Tăng bất thường ca nhiễm cúm A, làm gì để phòng bệnh?

03/08/2022 08:00 GMT+7

Hiện nay, nhiều thông tin cho biết các ca bệnh cúm A đang tăng cao bất thường giữa mùa hè. Thưa bác sĩ, làm sao để nhận biết bệnh cúm A sớm? Gia đình tôi có người già và trẻ nhỏ, nên phòng bệnh như thế nào là đúng cách? Cảm ơn bác sĩ! Quỳnh Anh (Hà Nội)

BS.CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sự gia tăng ca bệnh cúm A những ngày gần đây được đánh giá là bất thường ngay giữa mùa hè. Trong các ca nhập viện do cúm, nhiều bệnh nhân đã có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nặng và phải mở khí quản.

Thông thường vi rút cúm A phát triển mạnh vào mùa đông - xuân, lúc chuyển giao giữa hai mùa. Không chỉ tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo những khác thường của vi rút cúm tại một số quốc gia khác như: xuất hiện cúm trái mùa tại Úc, bùng phát dịch cúm A/H3N2 tại Nam Phi, mùa cúm tại Mỹ và Hà Lan kéo dài hơn mọi năm…

Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng vi rút cúm A như H1N1, H5N1, H7N9,... có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, thậm chí tử vong. Những đối tượng dễ gặp phải nguy hiểm nếu mắc cúm là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền suy giảm miễn dịch, phụ nữ đang mang thai dễ sảy thai hoặc sinh non, thai nhi bị dị tật chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.

Tăng bất thường ca nhiễm cúm A, làm gì để phòng bệnh?- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất giúp người dân phòng cúm trong giai đoạn dịch trái mùa hiện nay

Minh Ngọc

Thống kê của WHO, trên toàn cầu, cứ 1 phút có 1 trường hợp biến chứng và tử vong liên quan đến cúm. Cúm cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim lên 6 - 8 lần, tăng nguy cơ bị viêm phổi lên 100 lần. Việt Nam từng ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm và tử vong hoặc viêm cơ tim do vi rút cúm dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, hình thành cục máu đông gây đột quỵ tim và đột tử.

Cúm và các vi rút gây bệnh đường hô hấp khác có triệu chứng khá tương tự nhau, có thể là sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng. Tuy nhiên, khi mắc cúm A người bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ. Khi có những biểu hiện trên cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và chỉ định phương pháp điều trị. Người bệnh không nên điều trị tại nhà bằng kháng sinh dẫn đến vi rút kháng kháng sinh, công tác điều trị càng khó khăn và tốn kém, nguy cơ tử vong tăng cao.

“Cúm A nói riêng và cúm mùa nói chung hiện nay đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, tiêm vắc xin phòng cúm trong giai đoạn này giúp tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”, tránh bội nhiễm, đồng nhiễm nhiều vi khuẩn nguy hiểm khác như phế cầu, tụ cầu. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền, đặc biệt người từng là F0 hệ hô hấp đã có những tổn thương càng nên tiêm vắc xin phòng cúm”- BS Chính nhấn mạnh.

Tăng bất thường ca nhiễm cúm A, làm gì để phòng bệnh?- Ảnh 2.

Trẻ được khám sàng lọc miễn phí trước khi tiêm vắc xin tại VNVC
Minh Ngọc

Bên cạnh chủ động tiêm vắc xin, bạn và người thân nên chú ý nâng cao thể trạng như ăn uống đủ chất, vận động phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, thường xuyên vệ sinh không gian sống, đảm bảo vệ sinh cá nhân (rửa tay sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm vào các bề mặt công cộng), đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với người mắc cúm.

Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với hơn 70 trung tâm khắp cả nước đang có đầy đủ vắc xin phòng các chủng cúm mùa mới nhất năm 2022 và nhiều ưu đãi giá như Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và IVACFLU-S (Việt Nam), có thể phòng các chủng cúm nguy hiểm và thường gặp nhất hiện nay là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và các chủng cúm B.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.