Tầm nhìn phát triển nguồn nhân lực

28/02/2024 04:12 GMT+7

Trong một phát biểu mới đây, tỉ phú Jensen Huang, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA - nhà sản xuất chip bán dẫn có thị giá lớn nhất thế giới, cảnh báo trí tuệ nhân tạo (AI) hoàn toàn có thể thay con người trong việc viết code để lập trình phần mềm máy tính.

Cảnh báo trên của tỉ phú Huang không hề xa vời, bởi việc sử dụng AI để lập trình đã dần đi vào hiện thực.

Kỷ nguyên AI đang bùng nổ tạo ảnh hưởng sâu sắc đến nhân loại, đồng thời dẫn đến sự thay đổi đáng kể cho cấu trúc lao động.

Tại một sự kiện công nghệ vừa diễn ra tại California (Mỹ) quy tụ lãnh đạo của nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới, người viết đã được nghe, thảo luận về sự phát triển của AI. Trong đó, việc thiết kế chip giờ đây cũng đã được thực hiện một phần bởi AI. Nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất chip cũng tương tự. Hay trong lĩnh vực tài chính, nhiều phần nghiệp vụ đến nay cũng đã từng bước được đảm nhiệm bởi AI.

Tất cả cho thấy sau kỷ nguyên bùng nổ tự động hóa khiến máy móc thay thế con người trong nhiều phần việc lao động chân tay, thì nay giai đoạn tiếp theo còn nhằm đến cả những nhân lực mà cách đây chưa bao lâu vẫn còn được cho là "không thể thay thế con người". Tất nhiên, việc chuyển đổi như vậy không đồng nghĩa với việc con người bị loại bỏ, mà quá trình này đòi hỏi con người phải nâng cấp năng lực, biết tận dụng AI. Như khi không cần phải tốn nhiều công sức cho viết code, lập trình viên giờ đây phải hướng đến việc xây dựng những phần mềm, ứng dụng cao cấp hơn với thời gian thực hiện nhanh hơn khi có AI hỗ trợ viết code.

Ở tầm mức quốc gia, sự chuyển đổi cấu trúc lao động đặt ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn xa hơn. Cần nhớ, chúng ta mất từ 4 - 5 năm để đào tạo một kỹ sư, trong khi với tốc độ phát triển của công nghệ ngày nay thì giai đoạn từ 4 - 5 năm đã tạo ra những thay đổi khó tưởng tượng. Ở tầm định hướng cho một thế hệ thì đòi hỏi những chiến lược càng xa hơn. Nếu như không định hướng đúng, chúng ta sẽ chỉ có một đội ngũ nhân sự lạc hậu.

Gần đây, để phát triển ngành bán dẫn, VN đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 là đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn. Nhưng thực tế trên cũng đặt ra vấn đề quan trọng là 50.000 kỹ sư sẽ phải như thế nào, nguồn nhân lực cho từng thành phần sẽ chiếm tỷ lệ bao nhiêu với tiêu chuẩn chất lượng đến năm 2030 ra sao. Nếu không tính toán và đạt được mục tiêu phù hợp, cả chiến lược phát triển ngành bán dẫn có thể không thành công.

Nguồn nhân lực ngành bán dẫn chỉ là một điển hình cho bức tranh toàn cảnh về nhân lực vốn luôn đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của một quốc gia. Chính vì thế, để phát triển đất nước bền vững lâu dài, tầm nhìn phát triển nguồn nhân lực càng trở nên quan trọng và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh cấu trúc nhân lực đang thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.