Tâm nguyện của con gái nhà thơ Nguyễn Bính

10/09/2017 06:46 GMT+7

Chị Hồng Cầu cho biết năm nay là đúng 100 năm ngày sinh bố của chị (nhà thơ Nguyễn Bính) và 3 điều chị tâm nguyện làm cho bố cũng đã hoàn thành.

Nhà thơ có số phận long đong
Thế hệ chúng tôi biết đến thơ Nguyễn Bính cách đây khoảng nửa thế kỷ, khi còn là học sinh bậc trung học ở miền Nam thuở đất nước còn chia đôi (dạo đó thơ Nguyễn Bính được đưa vào sách giáo khoa ở cả 2 miền). Không ít nhà văn ở miền Nam còn tận dụng mọi tình huống để đưa những câu thơ Nguyễn Bính vào các tác phẩm của mình. Lũ chúng tôi thi nhau chép thơ Nguyễn Bính (và các nhà thơ tiền chiến khác như Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên...) vào sổ tay. Thơ của các tác giả kia đa phần thuộc dạng “thơ mới”, chỉ riêng Nguyễn Bính “một mình, một chiếu” với phong vị chân quê, đẹp như những bài ca dao, đồng dao thấm đẫm hương đồng gió nội và thấm đẫm cả tâm hồn lứa tuổi mới lớn của chúng tôi.
Buổi ra mắt Nguyễn Bính toàn tập, ngoài rất đông văn nghệ sĩ TP.HCM tham dự, còn có sự hiện diện của chị Nguyễn Hương Mai (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre) - người con chưa từng biết mặt bố, là một minh chứng.
Trộm nghĩ, “trăm năm, một buổi” như thế, thi nhân hẳn cũng đã ấm lòng!
Cách đây hơn 20 năm, biết chị Nguyễn Bính Hồng Cầu là ái nữ của nhà thơ Nguyễn Bính, tôi đi tìm. Dạo đó, chị công tác ở Công ty phát hành sách TP.HCM (FAHASA). Rồi ngày 4.2.1997, chị mời tôi tham dự khánh thành Nhà lưu niệm Nguyễn Bính ở số 123/2A Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Ở đây, tôi được vinh dự gặp và hầu chuyện với mẹ chị - bà Hồng Châu “góa phụ cố thi sĩ Nguyễn Bính” (như bà đã viết ở cuối bức thư gửi cho tôi sau đó; nay bà đã 97 tuổi). Từ đó, tôi có nhiều bài viết về nhà thơ Nguyễn Bính đăng trên Báo Thanh Niên, gia đình chị Hồng Cầu cũng coi tôi như người thân.
Chị Hồng Cầu tâm sự: “Số phận của bố tôi gắn liền với long đong. Sinh ra đã long đong (mồ côi mẹ lúc mới 3 tháng tuổi, ở với cậu ruột); Sống long đong (không được tới trường, chỉ học với những người thân, rồi dịch chuyển suốt 3 miền từ bắc chí nam cho tới ngày qua đời); Chết long đong (áp ngày giao thừa Tết Bính Ngọ (1966) ở nơi sơ tán, trong nhà một người hâm mộ thơ ông; Tên lung tung (Nguyễn Bính, Nguyễn Trọng Bính, Nguyễn Thuyết Bính...); Chết rồi vẫn long đong (mộ của nhà thơ đã 3 lần cải táng và nghe đâu đang rục rịch lần nữa). Thơ thì bay bổng, mà sao cuộc đời của nhà thơ truân chuyên quá, cho nên chị Hồng Cầu khấn nguyện với bố mình sẽ cố gắng hoàn thành 3 tâm nguyện: Xây lại cho bố một ngôi mộ đàng hoàng, xứng tầm nơi quê nhà ở H.Vụ Bản (Nam Định); dựng Nhà lưu niệm Nguyễn Bính; hoàn thành và xuất bản Nguyễn Bính toàn tập.
Hôm 7.9, tại TP.HCM, tâm nguyện cuối cùng của chị Hồng Cầu đã hoàn thành. Xây mộ chỉ nửa tháng, dựng nhà lưu niệm chỉ nửa năm, nhưng để có được bộ Nguyễn Bính toàn tập, chị phải mất đến 20 năm thu thập tư liệu để được in thành bộ sách ở Công ty FAHASA... Cũng phải nói thêm về cái “duyên”: chị vốn xuất thân từ FAHASA, mà đương kim Tổng giám đốc FAHASA là anh Phạm Minh Thuận (con trai cố nhà văn Phạm Tường Hạnh vốn là bạn thân với nhà thơ Nguyễn Bính). Hai chị em cùng cố gắng hoàn thành trong mùa Vu lan báo hiếu.
Nhà thơ Nguyễn Bính ẢNH: T.L
Gia đình đoàn viên
Một năm cận tết, tôi viết bài Theo Nguyễn Bính - hành phương Nam, lấy cảm hứng từ bài thơ Hành phương Nam của ông: “Đôi ta lưu lạc phương Nam này/Trải mấy mùa qua én nhạn bay/Xuân đến khắp trời hoa rượu nở/Riêng ta với ngươi buồn vậy thay... Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!/Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh/Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...”. Tôi hỏi chị Hồng Cầu: “Ta” là Nguyễn Bính, thế “ngươi” là ai?”. Chị đáp ngay: “Là chú Hoàng Tấn”. Vậy là nhà thơ Kiên Giang (từng là “đệ tử” của Nguyễn Bính) dẫn tôi đi gặp nhà văn Hoàng Tấn hiện đang sống ở chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Năm đó (2002), nhà văn đã 82 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, ông đọc làu làu thơ của bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là Nguyễn Bính, bởi ông có đến 30 năm gắn bó với Nguyễn Bính “còn hơn những người yêu, những người vợ của ông ấy nữa” - ông nháy mắt nói với tôi. Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện một khuya trời mưa năm 1956, Nguyễn Bính đập cửa nhà ông ở khu tập thể Đài tiếng nói VN (Hà Nội) rồi vào nhà chỉ ôm mặt ngồi khóc. Thật lâu, Nguyễn Bính mới kể cho ông nghe trưa nay vừa lạc mất đứa con trai tên Nguyễn Hiền ở ga Hàng Cỏ...
Nói về những người con của Nguyễn Bính, chị Hồng Cầu cũng đã kể hết với tôi. Chị bảo cuối thập niên 1970, sau nhiều lần liên lạc chị tìm được cô em gái cùng cha khác mẹ. Cô này tìm đến Đài phát thanh tỉnh Cửu Long, nơi chị làm việc. Nghe cô phát thanh viên báo: “Chị Hồng Cầu ơi, có người tìm chị nè!”. Chị ra đón mà cứ ngờ ngợ, không biết người đối diện là ai. Cô phát thanh viên mới ré lên: “Trời ơi, em chị mà chị hổng biết hả? Giống chị như đúc luôn!”. Sau đó chị dẫn em gái về nhà, hỏi bà Hồng Châu: “Má biết ai đây không?”. Má chị trả lời gọn lỏn: “Con Hương Mai chớ ai!” (hồi kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Bính có thời gian sống ở Hang Mai, tên Hương Mai là do chữ Hang Mai mà có). Tôi hỏi chị Hồng Cầu: “4 người con của cụ Nguyễn Bính là của 4 người vợ. Vậy theo chị ông cụ còn người con nào khác không?”, chị cười: “Cũng... bí hiểm lắm, ba chị vốn đa tình và đào hoa. Nhưng chắc chắn ông còn một người con gái nữa, sinh trước chị. Điều này được ông xác nhận trong bài thơ Oan nghiệt làm ở Huế năm 1941: Hôm nay bắt được thư Hà Nội/Cho biết tin Dung đã đẻ rồi/Giờ Sửu, tháng Ngâu, ngày nguyệt tận/Bao giờ tôi biết mặt con tôi?...”.
Hiện nay, trừ người con gái con của bà Dung bí ẩn trong bài thơ Oan nghiệt, chị Hồng Cầu đã đi tìm các người em của mình về, kể cả Nguyễn Hiền đã mất tích từ hơn 60 năm trước và Nguyễn Mạnh Hùng hiện sống ở Nga (là con trai út) để chị em “quy về một mối”, cùng dìu nhau trong tình thân huyết thống và cùng chung tay làm rạng rỡ thêm tên tuổi người cha thiên tài của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.