Tân sinh viên cần 'bỏ túi' những kỹ năng gì khi đến trường học trực tiếp?

Lê Thanh
Lê Thanh
17/02/2022 17:38 GMT+7

Với tân sinh viên từ các tỉnh về TP.HCM học tập thường đối diện với những điều mới mẻ. Chính vì vậy, những bậc đàn anh, đàn chị cũng như chuyên gia tâm lý khuyên các bạn cần có kỹ năng cần thiết để thích ứng.

Sinh viên các tỉnh về TP.HCM được các tình nguyện viên hỗ trợ ngay khi xuống Bến xe Miền Đông

LÊ THANH

Kỹ năng tìm cho mình một chỗ trọ an toàn

Với những sinh viên ở ngoại trú, việc tìm cho mình có một chỗ trọ sao cho an toàn để ổn định cuộc sống và tập trung cho việc học là một điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này cũng cần phải có kỹ năng mà sinh viên năm nhất cần biết.

Là người có kinh nghiệm ở trọ nhiều năm, Nguyễn Văn Thành, sinh viên năm 4, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Một nhà trọ an toàn cần phải được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC. Chính vì vậy, mỗi lần đi thuê nhà trọ, mình hay để ý nhà trọ ấy có dán những cảnh báo PCCC hay bình cứu hỏa hay không. Cho dù giá thuê có rẻ, nhưng không đảm bảo điều kiện PCCC thì mình cũng không thuê”, Thành chia sẻ.

Sinh viên trải nghiệm các hoạt động ẩm thực

LÊ THANH

Tương tự, Trần Ngọc Thảo Nguyên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Khi thuê phòng, cần khảo sát kỹ hệ thống đường điện trong nhà trọ. Nếu thấy cũ kỹ quá, thấy dây điện, ổ điện hở, bong tróc... thì có thể từ chối thuê, hoặc yêu cầu chủ nhà trọ thay ngay trước khi nhận phòng”.

Sinh viên chuẩn bị đi học lại, chủ phòng trọ 'cháy máy' người gọi thuê

Kỹ năng nhanh chóng thích nghi với môi trường mới

Trong những tháng đầu học đại học, sinh viên xa nhà dễ cảm thấy lạc lõng, bỡ ngỡ giữa một môi trường xa lạ, thậm chí là muốn bỏ cuộc ngay khi hành trình vừa bắt đầu. Vậy sinh viên cần làm gì vượt qua giai đoạn khó khăn này để yên tâm cho hành trình học tập với nhiều trải nghiệm thú vị của quãng đời phía trước.

Lê Ngọc Anh, sinh viên năm 4, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Từ môi trường học phổ thông chuyển sang môi trường đại học lúc đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách xoay xở thì sẽ sớm hòa nhập với môi trường mới”.

Vậy xoay xở bằng cách nào? “Những ngày đầu từ quê ở Phú Yên vào TP.HCM học tập mình nhanh chóng kết nối và chủ động làm quen với nhiều bạn bè cùng lớp, trong trường cũng như những bạn đồng hương để giao lưu, trao đổi những vấn đề khó khăn trong học tập”, Ngọc Anh, nhớ lại.

Tham gia các lớp học nhóm

LÊ THANH

Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên VN), việc thay đổi môi trường sống, học tập sẽ tạo ra những biến động về mặt tâm lý, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc. “Với tân sinh viên, nhất là những bạn phải thay đổi không gian sinh sống từ nhà ra phố, từ gia đình ra nhà trọ, ký túc xá... sẽ là một thử thách cho quá trình thích nghi. Song song đó là sự thay đổi về môi trường học tập từ nội dung đến phương pháp, tất cả mọi thứ có lẽ quá mới mẻ với các bạn”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long nói.

Để sinh viên có thể thích nghi và ứng phó với những khó khăn trong thời gian đầu bước vào ngưỡng cửa tự lập, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long khuyên: “Để thích nghi với môi trường mới sinh viên nên cố gắng giữ liên hệ với gia đình, người thân (gọi điện thoại, tranh thủ cuối tuần về thăm nhà) trong những tháng đầu đi học để cảm thấy bớt cô đơn, hạn chế những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Tranh thủ thời gian nghỉ đi ngắm phố phường, đi nhà sách”.

Sinh viên trải nghiệm các hoạt động kỹ năng qua những ngày hội tân sinh viên

LÊ THANH

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long chia sẻ thêm: “Lên trường nên tiếp chuyện với mọi người hay tham gia các hoạt động tập thể,... sẽ giúp các bạn dễ hòa mình với mọi người và là biện pháp hữu hiệu cho việc thích nghi. Việc học xa nhà cũng là minh chứng hữu hiệu cho sự trưởng thành của bạn. Một khi bạn tự tổ chức được cuộc sống cho chính mình cũng là lúc gia đình sẽ bớt lo lắng cho bạn và tin rằng bạn đã lớn thật sự. Học đại học là học để hành nghề tương lai nên các bạn hãy nghĩ xa và rộng hơn để chính suy nghĩ đó sẽ là động lực giúp bạn vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu xa nhà và tiếp cận với môi trường mới”.

Nhiều lớp học kỹ năng miễn phí

Nhằm trang bị một số kỹ năng thực hành xã hội cho tân sinh viên khi học trực tiếp tại trường, anh Lê Nguyễn Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, chia sẻ: “Chúng tôi đang phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM triển khai các lớp chuyên đề, hội thảo kỹ năng miễn phí liên quan đến cuộc sống, học hành dành cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất. Các chuyên đề kỹ năng sẽ được tổ chức trực tiếp luân phiên tại trường và trực tuyến trên các mạng xã hội, fanpage SAC (FB/hotrohssv), chuyên trang kỹ năng https://sukien.sac.vn/kynangonline”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.