Tân sinh viên cần lưu ý gì khi lên Sài Gòn nhập học?

28/09/2020 21:33 GMT+7

Rời quê lên Sài Gòn nhập học, nhiều tân sinh viên không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn. Dưới đây là những kinh nghiệm của người đi trước có thể giúp các bạn nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.

Lưu ý khi thuê phòng trọ

Chị Nguyễn Cẩm Giang, 29 tuổi, cựu sinh viên khóa 29, Học viện Báo chí-Tuyên truyền (hiện làm việc tại Q.3, TP.HCM), lưu ý các em sinh viên năm nhất hãy cẩn thận khi thuê phòng trọ.
Theo chị Giang, nếu không đủ tiền thuê phòng trọ riêng, các bạn có thể thuê chung phòng rồi chia nhau tiền. Tuy nhiên, quan trọng nhất là những người sẽ ở cùng với mình (có biết nhau từ trước không, có là đồng hương không...), nên chọn người cùng mục tiêu, phong cách sống, quan điểm sống để tránh tranh cãi.
Trước khi ở cùng nhau nên ghi rõ những quy định để mọi người tuân thủ, kẻo mất lòng nhau. Ví dụ không đưa bạn về phòng (nhất là bạn khác giới), tuân thủ lịch trực nhật, không gây ồn ào…

Sinh viên ở trọ tại khu vực P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM

Lê Thanh

 
Còn Trần Kim Anh (sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết bản thân đang thuê trọ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) sau khi rời ký túc xá được 1 năm.
Theo Kim Anh việc thuê phòng trọ có 2 điều đáng quan tâm là an ninh và vị trí. Sinh viên đa phần không có nhiều tài sản nhưng nếu nơi thuê phòng có an ninh tốt sẽ giúp sinh viên yên tâm hơn về tài sản cá nhân của mình. Còn về vị trí, các bạn nên chọn phòng thuê gần với trường học để thuận tiện đi học, nhất là khi bạn vừa đặt chân đến TP.HCM chưa rành đường sá.

Tham gia các hoạt động cộng đồng

Chia sẻ về một số kỹ năng mềm, chị Nguyễn Cẩm Giang khuyên các sinh viên năm nhất nên chịu khó đọc nhiều sách, tự học tiếng Anh, kỹ năng tin học văn phòng để giúp ích cho công việc sau này. Nếu từ dưới quê lên, chưa biết nhiều về thành phố mình đang học tập, có thể làm vé xe buýt tháng, sau đó đi khám phá các quận để làm quen đường sá, môi trường mới.
“Theo quan điểm của tôi, sinh viên nên đi làm thêm từ năm thứ nhất, để không còn thời gian trống làm những việc vô bổ như lên Facebook, Tik tok quá nhiều. Nếu lúc đầu chưa tìm được việc liên quan chương trình học, bạn có thể tìm những việc như phụ bàn, phục vụ quán cà phê, làm gia sư….”, chị Giang chia sẻ.

Nhóm sinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ với những bức tranh cổ động động viên thí sinh

Nguyễn Loan

Sinh hoạt ở các câu lạc bộ của trường là điều mà Nguyễn Lưu Hiền (sinh viên năm 4, Trường ĐH Tài chính - Marketing) khuyên sinh viên năm nhất nên tham gia. Điều đó sẽ giúp cho các bạn cảm thấy tự tin, năng động và sáng tạo hơn.  
“Còn chuyện học ở ĐH thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Không thể nói ai giỏi hơn ai được. Cái quan trọng là bạn phải lên lớp đều, tập trung học thật kỹ và nhất là phải có đam mê ngành mình học mới có thể học tốt được”, Hiền nói.
Trịnh Nguyễn Phương Anh (sinh viên năm 3, Trường ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ: “Sau khi vào ĐH, bản thân mình luôn tâm đắc với câu nói của một giảng viên là các em phải luôn rèn luyện và hoàn thiện ba cái ngoại: “ngoại hình, ngoại ngữ và ngoại giao”.
Phương Anh phân tích, ngay từ nhỏ, đa phần chúng ta luôn được căn dặn kỹ càng việc ăn uống, tập thể thao để có một vóc dáng cân đối, quan trọng hơn là có một sức khỏe tốt để có thể đương đầu với cuộc sống. Điều quan trọng thiết yếu thứ 2 chính là ngoại ngữ. Việc biết nhiều ngôn ngữ, vừa làm tăng giá trị cho bản thân, vừa giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu, giao lưu với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, nếu có ngoại hình và ngoại ngữ nhưng bản thân lại không biết cách giao tiếp khéo léo, tạo mối quan hệ xung quanh thì khó phát triển toàn diện. Chính vì thế, khi bước vào môi trường mới, sinh viên năm nhất nên đặt ra cho bản thân những mục tiêu nhất định, cố gắng hoàn thành từng chút một. 
Bên cạnh đó, sinh viên năm nhất hãy trải nghiệm thật nhiều bằng việc tham gia các hoạt động trong trường, ngoài trường để học hỏi thêm nhiều kỹ năng và khám phá bản thân ở nhiều phương diện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.