Tan hoang Sa Ná

05/08/2019 06:16 GMT+7

Trận lũ lịch sử xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 3.8 đã cuốn trôi 15 người dân và 20 ngôi nhà. Đến hết ngày 4.8, mới có 5 người được tìm thấy, 10 người còn lại đang mất tích.

Chỉ trong chốc lát, gần nửa bản Sa Ná của xã biên giới Na Mèo (H.Quan Sơn, Thanh Hóa) gần như bị “xóa sổ”, khi lũ dữ - do ảnh hưởng bão số 3 gây mưa to - bất ngờ ập đến cuốn phăng 20 ngôi nhà và 15 người dân.

Ám ảnh tiếng khóc ở vùng núi Thanh Hóa sau cơn lũ cuốn trôi 15 người

Chúng tôi đi bộ xuyên rừng khoảng 3 giờ từ trung tâm xã mới vào được đến bản. Đau thương bao trùm lên cả bản người Thái dưới chân núi Luốt Mu. Cảnh tượng hoang tàn hiện ra trước mắt: cả khu dân cư hơn 30 ngôi nhà thì có tới 20 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Những ngôi nhà may mắn thoát nạn cũng không thể ở được, vì bị dòng nước lũ cuồn cuộn “húc” vào làm đổ xiêu vẹo. Tiếng kêu khóc, tiếng nói không nên lời của những người dân có người thân mất tích, có nhà bị cuốn trôi, khiến cả dãy núi Luốt Mu bao trùm trong không khí tang tóc.

Chúng tôi biết sống sao đây!

Trận lũ lịch sử xảy ra vào khoảng 8 giờ ngày 3.8 đã cuốn trôi 15 người dân và 20 ngôi nhà. Đến hết ngày 4.8, mới có 5 người được tìm thấy, 10 người còn lại đang mất tích.
Tan hoang bản Sa Ná sau trận lũ ẢNH: MINH HẢI

Tan hoang bản Sa Ná sau trận lũ

ẢNH: MINH HẢI

Trong một căn nhà xiêu vẹo may mắn sót lại sau trận lũ, hai chị em Ngân Thị Thúy (25 tuổi) và Ngân Thị Thu (24 tuổi) đang ôm nhau khóc. Cơn lũ đã cướp đi bố mẹ của hai chị em là ông Ngân Văn Thiêm (48 tuổi) và bà Vi Thị Ọi (46 tuổi). Hai chị em lấy chồng nơi khác, khi hay tin bố mẹ gặp nạn đã tức tốc quay về nhà, nhưng chẳng còn gì ngoài đống đổ nát.
“Không còn gì rồi, mất hết rồi. Bố mẹ tôi người ta bảo là mất tích rồi. Lũ cuốn mất rồi. Cả đời bố mẹ tôi vất vả chăm sóc cho chúng tôi khôn lớn, đi lập gia đình, giờ chưa kịp nghỉ ngơi thì lũ cuốn hết cả nhà cả người đi mất rồi. Chúng tôi biết sống sao đây!”, chị Thúy nấc nghẹn.
Một cậu bé trước ngôi nhà đổ nát

Một cậu bé trước ngôi nhà đổ nát

Còn anh Hà Văn Vân (29 tuổi) thì cùng lúc đã mất đi 6 người thân của mình. Bố mẹ, chị gái, vợ và hai đứa con nhỏ của anh Vân đều đã bị lũ cuốn trôi, đến 4.8 vẫn chưa tìm thấy ai. Chúng tôi gặp anh Vân khi anh đang được người dân dìu về nhà một người thân trong bản để nghỉ ngơi vì kiệt sức. Anh Vân không nói nên lời, ngồi im lìm cạnh cửa sổ ngôi nhà, thi thoảng ngước mắt nhìn ra suối Son, như đang hy vọng vào điều kỳ diệu sẽ mang 6 người thân của anh trở về.
Ông Hà Văn Toan (54 tuổi), chú ruột của anh Vân, cho biết khoảng 7 giờ 45 phút ngày 3.8, nước suối Son dâng cao và tràn vào nhiều nhà dân, sau đó nước rút nên các hộ ra lau dọn nhà cửa, ai ngờ lũ ồng ộc từ đâu đổ xuống. “Thằng Vân thì nó đi làm thuê ở tỉnh khác không có ở nhà. Khi đó, nước tràn vào nhà, nên bố mẹ, chị gái, vợ và 2 đứa con (đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi) thằng Vân mới ra dọn nhà.
20 ngôi nhà của người dân đã bị lũ cuốn trôi

20 ngôi nhà của người dân đã bị lũ cuốn trôi

Lúc đang dọn thì lũ lớn ập đến, cuốn cả nhà và 6 người luôn. Kinh khủng quá! Khi đó tôi lại ở nhà trên, cách nhà thằng Vân khoảng 300 m, nên không làm gì được”, ông Toan mếu máo kể.

Không biết lấy gì gầy dựng lại cuộc sống

Ngồi khóc bên ngôi nhà của con gái, bà Hà Thị Yến (80 tuổi) không tin nổi lũ lại lớn đến vậy. “Từ xưa đến nay, chưa từng có trận lũ nào lớn như trận lũ này. Cả đời tôi sống ở đây, thường ngày nước suối Son rất thấp, chúng tôi còn lội qua lại để đi rừng. Bà con còn vỡ ruộng, lấy nước suối cấy lúa sinh sống. Không ngờ lũ theo suối cuốn hết, mất hết rồi. Ở đây, người dân sống khổ lắm, bám vào mấy cây nứa, cây luồng trên rừng thôi, giờ nhà cửa trôi hết, không biết lấy gì gây dựng lại cuộc sống nữa!”, bà Yến lo lắng.
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết ngay sau khi lũ xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm các nạn nhân, nhưng do nước lũ quá lớn, nên công tác tìm kiếm hết sức khó khăn. Hiện có khoảng 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang tìm kiếm người mất tích và khẩn trương tiếp cận bản Sa Ná.
“Cái khó hiện nay là đường vào Sa Ná hết sức khó khăn vì bản này nằm cách QL217 khoảng 7 km. Hiện tại, do nước dâng cao nên muốn vào được bản Sa Ná phải sử dụng tàu cao tốc để vượt sông Luồng, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5 km đường rừng mới có thể đến bản, nên công tác ứng cứu cho người dân gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tiệu nói.
Chúng tôi rời Sa Ná khi bóng tối đang bao trùm lên bản làng của người Thái.
Dưới sông Luồng và suối Son, các lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tìm kiếm những người dân bản còn mất tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.