Tân bác sĩ 24 tuổi vừa phát biểu vừa khóc trong lễ bế giảng

Quý Hiên
Quý Hiên
19/08/2022 12:17 GMT+7

Tại Phân hiệu Thanh Hoá Trường ĐH Y Hà Nội , tân bác sĩ đại diện cho các bạn học trong khi phát biểu tại lễ tốt nghiệp đã phải ngừng lại nhiều lần vì không cầm được nước mắt.

Trường ĐH Y Hà Nội vừa tổ chức lễ bế giảng cho bác sĩ y khoa khóa 1 (2016 - 2022) Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Tại lễ bế giảng, bác sĩ Lê Ngọc Thắng đã đại diện những tân bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp tại phân hiệu lên phát biểu.

Trong khi phát biểu, thỉnh thoảng bác sĩ Thắng phải dừng lại vì nghẹn lời. Mỗi lần như vậy, bác sĩ Thắng lại nhận được tràng pháo tay cổ vũ của các bạn đồng khóa.

Tân bác sĩ Lê Ngọc Thắng, 24 tuổi, vừa phát biểu vừa khóc trong lễ bế giảng bác sĩ y khoa khóa 1 Phân hiệu Thanh Hóa Trường ĐH Y Hà Nội

Hữu Linh.

Khi ta tốt nghiệp ĐH ở tuổi 24…

Bác sĩ Thắng chia sẻ, cách đây 6 năm, trong quãng thời gian đầu tiên sau khi nhập học tại phân hiệu, câu hỏi mà các bạn thường hỏi nhau là: “Mày có định thi lại không?”, và đa phần câu trả lời là: “Có!”. Những ngày tháng ấy, trong tâm trí của những thanh niên 18 tuổi là sự mông lung, chỉ mong mỗi thời gian trôi qua thật nhanh để sớm đến ngày rời bỏ chứ chẳng ai dám nghĩ sẽ cùng đồng hành với nhau 6 năm trời để hoàn thành chương trình học.

Một thời gian sau thì bác sĩ Thắng và bạn bè mới ý thức được về “trách nhiệm và sứ mệnh của những người tiên phong, những người anh cả”, về dấu mốc ý nghĩa mà lịch sử Trường ĐH Y Hà Nội đặt lên vai mình.

Tân bác sĩ khóa 1 Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa đọc lời thề Hippocrates trong lễ bế giảng

Quý Hiên

Bác sĩ Thắng lý giải: “Phân hiệu khi ấy mới thành lập, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chúng em cũng chỉ vừa mới biết tới, nên phân hiệu không phải là ước mơ, là mục tiêu mà chúng em cố gắng phấn đấu suốt 12 năm học để đạt được. Lúc đó, chúng em lại là lớp duy nhất ở phân hiệu nên chúng em vừa làm anh chị lại vừa làm em.

Những lúc gặp khó khăn, chúng em cũng tủi thân và cô đơn lắm. Cảm giác muốn từ bỏ lại càng lớn hơn. Vậy nên, chúng em của những ngày tháng đầu tiên là những sinh viên nhiều chán nản, ít ý chí và không tình yêu với nơi mà mình đã lựa chọn”.

Trong bài phát biểu của mình, bác sĩ Thắng không chỉ thể hiện sự biết ơn với thầy cô, với bạn bè, với bố mẹ, mà còn với cả lãnh đạo và người dân tỉnh Thanh Hoá.

Bác sĩ Thắng cho biết, suốt 6 năm nay, trong tâm khảm các sinh viên khoá 1 bác sĩ đa khoa Phân hiệu Thanh Hoá luôn đau đáu lời dạy của các thầy cô, “các em sinh viên tỉnh ngoài hãy quay sang bên cạnh, nhìn vào người bạn Thanh Hóa của mình để nói lời cảm ơn, vì để các em được học ở đây ngày hôm nay là nhờ mồ hôi, công sức của bà con nhân dân tỉnh Thanh Hóa…”.

Bác sĩ Thắng cũng nhấn mạnh dấu mốc “tuổi 24” của mình khi đề cập đến công lao của bố mẹ, “những người vĩ đại nhất trên thế gian này” (do ngành bác sĩ đào tạo 6 năm nên sinh viên ra trường muộn hơn 2 năm so với các ngành khác - PV). “Chúng con hiểu, để nuôi dạy một đứa con nên người là bao mồ hôi, công sức của bố mẹ đổ xuống. Nhưng để nuôi dạy một đứa con trở thành bác sĩ thì sự vất vả ấy còn lớn hơn gấp bội lần”, bác sĩ Thắng bày tỏ.

“Vì chúng em vào đời bằng ước mơ của chính mình…”

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên sau lễ bế giảng, bác sĩ Thắng cho biết, khi được tập thể khoá học cử làm đại diện để phát biểu, anh đã thật sự lo lắng vì sợ rằng những cảm xúc của bản thân sẽ khiến việc phát biểu bị gián đoạn. Rất may là cuối cùng anh cũng cố gắng tiết chế được, để giọng nói không bị méo đi sau những giây nghẹn ngào.

Bác sĩ Thắng nói: “Vì chúng em vào đời bằng ước mơ của chính mình, chứ không phải bằng ước mơ của bố mẹ, cho nên ngày tốt nghiệp để trở thành bác sĩ là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao”.

Bác sĩ Lê Ngọc Thắng cùng bố mẹ trong lễ bế giảng

quý hiên

Bác sĩ Thắng cho biết, anh vốn là học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. Từ nhỏ bác sĩ Thắng đã ước mơ được trở thành bác sĩ, được đào tạo tại trường y “đỉnh” của cả nước nên đã miệt mài chuẩn bị để có hành trang kiến thức tốt, nhằm đạt được ước mơ. Tuy nhiên, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, vì "một sai lầm không thể tha thứ" mà anh Thắng tự làm hỏng bài thi của mình, khiến cho tổng điểm thi 3 môn khối B chỉ vừa đủ đỗ vào phân hiệu (24 điểm, thiếu 3 điểm đỗ vào cơ sở chính).

Thời điểm tân sinh viên khoá 1 nhập học, trụ sở phân hiệu còn rất tuềnh toàng, cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ TP.Thanh Hoá. “Mỗi khi gọi taxi, chúng em phải nói địa chỉ là gần Bệnh viện Nhi Thanh Hoá”, bác sĩ Thắng kể.

Nhưng nhờ sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá mà cơ sở vật chất, trang thiết bị của phân hiệu (do tỉnh đầu tư) hoàn thiện nhanh chóng. Mặt khác, sinh viên ở phân hiệu lại rất được thầy cô giáo Trường ĐH Y Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Niềm tin được đền đáp

Anh Thắng cho biết, điều mà các sinh viên khoá 1 lo nhất là tuy cũng nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội cấp nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn tới quá trình trình hành nghề bác sĩ sau này.

Anh Thắng kể: “Ban đầu, chúng em chỉ mong chất lượng đào tạo ở phân hiệu được một phần nào đó của Trường ĐH Y Hà Nội thôi. Nhưng thực tế điều mà chúng em nhận được cũng khiến các bạn ở trường chính phải ghen tị. Chẳng hạn, ở trường chính, sinh viên chỉ được tiếp cận với thầy cô khi ở trên lớp, còn việc hỏi thêm sau giờ học khá khó khăn vì các thầy cô đều rất bận. Còn với chúng em, khi thầy cô về Thanh Hoá dạy thì tất cả thời gian ở Thanh Hoá thầy cô đều dành cho chúng em.

Hoặc khi chúng em ra Hà Nội học, mỗi lần cần liên hệ với thầy cô là các bạn cơ sở chính lại nhờ chúng em. Theo các bạn ấy nói, sinh viên cơ sở chính liên hệ thì thường là thầy cô sẽ “bận”, còn sinh viên phân hiệu liên hệ thì thầy cô luôn ưu tiên đáp ứng”.

Theo bác sĩ Thắng, những tâm sự của anh trong lễ bế giảng cũng là tâm sự chung của những tân bác sĩ khoá 1 của Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Đó là những ngôn từ, những cảm xúc không chỉ đến bây giờ mới bùng nổ mà là trải nghiệm từng ngày của các bạn trong 6 năm qua.

Thắng tâm sự: “Hồi đó chúng em động viên nhau, chắc chắn chúng ta sẽ không bị bỏ rơi! Trường ĐH Y Hà Nội không thể đánh mất giá trị cốt lõi mà họ có được trong suốt gần 120 năm phát triển để mà cấp bằng tuỳ tiện cho chúng mình! Chắc chắn tấm bằng của chúng mình sẽ là thể hiện chất lượng đào tạo, tương xứng với danh tiếng của trường! Cảm ơn số phận vì đã giúp chúng em tin tưởng đúng!”.

Năm đầu tiên tuyển sinh (2016), điểm chuẩn của Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa là 24, thấp hơn cơ sở chính 3 điểm, gần như thấp nhất trong số các trường đào tạo y đa khoa ở miền Bắc. Nhưng trong 6 năm qua, nhờ vào chính sách giữ uy tín đầu vào và chất lượng đào tạo của Trường ĐH Y Hà Nội, khoảng cách điểm chuẩn tại phân hiệu với cơ sở chính không chỉ giảm dần, mà còn nâng tầm đầu vào tuyển sinh của phân hiệu lên một đẳng cấp mới.

Năm ngoái, với mức điểm chuẩn ngành y đa khoa là 27,75 (cơ sở chính là 28,85), Phân hiệu Thanh Hóa trở thành một trong những cơ sở có điểm chuẩn chuyên ngành y đa khoa cao thứ 4 cả nước (sau cơ sở chính Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TP.HCM và khoa Y dược ĐH Quốc gia Hà Nội).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.