Tần tảo hàng rong Hà Nội

Lưu Quang Phổ
Lưu Quang Phổ
10/03/2022 15:31 GMT+7

Sinh năm 1965 ở Hưng Yên, bà Hoàng Thị Hương đã có 30 năm bán báo rong ở Hà Nội. Mỗi ngày, bà rời căn gác thuê với giá 700.000 đồng/tháng ở ngõ 107 Hàng Bông lúc 3 giờ 30 sáng để nhận báo.

Sau khi nhận báo, bà Hương đạp xe đi giao từ Cầu Gỗ qua Hàng Bạc, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Than, vòng qua ga Hà Nội rồi lại về ngồi ở vỉa hè phố Hàng Bông bán lẻ đến chiều. Mỗi ngày bà bán được gần 200 tờ báo, lãi khoảng hơn 300.000 đồng.

Trên đường vào nội thành, 2 phụ nữ bán hàng rong giúp nhau xếp lại hàng bị đổ dưới dốc cầu Long Biên

Lưu Quang Phổ

“Tôi đã tiêm 2 mũi, may chưa dính Covid-19, cũng không ốm đau, bệnh tật, chỉ hắt hơi sổ mũi bình thường thôi”, bà Hương nói, và cho biết mình có thể là người bán báo rong có “thâm niên” nhất thủ đô còn hành nghề. Chồng đã chết cách đây 2 năm, 2 con gái đã lập gia đình, bà nói “không có bạn trai” dù xinh xắn. Lâu lâu bà mới về quê thăm căn nhà cấp 4 trên nền đất 100 m2.

Thua bà Hương về tuổi nghề hàng rong với chỉ hơn 10 năm hoạt động liên tục, nhưng bà Trần Thị Thắm, sinh năm 1921, có thể là người bán hàng rong cao niên nhất đất Hà thành. Quê ở Kinh Môn, Hải Dương, từ năm 1972 bà đã lên Hà Nội và làm đủ nghề trước khi ngồi bán hàng ở cửa chợ Đồng Xuân. Tại đây, không khó để nhìn thấy bà ngồi cạnh chiếc xe đẩy chứa vài chục bút, diêm, bật lửa… với 3 chú chó bên cạnh.

Đã 101 tuổi, hằng ngày bà vẫn tự đẩy xe từ nơi thuê trọ là bãi Phúc Xá đến nơi bán hàng. Không gia đình, con cái, nhưng ơn trời, bà Thắm rất khỏe mạnh và vô cùng minh mẫn, dù mỗi ngày chỉ ăn 1 bát cơm và “chưa đi bệnh viện bao giờ, còn từ nay về sau thì không biết”.

Đó có thể là 2 phụ nữ bán hàng rong điển hình ở Hà Nội. Không thể biết Hà Nội có bao nhiêu phụ nữ bán hàng rong. Cách đây ít năm, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam công bố một thống kê cho biết thủ đô có đến 20.000 gánh hàng rong, trong đó đa phần là phụ nữ.

TP.Hà Nội cũng từng có cả Quyết định số 02 để quản lý hàng rong. Do dịch Covid-19, hàng rong ở Hà Nội đã ít. Nhưng hiện tại, những người bán hàng rong, trong đó đa phần là phụ nữ, vẫn được thấy trên khắp các đường phố thủ đô.

Đôi khi bị phê phán, nhưng về cơ bản hàng rong được coi là một phần văn hóa của thủ đô, nơi từng có tên là “Kẻ chợ” cho người tứ xứ về buôn bán. Trong đó, cảnh tần tảo của những phụ nữ bán hàng rong có thể làm ta cảm động. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, Hà Nội đầu xuân vắng các em bán hoa bưởi, đầu hè không có những chị bán hoa loa kèn, mùa thu không còn các cô bán cốm, khi đó Hà Nội sẽ buồn tẻ và lạnh lẽo biết bao nhiêu…

Bà Hương, 57 tuổi, đã có 30 năm bán báo rong trên đường phố Hà Nội.

Lưu Quang Phổ

Đều đặn 30 năm bán báo rong trên đường phố Hà Nội, mỗi ngày bà Hương dậy từ 3 giờ sáng và trở về vào buổi chiều tối. Nơi bà trọ là căn gác 15 m2 cuối ngõ 107 Hàng Bông

Lưu Quang Phổ

Một xe thồ chở 200 quả bưởi. Chị Hà, chủ xe bưởi, nói rằng đôi khi xe đổ, bưởi lăn khắp nơi, nhặt phát khóc

Lưu Quang Phổ

Chị Hòa, quê ở H.Thanh Ba, Phú Thọ, thảng thốt khi “bị” chụp ảnh. Chị bảo rất sợ ống kính vì “đăng lên công an lại đuổi”

Lưu Quang Phổ

Chị Lan, người ở Mỹ Đức, gánh khoai luộc bán rong trên phố Hàng Bông

Lưu Quang Phổ

Một số chị không dùng xe mà “tay xách nách mang” bán hàng trên phố

Lưu Quang Phổ

Bán hoa hồng trong ngày lễ tình yêu nhưng hiếm khi những người phụ nữ tần tảo mưu sinh này được một lần nhận hoa trong các dịp lễ...

lưu quang phổ

Bà Thắm, 101 tuổi, ngồi bán hàng ở cửa chợ Đồng Xuân với 3 chú chó. Bà vừa được người dân mang thức ăn đến cho chó, trong khi cặp vợ chồng người Hải Phòng đang mua hàng và mừng tuổi cho bà

Lưu Quang Phổ

Bữa trưa của chị hàng hoa quả dưới mái phố Bát Sứ

Lưu Quang Phổ

Phố đêm Hà Nội vẫn có những chị hàng rong lầm lũi…

Lưu Quang Phổ

Nghỉ chân, uống nước trước khi đẩy xe lên dốc cầu Long Biên để đi qua sông Hồng về nhà khi trời đã tối

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.