Tận dụng cơ hội xuất khẩu tôm, cá sang Trung Quốc

28/08/2023 06:33 GMT+7

Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản vì lo ngại nguy cơ nhiễm phóng xạ. Liệu đây có phải là cơ hội cho thủy sản VN gia tăng xuất khẩu?

Mặt hàng nào được hưởng lợi ?

Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành hàng thủy sản, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thủy sản VN, nhưng mức độ tác động có thể sẽ không quá lớn do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của VN và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt. Phần lớn thủy sản Trung Quốc nhập từ Nhật Bản là các loại giáp xác và động vật thân mềm. Tuy nhiên, hai sản phẩm chủ lực của VN xuất khẩu sang Trung Quốc là tôm và cá tra dự kiến sẽ được "hưởng lợi" từ nhu cầu gia tăng.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu tôm, cá sang Trung Quốc  - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu lạc quan trong những tháng cuối năm

Đ.N.T

Ghi nhận của PV Thanh Niên, những ngày cuối tháng 8, tình hình xuất khẩu thủy sản đang bắt đầu tăng tốc trở lại, đặc biệt là những đơn hàng từ khách mua ở Trung Quốc. Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), chia sẻ: Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp (DN) cá tra phải chịu nhiều tác động, với rất nhiều khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. 

Các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của VN đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc; lượng tồn kho của DN rất lớn, cá dưới ao chưa thu hoạch cũng còn nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều tháng ảm đạm, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu khả quan từ nhiều thị trường. Theo ông Ong Hàng Văn, trong tháng 6 và 7, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của Công ty Trường Giang đang trên đà tăng trưởng trở lại, nhất là nhu cầu tiêu thụ tăng lên từ thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại của năm nay và năm 2024.

Tình hình xuất khẩu thủy sản VN sang Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục từ 2 tháng nay chứ không phải đợi đến khi có "lệnh cấm". Tuy nhiên, có thể một số DN xuất khẩu nguyên liệu phục vụ cho ẩm thực Nhật Bản tại Trung Quốc như sò điệp, hải sâm khô... có thể sẽ tận dụng được cơ hội để thay thế vị trí của nhà cung cấp Nhật Bản.


Đại diện một DN xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ

Công ty CP thủy sản Vĩnh Hoàn cũng thông tin các thị trường xuất khẩu lớn đã tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt 153 tỉ đồng trong tháng 7.2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7.2022. 

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên xuất khẩu tôm sú, đặc biệt là tôm sú cỡ lớn sống tự nhiên trong rừng ngập mặn, đánh giá xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa trung thu và lễ hội cuối năm. "Không biết có phải vì lệnh cấm nguồn hải sản Nhật Bản hay không, nhưng gần đây chúng tôi tiếp xúc thêm với nhiều khách hàng mới từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc hỏi mua hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của DN nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan", ông Khoa nói.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu thủy hải sản sang Trung Quốc

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một DN xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ cho biết: "Thật ra thông tin Trung Quốc cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm thủy sản của Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ cũng chỉ là một yếu tố nhỏ để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản VN sang Trung Quốc. Bởi những nước cung cấp hải sản lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador, Ấn Độ và Nga chứ không phải Nhật Bản. Tình hình xuất khẩu thủy sản VN sang Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục từ 2 tháng nay chứ không phải đợi đến khi có "lệnh cấm". Tuy nhiên, có thể một số DN xuất khẩu nguyên liệu phục vụ cho ẩm thực Nhật Bản tại Trung Quốc như sò điệp, hải sâm khô... có thể sẽ tận dụng được cơ hội để thay thế vị trí của nhà cung cấp Nhật Bản".

Tận dụng cơ hội xuất khẩu tôm, cá sang Trung Quốc  - Ảnh 3.

Tận dụng thời cơ để tăng tốc

Trung Quốc và Hồng Kông hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN trong nửa đầu năm nay, với kim ngạch nhập khẩu đạt 716 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Hiện có 7 sản phẩm thủy sản của VN được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết và cá tra. Trong đó, tôm và cá tra là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất.

"Mặc dù có nhiều nỗ lực và tín hiệu dự báo khá lạc quan nhưng nhiệm vụ tăng trưởng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023 hết sức nặng nề. Nhiều việc cần phải chủ động thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó còn phải kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại, duy trì ổn định nuôi các sản phẩm thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao…".

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT)

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhận định: "Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 7 ghi nhận tháng tăng trưởng dương thứ hai kể từ đầu năm với mức tăng 49%. Cục diện thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của tôm VN là Ecuador đã bắt đầu cạn dần sản lượng. Vì thế nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt. Trong khi đó, nhu cầu thị trường Trung Quốc nửa cuối năm nay dự kiến vẫn tốt nên xuất khẩu tôm VN sang Trung Quốc những tháng cuối năm nay sẽ khả quan hơn".

Tương tự, mặt hàng cá tra cũng đã có tín hiệu tích cực hơn. Nếu như tháng 4.2023 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 66%, tháng 5 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Có thể thấy các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đang lạc quan hơn trước. Người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỉ USD.

Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản, nhóm cổ phiếu thủy sản đã nổi sóng với nhiều mã cổ phiếu có lúc tăng kịch biên độ trong phiên giao dịch. Đóng cửa thị trường ngày 25.8, ở nhóm cổ phiếu cá tra, cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt tăng 4,8% và cổ phiếu IDI của Công ty CP đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I tăng 6,8%. Ở nhóm cổ phiếu tôm, cổ phiếu CMX của Công ty CP Camimex Group tăng 3,9% và cổ phiếu FMC của Công ty CP thực phẩm Sao Ta tăng 2,2%.

Ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus VN, phân tích: "Sản lượng cá tra ở VN khoảng 2,5 triệu tấn/năm, còn Trung Quốc đạt sản lượng sản xuất 27 triệu tấn cá/năm, mức tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Mặc dù tiềm năng sản xuất của Trung Quốc rất lớn, nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người ở đô thị còn ít. Vì vậy DN cá tra của VN vẫn có nhiều cơ hội gia tăng thị phần. Với những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, các DN cũng đã có sự chuẩn bị cho đợt tăng tốc cuối năm. Dự kiến tình hình xuất khẩu thủy sản có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.