Tăng nuôi cá tra, Trung Quốc làm khó sản phẩm Việt Nam

Chí Nhân
Chí Nhân
12/12/2018 14:20 GMT+7

Trung Quốc - Hồng Kông hiện là thị trường nhập khẩu sản phẩn cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn các năm trước nhưng 10 tháng đầu năm nay vẫn đạt tốc độ gần 31%.

Lượng hàng xuất khẩu vào Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trong 10 tháng đầu năm 2018 đạt gần 438 triệu USD. Nước này cũng đẩy mạnh nuôi cá tra nên họ ngày càng gây khó khăn với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặt chuẩn cao hơn EU
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), do sản lượng cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh nên nước này hiện bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn. Cụ thể như đối với dư lượng photphat trong cá tra EU quy định không vượt quá 4% nhưng Trung Quốc có dư lượng là cấm
Việc đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu vào “Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc” vẫn còn khó khăn. Phía Trung Quốc từ chối việc gặp gỡ và không phản hồi trước yêu cầu không áp dụng quy định đăng ký sản phẩm nhập khẩu.
Lí do nước này bỗng dưng làm khó cá tra Việt Nam để tăng cường bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Hiện phong trào nuôi cá tra đã lan sang nhiều tỉnh thành như Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam. Ước tính năm 2018, Trung Quốc có thể sản xuất tới 30.000 tấn cá tra. Vì giá cá tra nuôi tại Trung Quốc thấp hơn khoảng 30 cent/kg so với hàng nhập khẩu từ Việt Nam nên cạnh tranh rất tốt ở phân khúc bình dân.
Dù gặp nhiều khó khăn với thị trường quan trọng này nhưng VASEP nhận định: Trong 2 năm tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường láng giềng rộng lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhập khẩu nhiều dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Thị trường quan trọng lại thiếu thông tin
VASEP đánh giá: Dù liên tục tăng trưởng mạnh từ năm 2015 đến nay và là nhà nhập khẩu chính sản phẩm cá tra Việt nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào đây lại chưa thực sự ổn định. Các doanh nghiệp bán hàng vào thị trường này vẫn đa phần theo cách thức cũ là sản xuất cái gì thì bán cái đó, thiếu khảo sát nhu cầu thị trường để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ.
Phần lớn sản phẩm xuất khẩu bằng đường bộ qua các cửa khẩu. Hàng hóa qua đường biên mậu lại không phải chịu 17% thuế VAT nên khả năng cạnh tranh về giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển. Nhưng việc này về lâu dài sẽ có nhiều rủi ro về thị trường, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng và giá cả của sản phẩm cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra qua đường biên mậu ảnh hưởng đến phát triển bền vững Công Hân
VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có đánh giá và kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách kiểm soát tốt hơn hàng tạm nhập tái xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu cá tra và thủy hải sản qua đường biên mậu, nhất là cửa khẩu phụ, lối mở - bao gồm cả việc buôn bán, trao đổi cá tra giống qua biên giới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.