Hành trình gần 7 tháng tại Việt Nam, trong đó có 3 tháng 3 tuần nằm viện và chiến thắng virus Corona chủng mới, khỏi bệnh Covid-19 ấy sẽ mãi là một mảng ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời phi công người Anh cũng như tập thể y, bác sĩ Việt Nam.

Noel 2019, từ châu Âu lạnh giá, mọi người đang tấp nập chuẩn bị cho kỳ nghỉ giáng sinh ấm áp bên những người thân, Andrew (tạm đặt cho ông một cái tên Vì lý do bảo vệ thông tin bệnh nhân Covid-19) đến Việt Nam để trở thành phi công cho hãng hàng không Vietnam Airlines. Điều này cũng bình thường với một người phi công, giáng sinh cũng không làm ông thêm cô đơn, vì bấy lâu nay, dù là mùa xuân ấm áp hay mùa Noel lạnh lẽo, ông vẫn làm việc và chỉ có một mình, không người thân thích, trừ bạn bè.

Andrew được đối tác là Flight Crew International (FCI), Texas Mỹ cung ứng cho Vietnam Airlines vào vị trí làm việc lái phụ B787. Đây cũng là đơn vị quản lý và trả lương cho ông trong thời gian làm việc. Trước đó, ông có kinh nghiệm 3 năm bay cho hãng hàng không Norwegian Air UK. Lần đầu đến Việt Nam, một nước Đông Nam Á, Andrew đã bắt tay vào việc. Ông được cử đến học tại Trung tâm huấn luyện bay FTC và làm các thủ tục cấp phép lao động. Ngay ngày giáng sinh 24.12.2019, ông ra Hà Nội để khám sức khỏe và thi lý thuyết tại Cục Hàng không rồi di chuyển về căn cứ chính mà ông đăng ký là TP.HCM.

Sống cùng chung cư với ông là một số đồng nghiệp ở hãng hàng không đồng thời cũng là bạn bè ngoài đời. Đây là quãng thời gian phi công quốc tịch Anh làm quen với lối sống của người Sài Gòn, đồng nghiệp trong đoàn bay của Vietnam Airlines ở khắp nơi. Trong thời gian đợi Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cấp phép lao động, ông về nước 20 ngày rồi quay lại Việt Nam.

Ngày 7.3, ông đi Thái Lan và về Việt Nam ngay để đổi visa việc làm. Do chưa có giấy phép lao động và chưa bố trí lịch bay cùng giáo viên B787 nên Andrew xin nghỉ không hưởng phí dịch vụ nửa đầu tháng 3. Ngày 11.3, ông được cấp phép lao động để chính thức bay cùng Vietnam Airlines. Thời gian này, ngoài chuyến đi Thái Lan, ông đến bar Buddha (ngày 14.3) cùng một số điểm vui chơi, giải trí ở TP.HCM nhưng không nhớ rõ.

Hơn 2 tháng đến Việt Nam, ngày 16.3, ông bay chuyến đầu tiên ở hãng hàng không Vietnam Airlines trên chuyến bay VN272 chặng Tân Sơn Nhất – Nội Bài với một cơ trưởng người Việt, lái chính của Vietnam Airlines. Đây là chuyến bay đầu tiên, cũng là chuyến bay cuối cùng của Andrew với vai trò phi công tại Việt Nam bởi sau Tết tình hình Covid-19 đặc biệt là ngay tuần đầu tiên của tháng 3.2020, những ca nhiễm từ nước ngoài trở về đã khiến tình hình dịch bệnh bùng phát và xã hội rơi vào trạng thái chuẩn bị cách ly.

Câu chuyện của Andrew rẽ sang một bước ngoặt khi ngày 18.3, ông được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 và phải nhập viện điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Những ngày chiến đấu với virus đầy chông gai, thử thách, có lúc đối diện với thần chết của ông chính thức bắt đầu.

Đại diện Phòng Y tế Q.2 nhớ lại thời điểm phi công Andrew khởi phát bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông báo cho Phòng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch lây lan ra cộng đồng. Theo các thông tin tìm hiểu, trích xuất camera, Phòng Y tế Q.2 xác định phi công người Anh ở tại chung cư The Ascent (P.Thảo Điền, Q.2) sống một mình.

Các ca tiếp xúc gần với phi công cũng được xác định và đưa đi cách ly. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cả chung cư này đều được cách ly, làm xét nghiệm, khử khuẩn và đặt máy nhiệt kế để kiểm soát thân nhiệt của cư dân. Trong thời gian cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập, việc xịt khuẩn được thực hiện thường xuyên.

Nhớ lại thời chung cư mà phi công người Anh đang ở bị phong tỏa, anh Dong Hyun (cư dân chung cư The Ascent) cho biết mình sống Việt Nam gần 2 năm. Khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm thứ 91, đặc biệt bệnh nhân người Anh sống cùng chung cư với mình, anh đã vô cùng hoảng sợ.

“Tôi không kịp có bất kỳ suy nghĩ nào trong đầu sau khi nhận được thông tin đó. Và khi ấy tôi cũng không có bất kỳ người thân nào ở bên, vì vợ tôi vừa về quê và chưa thể trở lại thành phố. Nhu yếu phẩm trong nhà tôi cũng không còn nhiều. Nhưng thật may, bên cạnh những gì tôi đọc được qua báo chí Việt Nam, tôi còn nhận được nhiều thông tin từ tòa nhà về việc sẽ phong tỏa như thế nào, đảm bảo an toàn cho bản thân ra sao nên tôi dần bình tĩnh. Đồng thời, chung cư, những người bạn của tôi ở bên ngoài vẫn sẵn sàng kết nối để hỗ trợ tôi khi tôi yêu cầu bất kỳ một sự giúp đỡ nào. Sau gần 2 năm sống ở Việt Nam, có lẽ đó là lúc tôi trải qua cảm giác đáng sợ nhất vì một mình giữa dịch bệnh nhưng đó cũng là lúc tôi cảm thấy Việt Nam thật sự đem lại bình an cho tôi”, anh Dong Hyun nhớ lại.

Đêm định mệnh 14.3.2020, tại bar Buddha (Q.2) có tổng cộng 17 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 12 người trú tại Q.2. Vô tình chết tên “ổ dịch” bar Buddha khi phát hiện nhiều ca dương tính Covid-19, người đại diện quán bar này nhớ lại: phi công người Anh không phải là khách hàng đến quán bar này thường xuyên. Ông cũng như những người khách khác, đến quán bar và được nhân viên bar đón tiếp, phục vụ. Hôm đó, ông đã đến bar Buddha cùng bạn của ông và không may ông bị lây nhiễm Covid-19.

Những ngày đầu nhập viện, ông Andrew tâm sự với một đồng nghiệp rằng ông thấy khá mệt mỏi và lãng phí quá nhiều thời giờ. Đại diện của Vietnam Airlines lúc ấy đã thường xuyên liên lạc qua điện thoại với ông Andrew để động viên ông hợp tác điều trị, hỏi thăm ông muốn ăn món gì thì mua mang vào tận nơi, thậm chí mua món ăn Tây cho hợp khẩu vị nhưng ông chỉ ăn được một chút vì mệt và kiệt sức. Ngoài ra, đại diện đoàn bay vẫn giữ liên lạc với bác sĩ để hỏi thăm diễn tiến bệnh và nhu cầu trong quá trình điều trị của phi công.

TS-BS Nguyễn Văn Hảo (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, BV Bệnh Nhiệt đới) cho biết ca bệnh của phi công người Anh (bệnh nhân 91) là ca bệnh nặng, trong suốt 25 năm làm hồi sức cấp cứu của ông. BS Hảo cho hay, tại thời điểm nhập viện, ông Andrew chưa bị suy hô hấp, nhưng thường mệt mỏi. Diễn biến chuyển từ từ qua suy hô hấp, ông được hỗ trợ oxy, thở máy, cuối cùng là phải làm ECMO. BS Hảo nhận định đây là ca bệnh nặng, khó, phổi tổn thương rất nặng, chỉ còn 10%, không đáp ứng điều trị, liệu pháp của bệnh viện. Do đó, các bác sĩ quyết định phải dùng ECMO để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Theo BS Hảo, từ trước tới nay, chưa có ca bệnh nào mà ông điều trị phải dùng nhiều biện pháp đến như vậy: từ lọc máu, thở máy, chạy ECMO,… Đặc biệt là có sự tham gia hội chẩn của các bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện khác, Bộ Y tế liên tục qua internet. Cùng với tình hình dịch Covid-19 trên cả nước thì tình trạng sức khỏe của phi công người Anh cũng được người Việt Nam quan tâm ở mức cao nhất. Mọi diễn biến, tiên lượng và thông tin từ ngành Y tế về sức khỏe của bệnh nhân 91 được hàng triệu người Việt quan tâm, cầu mong cho ông vượt qua bạo bệnh.

Sau 2 tháng điều trị, trước khi chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Hảo xác định được não bệnh nhân không bị tổn thương. Mặc dù dùng an thần liều cao nhưng bệnh nhân vẫn có những biểu hiện nhận biết được. Phổi không có tổn thương mới, dần lành sẹo, không bị nhiễm trùng, có tiến triển mới, không bị tổn thương mới về phổi. BS Hảo bộc bạch: “Trong quá trình nằm 2 tháng của phi công người Anh, điều bác sĩ lo sợ nhất là nhiễm trùng, vì thường bệnh nhân phải gắn nhiều máy móc vậy nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Tuy nhiên kết quả sau cùng lại rất khả quan là một điều đáng mừng”.

Không giống như những ca bệnh nặng khác, vì tâm lý của ông đôi khi kích động nên ngoài việc thuyết phục, làm công tác tư tưởng, BS phải đồng ý để ông sử dụng điện thoại di động theo nhu cầu cá nhân. “Bệnh nhân hôn mê là do chúng tôi dùng thuốc chứ bệnh nhân không có bị hôn mê. Bệnh nhân vừa thở máy, chạy ECMO, đặt dây, ống, vừa mở khí quản,… bắt buộc bác sĩ phải dùng thuốc an thần để bệnh nhân nằm im hợp tác điều trị”, BS Hảo thông tin.

Sau cùng, BS Hảo cho rằng sự hồi phục của phi công người Anh Andrew là một kỳ tích. Các bác sĩ tham gia điều trị, hội chẩn đã trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm. Đây cũng là ca đầu tiên được hỗ trợ đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần cho quá trình điều trị. Sự hồi phục của bệnh nhân là kỳ tích, thành quả chung của nhiều người chứ không phải của riêng ai.

BS Trần Thanh Linh (Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng từng kể, khi rút dụng cụ mở khí quản, ông Andrew đã nói: “Quá tuyệt vời, cảm ơn các bác sĩ”.Theo BS Linh, khi dần tỉnh táo trở lại, phi công người Anh yêu cầu ăn sáng lúc 8 giờ, gần 14 giờ ăn trưa và ăn tối lúc 20 giờ, 22 giờ sẽ đi ngủ, trường hợp khó ngủ thì dùng thuốc an thần. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ trong giao tiếp và phục hồi chức năng, tập đi lại, phi công Andrew tỏ ra xúc động vừa hứa sẽ chở ê kíp bác sĩ Việt Nam cứu mình trên một chuyến bay khi khỏi bệnh.

Khi nói với BBC, phi công người Anh nhớ lại: "Khi tôi tỉnh lại thì chưa được dùng điện thoại. Sau đó, bạn bè đã nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra và tôi cũng vào một số trang báo nhất định để đọc. Tôi rất sốc khi có thời điểm, ở Anh quốc ghi nhận hàng trăm người chết mỗi ngày, trong khi tôi đang ở một đất nước chưa có ca tử vong nào”.

Ông Andrew cũng tỏ ra rất xúc động khi biết ở thời điểm tưởng như ông cần phải ghép phổi, đã có nhiều người Việt tình nguyện hiến tặng, dù ông không biết họ là ai…

Từ hôm 18.3 nhập viện chữa trị Covid-19, phi công Andrew được Vietnam Airlines chịu trách nhiệm thanh toán phí dịch vụ cho 5 ngày (từ ngày 18 - 22.3.2020). Theo hợp đồng thì FCI chịu trách nhiệm mua bảo hiểm y tế cho phi công, do đó chi phí khám, chữa bệnh là do bảo hiểm mà FCI mua chịu trách nhiệm.

Trong thời gian phi công Andrew ở Việt Nam, Vietnam Airlines là đơn vị bảo lãnh cho phi công để xin visa, giấy phép làm việc. Đến thời điểm phi công về nước, Vietnam Airlines sẽ báo cáo Sở LĐ-TB- XH Hà Nội để trả lại giấy phép và Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để chấm dứt hiệu lực visa.

Cơ trưởng người Việt ở Vietnam Airlines, người thường xuyên liên lạc với phi công người Anh trong suốt giai đoạn bệnh nhân 91 ở Việt Nam cho biết bắt đầu tiếp xúc với ông từ 2.3 đến tận hôm nay. Từ đó tới nay, điều khiến ông ấn tượng nhất với người đồng nghiệp đó là sức kiên cường vượt qua được Covid-19.

Theo nhận xét của vị cơ trưởng này, như nhiều phi công khác đến từ châu Âu, ông Andrew cởi mở, dễ gần, nhưng câu chuyện về sự đơn độc của bản thân lại chưa bao giờ được ông tiết lộ. Theo lời người này phi công Andrew chỉ mới về đội bay và bay 1 chuyến đầu tiên với giáo viên khác của hãng nên ông chưa có dịp để trao đổi nhiều hơn về nghề cùng phi công người Anh.

Trước khi bay chuyến đầu tiên, dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu rải rác xuất hiện tại nhiều nơi ở Việt Nam: Nha Trang, TP.HCM, Vĩnh Phúc. Do vậy, thời điểm trên theo đồng nghiệp của phi công người anh, khi đi làm, Andrew luôn có ý thức phòng bệnh nghiêm túc, ông thường xuyên dùng khẩu trang N95 nên khi phát hiện ông dương tính nhưng nhiều cán bộ nhân viên và phi công của hãng sau khi cách ly đều âm tính với dịch bệnh.

Dù bệnh nặng và từng có lúc phải đối diện với tử thần, nhưng tinh thần và tình cảm của phi công người Anh dành cho đồng nghiệp Vietnam Airlines luôn nồng ấm. Vị cơ trưởng bật mí: “Ngay khi tỉnh dậy, ông đã nhắn tin thông báo cho đồng nghiệp rằng: Tôi đã tỉnh. Tôi muốn cảm ơn tình cảm và những lời động viên của mọi người”.

Khát khao về nước cũng rất mạnh mẽ trong vị phi công này, ông đã nhờ ngay các đồng nghiệp tìm kiếm giúp mình bằng lời nhắn: “Tôi đang chuẩn bị để hồi hương nhưng công ty bảo hiểm có vẻ không quan tâm nhiều. Cho tôi hỏi có ai biết chuyến bay nào đã có lịch bay châu Âu không? Hiện tại, tôi được báo là chuyến bay đầu tiên thích hợp với tôi là vào ngày 16.7”.

Mọi lo lắng của phi công Andrew biến mất khi đại diện đoàn bay của Vietnam Airlines đến thăm hỏi đồng thời thông báo cho ông rằng ông sẽ được về nước trên chuyến bay khởi hành lúc 23 giờ ngày 11.7.2020 tới đây tại sân bay Nội Bài. Hành trình về quê hương của ông sẽ quá cảnh ở sân bay Frankfurt (Đức) rồi tiếp tục đến London (Anh). Chuyến bay dự kiến hạ cánh lúc 14 giờ 30 phút ngày 12.7.2020 theo giờ Việt Nam.

Ngày 3.7.2020, cũng là một cột mốc rất đáng nhớ với bệnh nhân 91 và cả Việt Nam khi căn cứ kết luận hội chẩn quốc gia bệnh nhân số 91 được chính thức công bố khỏi bệnh Covid-19 có thể ra viện và không cần cách ly. Trong suốt quá trình hồi phục thần kỳ, khỏe mạnh trở lại tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 luôn bày tỏ khát khao: “Tôi muốn trở về quê hương. Khi nằm trong phòng hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy quá lâu như vậy, tôi cảm thấy mình đang giành mất suất cứu chữa của người khác mà có thể họ đang bệnh rất nặng. Đó cũng là một trong những lý do tôi muốn quay về nhà".

(*) Vì lý do bảo vệ thông tin bệnh nhân COVID-19, tên nhân vật đã được thay đổi

Bài viết: Vũ Phượng - Trần Kim Anh
Ảnh: Bệnh viện cung cấp, CTV
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
10.07.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.