Tâm sự nghẹn lòng của thợ sửa khóa có con đạt giải Vàng Toán quốc tế

21/07/2016 10:03 GMT+7

Những ngày sau mùa vụ, khi lúa đã gặt, ruộng đã khô, anh Hảo đạp chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi ở Thái Bình để sửa khóa. Còn chị Kính thì trải một miếng bạt ở giữa chợ quê, bán gương lược góp thêm tiền chợ...

Những ngày qua, trong ngôi nhà nhỏ ở xã Đông Các (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) của vợ chồng anh Vũ Xuân Hảo (54 tuổi) và chị Đặng Thị Kính (51 tuổi) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, người làng trong làng ngoài đều tìm đến thăm hỏi, nói lời chúc mừng không ngớt. Cũng bởi, nếu là người vùng này, ai cũng biết vợ chồng anh chị đã sống đời bươn chải chỉ để nuôi cả 5 đứa con thành người. Riêng con trai út lại xuất sắc 2 lần đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, đó chính là Vũ Xuân Trung.

Chia sẻ cảm xúc khi nghe tin Trung giành “cú đúp” thành tích, anh Hảo đầy tự hào nói: “Tôi giật mình khi nghe tin con đạt giải Vàng, bởi vì năm nay, tôi biết năm nay con làm trưởng đoàn của 6 người trong đội tuyển Toán đi thi quốc tế, nên áp lực rất lớn. May sao, em vẫn giữ vững phong độ, gia đình tôi phấn khởi lắm!”.

Mải miết lo miếng cơm manh áo, anh Hảo, chị Kính không có nhiều thời gian coi sóc việc học của con. Khi nhà trường viết giấy gửi phụ huynh, thuyết phục gia đình cho Xuân Trung đi học lớp bồi dưỡng ở huyện Đông Hưng rồi Phú Châu, cách nhà em đến 6 cây số, ông Hảo bất ngờ.

Xuân Trung sinh trưởng trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Thái Bình, các thành viên trong nhà chưa ai học hết cấp 3. Khoảng thời gian Trung lên tiểu học là giai đoạn bố mẹ cậu chật vật chạy ăn từng bữa. Nhiều năm trước, họ sống trong mái nhà có diện tích chỉ 15 m2 xiêu vẹo, chực đổ sập mỗi khi giông bão. Bụng chưa đủ no làm sao có đủ tâm trí để học; vậy nên, cả 4 chị gái của Trung đều sớm rời trường ra đồng cày ruộng, có người quán xuyến việc nhà, trông em cho bố mẹ đi làm.

Những ngày sau mùa vụ, khi lúa đã gặt, ruộng đã khô, anh Hảo đạp chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp các ngõ hẻm, đường thôn ở Thái Bình sửa khóa, kiếm thêm thu nhập. Còn chị Kính thì trải một miếng bạt ở giữa chợ quê, bán gương lược cho các bà, các mẹ đi chợ sớm, góp thêm tiền chợ. Đến nay, anh chị đã có gần 30 năm tần tảo hôm sớm với nghề tay trái này. Anh Hảo gọi cái nghề của mình và vợ là “đi câu” bởi có ngày bán được, có ngày lại không.

Xuân Trung trong chuyến vui chơi tại Disneyland Hồng Kông vừa qua Ảnh: NVCC
Lắm hôm chẳng có gì ăn, tôi lấy cá khô để rán lên rồi luộc rau linh tinh cho em mang đến trường. Hôm mưa phùn, gió bấc hay sương mù, bố vẫn cố gắng nai con đi học trên chiếc xe đạp trành, một bên cặp lồng cơm, một bên cặp sách. Nhìn dáng bố liêu xiêu, lưng con còm lại trong gió rét, thương lắm!
Chị Đặng Thị Kính
Cũng bởi kinh tế eo hẹp nên Trung không được đi học mẫu giáo như các bạn. Sau giờ làm đồng, các chị gái về nhà tranh thủ dạy em tập viết, tập tô, học đếm số rồi hát hò cho “có lệ”, không ai hy vọng nhiều ở Trung. Đầu năm lớp 1, cậu suýt không được cô giáo nhận vào lớp vì lý do “chưa học qua mẫu giáo”. Ấy vậy mà, trong những giờ học đầu tiên, Trung đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, đặc biệt yêu thích học Toán… khiến các thầy cô chú ý.
Mải miết lo miếng cơm manh áo, anh Hảo, chị Kính không có nhiều thời gian coi sóc việc học của con. Khi nhà trường viết giấy gửi phụ huynh, thuyết phục gia đình cho Xuân Trung đi học lớp bồi dưỡng ở huyện Đông Hưng rồi Phú Châu, cách nhà em đến 6 cây số, ông Hảo bất ngờ. Ông nói với cô giáo: “Con tôi không học giỏi đâu, tôi không muốn con tôi đi đâu”.

Nghĩ đi rồi nghĩ lại, Kính hỏi con: “Con có muốn đi không?”. Trung thỏ thẻ trả lời: “Con biết điều kiện gia đình mình khó khăn, con cũng không muốn học xa nhà đâu nhưng mà mẹ cứ cho con đi thử, biết đâu lại được…”.

Kể từ ngày ấy, anh Hảo lãnh nhiệm vụ chở con đi học, bằng xe đạp, trước khi đi sửa khóa. Còn chị Kính phải dậy từ 4 giờ sáng để thổi cơm cho con mang theo, ăn nguyên ngày ở trường xa.

“Lắm hôm chẳng có gì ăn, tôi lấy cá khô để rán lên rồi luộc rau linh tinh cho em mang đến trường. Những ngày nắng ráo không sao, có hôm mưa phùn, gió bấc hay sương mù, bố vẫn cố gắng nai con đi học trên chiếc xe đạp trành, một bên cặp lồng cơm, một bên cặp sách. Nhìn dáng bố liêu xiêu, lưng con còm lại trong gió rét, thương lắm!”, tinh thần hiếu học của Xuân Trung lay động bố mẹ.

Xuân Trung phát biểu trong buổi tuyên dương tại trường THPT chuyên Thái Bình diễn ra mới đây Ảnh NVCC

Khó khăn là vậy nhưng khi mẹ hỏi học xa có vất vả lắm không, Trung lúc đó chỉ mới học lớp 4 đã biết nói lời làm ấm lòng bậc sinh thành: “Không việc gì đâu, con thích lắm. Cứ cho con học đi, không sao cả!”.

Cứ như vậy, anh Hảo và chị Kính đồng hành cùng con qua những năm tháng Tiểu học khó khổ nhưng cũng đầy ắp niềm vui, tự hào. Lớp 4, Trung tham gia thi cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp cụm và đạt thành tích cao. Lên lớp 5, Trung đứng Nhất cuộc thi Toán học tuổi thơ toàn quốc ở Huế. Chàng trai quê lúa tốt nghiệp Tiểu học loại xuất sắc và được tuyển thẳng vào trường điểm của huyện năm lớp 6.

“Sau năm Tiểu học, tôi bắt đầu đặt nhiều kỳ vọng vào cháu nhưng cũng không dám thể hiện nhiều vì sợ cháu áp lực. Mỗi khi thấy con học khuya quá 10 giờ tối, tôi đều giục cháu đi ngủ. Trung là đứa hiền lành, chăm học, hiểu hoàn cảnh gia đình. Dù cháu là con trai út nhưng tôi và vợ không nuông chiều cháu, thậm chí có phần nghiêm khắc hơn các chị. Ở gia đình chúng tôi, không có phân biệt con trai - con gái, đứa nào cũng được yêu thương và đối xử như nhau”, anh Hảo chia sẻ với Thanh Niên.

Xuân Trung được tuyển thẳng vào trường đại học Khoa học tự Nhiên (Hà Nội) sau khi học hết cấp 3 Ảnh NVCC

Trước ngày Xuân Trung lên đường dự thi Olympic Toán quốc tế, anh Hảo nói với con: “Nhà mình không có điều kiện bằng các bạn, cũng không có xe hơi để bố đưa rước con. Bố mẹ chỉ có thể đi xe buýt và tiễn con tại trường, nhưng dù vậy, con hãy tự tin, vững tâm và nghĩ rằng bố mẹ luôn bên cạnh, tự hào và kỳ vọng vào con!”.

Với những thành tích mà Trung đã đạt được, anh Hảo và chị Kính tạm an tâm khi nghĩ về tương lai của con. Bố “chàng trai Vàng” Toán học chia sẻ ước vọng lớn nhất đời mình: “Con làm nghề nào cũng được, ở đâu cũng được, miễn là sức khỏe phải dồi dào, sống biết kính trên nhường dưới là tôi vui lòng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.