'Tài xế taxi tông văng cướp như phim hành động' có sai luật?

22/04/2017 14:12 GMT+7

'Mỗi công dân đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự', Luật sư (LS) Trần Bá Học cho biết về trường hợp tài xế taxi dùng xe hất một nghi can cướp để lấy lại tài sản cho người dân.

Sau bài viết của Báo Thanh Niên về việc tài xế taxi Nguyễn Văn Hoàng (50 tuổi, tài xế taxi Mai Linh) điều khiển taxi tông vào một nghi phạm cướp tài sản, lấy lại túi xách cho bà Bùi Thị Lộc (53 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng), nhiều người ủng hộ, khen ngợi sự nhanh trí và dũng cảm của tài xế taxi 50 tuổi này.
Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại nếu chẳng may nghi can cướp tài sản nói trên bị thương nặng hoặc tử vong thì sao? Liên quan vấn đề này, LS Trần Bá Học (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng trường hợp ông Hoàng dùng taxi ngăn chặn hành vi cướp giật có thể xem như là trường hợp phòng vệ chính đáng được quy định tại khoản 1, Điều 15 bộ luật Hình sự (BLHS). Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm vì đó là hành động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác.
Tuy nhiên, cần phải hiểu, việc phòng vệ này phải là "cần thiết" chứ nếu vượt quá giới hạn thì cũng có thể xem xét trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây chết người thì có thể bị xem xét hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Ngoài ra, nếu hành vi cướp đã kết thúc thì mọi công dân có quyền truy đuổi hoặc dùng những biện pháp cần thiết, phù hợp để bắt người phạm tội quả tang này.
Theo LS Học, việc người dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội là rất đáng hoan nghênh, đáng tuyên dương. Điều 46 Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”. BLHS cũng quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm”.
Như vậy, mỗi công dân đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự. Nhưng vấn đề đặt ra chúng ta cần phải làm gì khi tham gia giữ gìn an ninh trật tự, khi đuổi bắt tội phạm mà không để dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự cũng là một vấn đề cần bàn.
Cũng theo LS Trần Bá Học, khi đuổi bắt phải dùng những biện pháp thích hợp, cần thiết. Việc xác định biện pháp thích hợp cần phải đặt trong bối cảnh, tính chất, mức độ mà hành vi phạm tội thực hiện. Hiện nay, tại khoản 1, Điều 24 BLHS năm 2015 thì hành vi của người bắt giữ, người thực hiện hành vi phạm tội mà buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Tuy nhiên, cũng tại khoản 2, điều này quy định nếu sử dụng vũ lực rõ ràng quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, để xác định thời điểm hành vi phạm tội xảy ra, thời điểm tội phạm hoàn thành để coi đó là hành vi phòng vệ chính đáng hay là truy đuổi bắt người phạm tội quả tang cần xem lại từng tội danh khác nhau để có cái nhìn chính xác. Nếu tội phạm đã hoàn thành thì không thể coi là hành vi phòng vệ chính đáng mà chỉ có thể nói đó là truy bắt người phạm tội quả tang. Nếu hành vi đó đang diễn ra và chưa hoàn thành thì việc chống trả một cách cần thiết được xem là phòng vệ chính đáng.
LS cũng khuyến cáo người dân cần phải biết những kỹ năng xử lý tình huống. Người dân cần tự vệ, hoặc giúp đỡ nạn nhân trong giới hạn pháp luật cho phép; không nên dùng hung khí nguy hiểm để tấn công kẻ cướp; không quá khích liều lĩnh để tránh trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tử vong, để cuối cùng phải đối diện với nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Còn theo LS Phạm Hoài Nam, ông đã xem kỹ clip về vụ việc trên và hình ảnh từ clip cho thấy ông Hoàng lao xe chắn cướp khi tên cướp đã hoàn thành hành vi cướp giật. LS Nam nói, ông "hoan nghênh hành động đẹp của tài xế taxi".
Đi sâu vào vấn đề có truy cứu trách nhiệm hình sự, theo LS Nam, khi gặp tình huống tương tự, nếu chẳng may người thực hiện hành vi cướp giật tử vong thì theo quy định pháp luật Việt Nam vẫn chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên ở trường hợp cụ thể của tài xế Hoàng thì trước khi lao vào nghi can cướp, tài xế này đã nhường đường cho một người đi xe máy phía trước, sau đó mới đánh tay lái lao lên vỉa hè; lao một cách trực diện, nhưng có kiểm soát tương ứng vừa phải trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, nếu nghi can cướp có tử vong thì khả năng được miễn trách nhiệm hình sự rất cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.