Tầm nhìn của 'vua' tiêu dùng - bán lẻ Việt Nam

13/10/2021 07:16 GMT+7

Tại Việt Nam, các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm đến 50% quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu của người Việt. Thế nhưng, trên hầu hết các chợ online lớn nhất lại chỉ bán thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm… Đại dịch Covid-19 đã cho thấy dư địa khổng lồ này còn bỏ trống.

Từ tháng 6.2020, tại Đại hội cổ đông thường niên, Ban lãnh đạo Tập đoàn Masan đã chính thức công bố chiến lược “Point of Life” - “Tất cả trong một”, mở đầu cho hàng loạt thương vụ, các cú bắt tay gây rúng động thị trường suốt hơn 1 năm qua.

Kết hợp với “người khổng lồ”

Cuối tháng 5 vừa qua, thị trường rúng động trước thông tin nhóm nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA) khởi xướng, đã rót 400 triệu USD, tương đương 5,5% vốn vào The CrownX, công ty quản lý phần vốn góp của Tập đoàn Masan Group tại Công ty Masan Consumer Holdings (MCH, sở hữu 85,71%), Công ty dịch vụ thương mại VinCommerce (VCM, sở hữu 92,8%).

Người tiêu dùng Việt Nam có thể ngồi nhà mua thịt, rau, quả, đồ dùng học tập... tại hệ thống Vinmart

T.T

Số tiền 400 triệu USD hay 5,5% cổ phần là con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh dịch kéo dài đã hơn 1 năm. Nhưng sự “rúng động” còn nằm ở phía sau các con số.

Trong nhóm nhà đầu tư, Alibaba là tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Còn BPEA đang quản lý danh mục tài sản trị giá 23 tỉ USD và là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á. Một bên có thâm niên, kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ lẫn công nghệ, một bên là “ông trùm” sản xuất ngành hàng tiêu dùng và nắm trong tay hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam.

Việc phát triển các kênh trực tuyến dựa trên “những người khổng lồ” sẽ giúp Masan đi nhanh hơn trong mục tiêu kết nối trực tiếp từng hộ gia đình. Hay nói một cách đơn giản thì thương vụ này mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành bán lẻ Việt Nam, khi hàng triệu bà nội trợ từ thành thị tới nông thôn, thậm chí là vùng sâu, vùng xa chỉ cần nhấp chuột là có đầy đủ từ thịt, rau, củ, quả đến gia vị, hành mắm cho một bữa cơm.

Sự thành công của Walmart, tập đoàn bán lẻ của Mỹ, vận hành chuỗi các đại siêu thị và cửa hàng bách hóa là minh chứng rõ nhất của điều này. Với hơn 5.000 cửa hàng, Walmart đạt doanh thu 500 tỉ USD mỗi năm, phục vụ 150 triệu người tiêu dùng. Từ mô hình cửa hàng offline đạt lợi nhuận, Walmart đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ online. Năm 2018, Walmart đã mua cổ phần chi phối tại Flipkart, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Ấn Độ. Theo đó, Walmart đầu tư 16 tỉ USD để thâu tóm 77% cổ phần tại Tập đoàn Flipkart. Qua giao dịch này, Walmart đã thâm nhập thị trường thương mại điện tử Ấn Độ - được Morgan Stanley định giá khoảng 200 tỉ USD. Đồng thời, việc thâu tóm Flipkart cũng tạo thêm sức mạnh để Walmart cạnh tranh trên sân chơi thương mại điện tử toàn cầu.

Ở Việt Nam, The CrownX có khá nhiều điểm tương đồng với Walmart khi thế mạnh sẵn có của tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ này là hệ thống bán lẻ offline quy mô hàng đầu, phủ sóng khắp cả nước (gần 2.500 điểm bán VinMart/VinMart+) và mối quan hệ hợp tác mật thiết của MCH với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống. Khi hợp tác với các “ông trùm” như Alibaba hay với Lazada, hàng hóa của Masan sẽ tiếp cận với 20.000 khách hàng của trang này. Ở chiều ngược lại, nhu yếu phẩm cũng sẽ là mặt hàng thu hút lưu lượng truy cập vào Lazada. Masan đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của The CrownX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng của công ty trong thời gian tới.

Các siêu ứng dụng cũng là một phần trong kế hoạch bài bản của Masan. Khi có chuỗi cung ứng hàng hóa offline tốt, Masan tích hợp bán hàng trên siêu ứng dụng và các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, VinMart đang có mặt trên ứng dụng VinID với 9 triệu người dùng, Techcombank với 5 triệu người dùng và nhiều ứng dụng mua sắm khác. Khách hàng có thể đặt hàng thông qua ứng dụng, tích lũy điểm để quy đổi ra chiết khấu, cập nhật thường xuyên các chương trình khuyến mãi, thanh toán không dùng tiền mặt và được giao hàng tận nơi. Nguồn dữ liệu từ tệp khách hàng offline và online cũng là một “mỏ vàng” quý giá đối với các doanh nghiệp am hiểu về sức mạnh của phân tích dữ liệu.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, cho biết: “Masan hiện xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và con số này sẽ tăng gấp 5 - 10 lần vào 2025. Khối lượng giao dịch đồ sộ này sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn dữ liệu quý giá để thấu hiểu người tiêu dùng và phục vụ họ tốt hơn”.

Tạo sức mạnh cộng hưởng cho thương hiệu Việt

Chỉ một tuần sau khi bắt tay với những người khổng lồ ngoại, Masan lại khiến thị trường sững sờ khi công bố hợp tác với thương hiệu trà Phúc Long thông qua việc mua 20% cổ phần, tương đương 15 triệu USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hợp tác sẽ giúp cho cả hai thương hiệu Việt cùng tăng sức mạnh và người tiêu dùng thấy hứng thú với những trải nghiệm mua sắm của họ với sản phẩm, dịch vụ của cả Masan và Phúc Long.

Có trên 50 năm hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất các sản phẩm trà và cà phê. Phúc Long “thay da đổi thịt” và được biết đến nhiều hơn khi đặt chân vào lĩnh vực F&B với những cửa hàng hiện đại phục vụ các thức uống thời thượng của giới trẻ.

Hiện nay, Phúc Long sở hữu 82 cửa hàng trên toàn quốc. Trong thị trường cùng phân khúc, các thương hiệu như Highland Coffee, Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf… là những đối thủ đáng gờm của Phúc Long. Cạnh tranh trong thị trường F&B khốc liệt này, việc Phúc Long chia sẻ 20% cổ phần cho Masan, hợp tác xây dựng mô hình ki ốt Phúc Long trong các siêu thị mini VinMart+ là một chiến lược đem lại nhiều lợi ích. Phúc Long sẽ tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được hệ thống chuỗi trên toàn quốc. Nhờ đó, tệp khách hàng của Phúc Long cũng được mở rộng. Không còn chỉ tập trung ở một số thành phố lớn, ở các khu vực trung tâm, mà được mở rộng khắp theo chuỗi 2.500 điểm bán của VinMart+. Lợi thế điểm bán về mặt chiến lược sẽ giúp Phúc Long chiếm lĩnh thị trường, thậm chí vượt mặt đối thủ ngoại.

Mô hình tinh giản nhưng đem lại hiệu quả rõ rệt. Điều này đã được hai bên thử nghiệm với 4 ki ốt tại TP.HCM và cho kết quả vô cùng khả quan. Chỉ với diện tích 8 m2, mỗi ki ốt Phúc Long tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, đáp ứng tốt được nhu cầu của khách hàng mua sản phẩm mang đi. Trong khi, chất lượng và chủng loại sản phẩm không có bất kỳ sự khác biệt nào với các cửa hàng Phúc Long thông thường.

Còn với Masan, khách hàng giờ đây đến VinMart+ không chỉ để mua các sản phẩm hàng hóa thiết yếu mà còn có thể mua thức uống thời thượng của Phúc Long. Tệp khách hàng của VinMart+ trước kia phần đông là các bà, các cô nội trợ thì với hợp tác này sẽ được mở rộng ra cả giới trẻ. Những người vốn rất ưa thích thương hiệu trà sữa Phúc Long. Mô hình này sẽ không ngừng được cải tiến để đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của khách hàng.

Kinh nghiệm của Phúc Long trong việc vận hành chuỗi F&B kết hợp với sự am hiểu của Masan trong vận hành chuỗi hàng ngàn điểm bán sẽ được hai bên chia sẻ để phát huy hoàn toàn thế mạnh của cả hai.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce, chia sẻ: “VinMart+ và Phúc Long rất tự hào là 2 thương hiệu mạnh của Việt Nam kết hợp sức mạnh với nhau để phục vụ cho việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người tiêu dùng Việt Nam. Masan vô cùng trân trọng những thành tựu mà Phúc Long đã đạt được cũng như niềm đam mê, lòng nhiệt huyết của anh Lâm Bội Minh, người sáng lập công ty. Tôi tin rằng sự kết hợp các sản phẩm thương hiệu Phúc Long cùng mạng lưới trên 2.200 cửa hàng VinMart+ hôm nay và 10.000 cửa hàng trong 5 năm tới sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức những thức uống trà và cà phê tươi ngon. Với mục tiêu cung cấp các sản phẩm thiết yếu đáp ứng tiêu chí “Tươi ngon thượng hạng”, chúng tôi tin tưởng sẽ biến mỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam”.

“Vua” tiêu dùng - bán lẻ Nguyễn Đăng Quang

T.T

“Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đưa thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê Phúc Long vươn ra thế giới, góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc và quảng bá các thức uống đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, hợp tác này cũng giúp thực thi chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” mà Masan đang hướng tới”, ông Thắng tiết lộ thêm.

Alibaba nổi lên như một nhà đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực thương mại điện tử. Từ năm 2018 - 2020, Alibaba thực hiện nhiều đợt rót vốn đầu tư vào Lazada với giá trị lần lượt là 1,5 tỉ USD, 790 triệu USD và 2,3 tỉ USD. Năm 2018, Alibaba mua 85% cổ phần của Trendyol (trang thương mại điện tử hàng đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ) với giá trị tiền mặt là 728 triệu USD. Năm 2017, tập đoàn này đầu tư 1,1 tỉ USD vào Tokopedia - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Indonesia.

Tính đến cuối tháng 6.2021, có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm ki ốt Phúc Long đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng. Theo thỏa thuận, ki ốt Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VCM, tương đương với 1 triệu đồng/ngày. Masan đặt mục tiêu tính đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình ki ốt Phúc Long. Với mức đóng góp doanh thu trên, biên EBITDA của cửa hàng VinMart+ tích hợp ki ốt Phúc Long dự kiến sẽ gia tăng 4%.

Đưa “đời sống tài chính” về nông thôn

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, ông Nguyễn Đăng Quang nhận định: “Khoảng 60 - 70% người Việt Nam đang sống tại nông thôn, không có thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, không có ngân hàng bên cạnh để phục vụ họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có đời sống tài chính. Chỉ là đời sống tài chính của họ đang dựa trên tiền mặt, trên các tài sản họ tích lũy từ tiền tiết kiệm hàng năm.

Đó là tiền đề để tháng 6.2021, Masan đã hợp tác cùng Ngân hàng Techcombank ra mắt mô hình giao dịch một điểm đến đa tiện ích - CVLife (Convenient Life). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam một ngân hàng kết hợp cùng tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ ra mắt mô hình dịch vụ tích hợp các tiện ích cho khách hàng tại một điểm cung cấp dịch vụ, tối ưu những giải pháp để mang đến sự thuận tiện nhất cho khách hàng.

Để thúc đẩy việc mua sắm online, cần tập trung vào phục vụ các sản phẩm thiết yếu - những sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng hằng ngày. Nhu yếu phẩm hiện chiếm 50% thị trường bán lẻ Việt Nam và 25% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Đây là điều Masan đang hướng đến

Ông Danny Lê (Tổng giám đốc Tập đoàn Masan)

Mô hình CVLife thí điểm đầu tiên đã được ra mắt tại Hà Nội. Tại đây, khách hàng có thể thực hiện nhanh các giao dịch ngân hàng như chuyển tiền, nộp - rút tiền mặt, mở tài khoản số đẹp và phát hành thẻ, đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử khi đến VinMart+ mua sắm. Người tiêu dùng có thể tham gia vào một “hệ sinh thái” trong đó có tích hợp nhu yếu phẩm thiết yếu, chuỗi F&B và dịch vụ tài chính. Khách hàng đăng ký chương trình loyalty (khách hàng trung thành), được tích điểm khi sử dụng dịch vụ và quy đổi quyền lợi linh hoạt.

Covid-19 bùng bổ, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Do vậy, mua sắm thời trang, du lịch, ăn uống bên ngoài có sự sụt giảm rõ rệt. Tương quan với bức tranh trên, các nhà bán lẻ nên chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu trên môi trường online. Đây là sự chuyển dịch mà các doanh nghiệp bán hàng online cần phải nhìn thấy

Lê Minh Trang (Đại diện Công ty Nielsen Việt Nam)

Như vậy tính đến thời điểm này, không chỉ có nhu yếu phẩm và hệ thống điểm bán offline-to-online, The CrownX còn tích hợp cung cấp dịch vụ tài chính. “The CrownX là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (MCH), thịt có thương hiệu (MML) và dịch vụ tài chính (TCB) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt. Đó là chương đầu tiên trong hành trình “Point of Life” của chúng ta. Điểm đặc biệt là hệ thống này không chỉ có mặt ở thành thị mà còn phủ sóng ở nông thôn”, lãnh đạo tập đoàn tự hào nói.

Đó chính là tầm nhìn chiến lược mà “vua” tiêu dùng - bán lẻ Nguyễn Đăng Quang đã xây dựng và liên tục hoàn thiện trong suốt nhiều năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.