Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong sự can dự của các nước lớn

28/04/2015 07:18 GMT+7

Ngày 27.4, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 đã kết thúc sau phiên toàn thể tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và cuộc họp kín ở Langkawi.

Ngày 27.4, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 đã kết thúc sau phiên toàn thể tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia và cuộc họp kín ở Langkawi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được giới thiệu dẫn đầu đoàn đại biểu VN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia trước phiên toàn thể - Ảnh: Nguyễn TậpThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được giới thiệu dẫn đầu đoàn đại biểu VN tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia trước phiên toàn thể - Ảnh: Nguyễn Tập
Các phiên họp tập trung thảo luận về việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, tầm nhìn của ASEAN sau 2015, quan hệ đối ngoại của ASEAN với các nước trên thế giới, các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý, cũng như trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị và đã có nhiều phát biểu, đóng góp quan trọng trong nội dung thảo luận.
Nhân hội nghị, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cho biết Mỹ hết lòng ủng hộ tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN, cho rằng cộng đồng sẽ phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng về mọi mặt. Bà cũng dẫn lại lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Một mối quan hệ mạnh mẽ giữa Mỹ và ASEAN là điều cần thiết để thực hiện mục tiêu chung của chúng ta cho tương lai của khu vực châu Á -Thái Bình Dương”.
Tại hội nghị, ASEAN và EU cũng quyết định nối lại đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại. “Hai bên sẽ có cuộc họp bàn kỹ hơn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, EU cam kết sẽ có một thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN và EU”, Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom nói tại buổi họp báo ở Kuala Lumpur.
Trong cuộc trao đổi riêng với Thanh Niên ngày 27.4, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết hội nghị khẳng định quyết tâm xây dựng tầm nhìn ASEAN sau 2015 là cộng đồng lấy người dân làm trọng tâm. Để được như vậy, nguyên tắc là phải tham khảo rộng rãi ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân trong khối tăng quyền cho nữ giới, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ông cũng nhận định thêm: “Trong bối cảnh sự can dự ngày càng tăng của các nước lớn, ASEAN phải tăng cường vai trò trung tâm trong khu vực cũng như trong mối quan hệ với các nước khác”.
Lo ngại về biển Đông
Theo TTXVN, các lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không và các nguyên tắc mà ASEAN đã thống nhất về biển Đông. Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak cho rằng những diễn biến gần đây đã gây lo ngại về biển Đông và do tầm quan trọng của các tuyến đường biển đối với thương mại quốc tế, điều tất yếu là mọi diễn biến xảy ra ở biển Đông sẽ thu hút sự chú ý.
Trong phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Malaysia với tư cách Chủ tịch ASEAN, chia sẻ ý kiến, bày tỏ lo ngại về những hoạt động tồn tại, bồi đắp quy mô lớn ở biển Đông, cũng như những hệ lụy của chúng; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm thông qua COC.
Tương tự, Tổng thư ký Lê Lương Minh nhận định với Thanh Niên rằng về vấn đề biển Đông, hội nghị sẽ thúc đẩy sự kiềm chế trong khu vực, xử lý những hành động mang tính chủ nghĩa cực đoan thông qua các giải pháp hòa bình. “ASEAN phải tăng cường quá trình tham vấn với Trung Quốc để đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả về ứng xử, sớm tiến tới việc hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử biển Đông”, ông nói.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra 3 tuyên bố chung là Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu; và Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo nhiều nước
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Najib Rajak, Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi với các vị lãnh đạo về những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như hợp tác thương mại gạo, lao động, nông nghiệp, kết nối giao thông, giải quyết nhân đạo và hữu nghị vấn đề ngư dân vi phạm vùng biển đánh bắt, giao thương hàng hóa, hợp tác biển... cũng như những diễn biến phức tạp trên biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha còn nhất trí sớm tiến hành họp nội các chung. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn, nhận lời mời của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha thăm chính thức Thái Lan và đồng chủ trì họp nội các chung.
Theo TTXVN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.