não động vật để bổ não chỉ mang tính niềm tin nhiều hơn. Vậy chúng ta nên thay thế các chất béo bão hòa trên bằng chất béo chưa bão hòa từ thực vật, sẽ có lợi và đỡ lo hơn.
Nhiều người còn có tâm lý trước ngày thi cho con ăn rất nhiều bí đỏ, xôi gấc cho đỏ, xôi đậu đỏ để gặp may mắn, bác sĩ có ý kiến gì về việc này?
Ăn để có “số đỏ”, may mắn chỉ là niềm tin, không có cơ sở khoa học. Nhưng về mặt dinh dưỡng thì các thực phẩm trên cũng có những tác dụng tốt cho các cháu trong mùa thi do chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích.
Nhiều người không tiếc tiền mua rất nhiều thuốc bổ não, bổ gan, hay thuốc tăng sức đề kháng cho con uống trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề này có đáng lo?
Hiện có hàng ngàn loại thực phẩm chức năng từ nhiều nguồn khác nhau, với công dụng như tăng sức đề kháng, bổ não, bổ gan, bổ thận…, do quảng cáo quá mức nên tạo ra niềm tin không phù hợp. Thực phẩm chức năng ngoài các chất dinh dưỡng tự nhiên hay được bổ sung thêm còn có các loại cây cỏ chứa các hoạt chất sinh học có tác dụng như dược phẩm, nếu lạm dụng cũng có thể gây hại.
Bác sĩ có lời dặn gì các thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Các em cần lưu ý rằng việc bất an, lo lắng thái quá chính là một tác nhân gây stress, điều này làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Do đó, để giảm stress, cũng là tăng sức đề kháng, các em cần ôn luyện, chuẩn bị bài vở cho các kỳ thi thật tốt; ngủ đầy đủ, nên ngủ trước 10 giờ tối, ngủ thêm giấc trưa ít nhất 30 phút, uống nước đầy đủ, tập thể dục và thở sâu hằng ngày.

Vì sao vi rút gây bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng có khả năng lây lan mạnh hơn?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.