'Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa' còn nhiều 'sạn'

12/08/2017 09:51 GMT+7

Ra mắt trong sự kỳ vọng lớn của khán giả, nhưng Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa lại khá nhiều 'sạn'.

Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa là dự án điện ảnh chuyển thể gây chú ý nhất trong thời gian gần đây nhờ dàn diễn viên nổi tiếng, phí đầu tư cao vọt cũng như cốt truyện từng được dựng thành bản truyền hình rất thành công.

Đập tan hình tượng cao ngạo, dám yêu dám hận của truyện, Bạch Thiển - nữ đế cơ Thanh Khâu do Lưu Diệc Phi thể hiện mang lại cảm giác khó chịu bởi cách xử lý tình cảm mông lung. Đó là chưa kể đến việc cứ lên hình 10 lần thì gần 9 cảnh cho thấy Bạch Thiển tay cầm bình rượu nốc liên tục. Những người không đọc tiểu thuyết hẳn sẽ phải nghĩ đây là nữ thần nghiện rượu chứ không phải là thần tiên mà tứ hải bát hoang tôn kính gọi cô cô.

Bạch Thiển trong bản điện ảnh để lại ''ấn tượng'' là một nữ thần hay cười, hay khóc và thích uống rượu

Bước ra từ trang sách, Thái tử Dạ Hoa của Dương Dương cũng lạ lẫm không kém. Sự thâm trầm, lạnh lùng hay khí chất anh dũng đã hoàn toàn biến mất trên bản điện ảnh mà thay vào đó là một công tử mặt hoa da phấn chuyên chọc ghẹo vị hôn thê Bạch Thiển và luôn ở trạng thái gồng mình trong bộ áo giáp cồng kềnh.

Có thể nói, Lưu Diệc Phi và Dương Dương thật sự diễn xuất không tệ vì các phân đoạn tình cảm của nhân vật vẫn được truyền đạt tốt, nhưng phần do mạch phim diễn tiến nhanh cũng như mối quan hệ nhân vật từ chính đến phụ đều bị biến đổi nhiều, nên khán giả bị rơi vào vòng xoáy "chạy" theo phim mà đánh rơi đi cảm xúc và cũng chẳng còn thời gian “cảm” được cách diễn của cặp đôi. 

Tạo hình trong Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa cũng là một nỗi thất vọng lớn. Khí chất thần tiên tỷ tỷ của Tiểu Long Nữ ngày nào gần như bị vùi lấp hoàn toàn, còn Dạ Hoa thích mặc đồ đen của tiểu thuyết thì bỗng dưng chói lòa trong các bộ áo giáp đỏ dát vàng. Nhìn Dạ Hoa, người xem không khỏi liên tưởng đến các nhân vật trong phim Hoàng Kim Giáp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Đặc biệt, phượng hoàng mà tứ hải bát hoang kính nể - Chiết Nhan (La Tấn) cũng bỗng trở thành con công lòe loẹt trong trang phục kỳ quái.

 Tạo hình Chiết Nhan là bị chê bai nhiều nhất phim

Khâu mà nhà sản xuất quảng bá rầm rộ nhất là kỹ xảo cũng chẳng thể cứu nổi bộ phim. Không thể phủ nhận tâm huyết của đội ngũ sản xuất khi cố gắng “thần tiên hóa” những địa điểm được miêu tả khá ít trong truyện như Cửu Trùng Thiên, Thanh Khâu, rừng đào mười dặm… Thế nhưng, tất cả sẽ rất sống động hơn nếu như bỏ đi vài chi tiết dư thừa như màn hóa thú chạy nhảy như phim hoạt hình hay cách quay ngang dọc lẫn lộn trên Thiên Cung.

Ngoài ra, đoàn làm phim cũng mắc lỗi lạm dụng kỹ xảo trong các cảnh cần cảm xúc hơn là hiệu ứng thị giác, đơn cử như phân đoạn Dạ Hoa nấu ăn đầy hoài niệm lại như trở thành chuyên mục quảng cáo vua đầu bếp. 

Đoạn "chém hoa quả" nấu nướng khiến khán giả "dở khóc dở cười"

Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa không phải không có ưu điểm mà vì vô số khuyết điểm đã vô tình che mờ những điều tốt đẹp của phim. Lời thoại và cái kết ngụ ý theo quy luật tuần hoàn của mối duyên Bạch Thiển - Dạ Hoa là điểm sáng tạo mà đạo diễn Triệu Tiểu Đinh và Anthony LaMolinara muốn hướng tới, nhưng lại chưa truyền tải đủ để đến con tim khán giả. Bên cạnh đó, màn xuất hiện “ít nhưng chất” của Nghiêm Khoan (Quỷ quân Kình Thương), Lý Thuần (Trắc phi Tố Cẩm), Cố Tuyền (Huyền Nữ) xứng đáng được khen ngợi, bởi chính bộ ba này mới là nhân tố đẩy mạch phim lên cao trào.

Tóm lại, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa đáp ứng được một phần mong mỏi từ người hâm mộ bởi ngoại hình các nhân vật chính được đánh giá là hợp với miêu tả của tiểu thuyết. Tác phẩm phù hợp với đối tượng fan của truyện và xem để so sánh với bản truyền hình. Còn nếu chưa đọc qua sách, người xem sẽ khó lòng hiểu được bộ phim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.