Tài xế Gojek trụ lại giữa dịch Covid-19: Tích góp phụ vợ mở quán trà sữa online

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
29/06/2021 10:32 GMT+7

Vợ thất nghiệp vì dịch Covid-19 , anh Ngọc Anh trở thành trụ cột chính trong gia đình 4 người. Trở thành tài xế Gojek là công việc duy nhất mang lại thu nhập giúp anh trang trải cuộc sống trong mùa dịch Covid-19 đang bùng phát.

Gặp anh Thái Ngọc Anh (36 tuổi, đối tác tài xế Gojek) ở đầu hẻm, tôi đi cùng anh vào bên trong dãy trọ lụp xụp. Căn phòng chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, không cửa sổ, mái tôn thấp, là tổ ấm nhỏ đầy hạnh phúc của anh và vợ là chị Kim Vi (32 tuổi) cùng 2 con trai 6 tuổi và 3 tuổi.

“Mỗi lần có cuốc là mừng lắm!”

Đợt dịch năm 2020, cả hai vợ chồng anh Ngọc Anh đều thất nghiệp, anh trả phòng trọ cũ để về quê. Sau 4 tháng ở quê, cuộc sống thiếu thốn, vợ chồng anh đứt ruột để con ở lại gửi cho ông bà rồi khăn gói lên Sài Gòn. Nhớ lại, anh Ngọc Anh cho biết lúc đó tài sản của hai vợ chồng chỉ nằm gọn trong túi hành lý, vừa đến thành phố liền đi thuê phòng trọ luôn.

Bữa cơm chỉ có một món của gia đình anh Ngọc Anh

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Ngày đầu anh chị dọn vào, căn phòng trọ ẩm mốc, tường nhà thấm nước mưa. Trong phòng còn vài đồ dùng người thuê phòng cũ để lại, anh chị không bỏ mà sử dụng luôn. Đưa mắt nhìn quanh nhà, chị Vi cho biết hầu hết đồ dùng từ tủ lạnh, bàn ghế, kệ chạn đến chén bát đều được hàng xóm xung quanh cho. Riêng tủ lạnh và quạt anh Ngọc Anh lên hội nhóm đồ cũ trên mạng xã hội hỏi mua và được tặng luôn vì đồ đã hỏng, nhiễu nước và tốn điện.
Ổn định chỗ ở, anh Ngọc Anh đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ với Gojek. Chị Vi đi bán bánh mì thuê, nhưng chẳng được bao lâu thì thất nghiệp. Trọng trách kiếm tiền đặt cả lên vai anh Ngọc Anh.
Những ngày đầu chạy Gojek anh Ngọc Anh “nổ” được rất ít cuốc xe nên phải năng nhặt chặt bị. Sau một thời gian, anh chịu khó mở máy đều và di chuyển nhiều nơi nên được nhiều cuốc hơn, thu nhập cũng khá ổn định. Nhưng rồi dịch Covid-19 bùng phát, từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, anh phải chạy nhiều hơn để duy trì thu nhập xấp xỉ mức cũ.

Anh Ngọc Anh rất thương con, hai vợ chồng thường đút cho con ăn xong mới ăn cơm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Mỗi ngày anh đều bật ứng dụng chạy xe từ rất sớm, có hôm đến tối mịt mới về nhà, trưa nắng cũng không dám nghỉ ngơi. Dù thời tiết thất thường đến mấy cũng ráng chạy thêm một vài cuốc để kiếm thêm.
Những lần chạy xe về khuya, thấy cảnh người nằm ngồi la liệt trên lề đường đợi có người đến phát cơm. Anh Ngọc Anh lại tự nhủ bản thân may mắn vì vẫn còn có công việc để nuôi vợ con trong khi số người thất nghiệp vì dịch Covid-19 đếm không xuể. Đối với anh chị, nhà trọ ọp ẹp nhưng cũng có nơi để ngả lưng sau một ngày vất vả mưu sinh. Công việc đội nắng đội mưa nhưng vẫn có thể kiếm được đồng tiền chính đáng bằng sức lao động.

Căn phòng trọ của vợ chồng chị Vi nhỏ và chật hẹp, nóng nực

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bữa cơm của gia đình 4 người của chị Vi giữa dịch Covid-19 chỉ có một món duy nhất, nhưng ai cũng ăn rất ngon. Trong nhà ngập tràn tiếng cười nói.
“Tôi thấy công việc này không gò bó như đi làm ở công ty. Mỗi lần có cuốc là mừng lắm, chứ không phải như những công việc khác, thêm việc là sợ. Giữa mùa dịch mà có việc làm, có đồng ra đồng vào là tốt lắm rồi. Gojek cũng có nhiều hỗ trợ, anh em đối tác tài xế cũng có sự chia sẻ với nhau. Mùa dịch khách ít nên Gojek chạy các chương trình để kích cầu, giúp hàng quán tiếp tục có thêm khách mua, thế nên chúng tôi cũng có đơn hàng đắp đổi qua ngày”, anh tâm sự.

“Vì vợ, vì con, tôi không sợ khổ!”

Anh Ngọc Anh và chị Kim Vi cưới nhau được 8 năm, hôm nay 29.6 là kỷ niệm ngày cưới của anh chị. Gia đình hai bên đều không có điều kiện nên anh chị thuê nhà trọ để sinh sống. Trước khi đến với công việc hiện tại, hai anh chị làm qua nhiều công việc lao động phổ thông khác nhau nhưng đều chỉ được một thời gian ngắn.

Anh Ngọc Anh phụ vợ rửa chén để chị Vi nấu trà sữa

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Từ khi có thêm 2 đứa con cuộc sống càng khó khăn hơn, để tiết kiệm, anh chị gửi con về quê anh Ngọc Anh ở Vĩnh Long cho bà nội chăm sóc từ nhỏ. Đến tuổi đến trường, đứa lớn được bố mẹ cho đi học ở quê vì chi phí ít hơn một nửa. Thu nhập bấp bênh, hai anh chị mỗi tháng đều gom góp gửi tiền về quê cho bà chăm cháu.
Chị Vi kể lại nhiều đêm nhớ con không ngủ được. “Cảm giác xa con nó khó chịu lắm, về nhà mà không có con ở nhà, chồng đi làm chưa về, buồn và tủi thân vô cùng. Nhiều lúc đi bộ trên đường sau khi bán hàng xong mà tự nhiên bật khóc”, chị rưng rưng. Anh Ngọc Anh cũng thương con lắm. Mỗi tuần anh đều chở vợ bằng xe máy về quê để thăm con rồi sau đó chạy xe ngược lên thành phố để tiếp tục đi làm. “Mình nhớ con mà con cũng nhớ mình, nó hỏi ba ơi sao ba chưa về, nghe con nói vậy là tôi bỏ hết tất cả mà về. Tranh thủ chạy đêm có khi đến 1 - 2 giờ sáng mới đến quê, con ngủ dậy là đã thấy mình”, anh nói.

Anh Ngọc Anh làm tài xế Gojek được 1 năm và đây là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho cả nhà anh

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tháng 5.2021, con được nghỉ hè, chị Vi đón 2 bé lên phòng trọ chơi một thời gian, rồi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến anh chị không thể gửi con về quê. Vừa chăm con trong căn phòng trọ đơn sơ vừa phải lo toan thu nhập không hề dễ, nhưng niềm vui bên con đủ để anh chị sẵn sàng đánh đổi.
Để phụ chồng, chị Vi tham gia lớp học nấu ăn miễn phí mang tên “Để không ai bị bỏ lại phía sau - mùa 2" do Gojek phối hợp cùng Nhà văn hoá phụ nữ TP.HCM và Đài truyền hình Tp.HCM tổ chức cho người thân của các đối tác tài xế Gojek. Sau khi kết thúc lớp học, chị ở nhà mày mò nghiên cứu thêm trên mạng và hỏi han bạn bè, nấu thử trà sữa để tập tành bán hàng online.

Mỗi ngày trước khi ra ngoài anh Ngọc Anh đều nghĩ đến vợ con để có mệt mỏi cũng cố gắng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chị phấn khởi cho biết Gojek đang hỗ trợ chị để “khởi nghiệp" trên GoFood, chị đang sắp xếp lại các kế hoạch để giấc mơ tự làm chủ sớm trở thành hiện thực. Mỗi ngày, anh Ngọc Anh đều đặn trích ra một phần số tiền kiếm được đưa cho vợ để mua dần nguyên liệu nấu trà sữa và các loại ly cốc, ống hút... Lái xe được 100.000 đồng thì anh đưa vợ 50.000 đồng, hai vợ chồng tích góp từng chút một đợi đến ngày mở tiệm trà sữa.
Giữa những vòng quay tấp nập của đường phố Sài Gòn, kể cả khi dịch bệnh Covid phức tạp những khó khăn chưa bao giờ làm anh Ngọc Anh chùn bước. “Vì vợ, vì con, tôi không sợ khó, sợ khổ. Còn gia đình, còn niềm tin, tôi sẽ làm được,” anh Ngọc Anh chia sẻ.
Đại diện Gojek Việt Nam cho biết trong đợt dịch Covid-19 lần này, các đối tác Siêu chiến binh Gojek (tài xế có hiệu suất trung bình 95%, số sao đánh giá trung bình đạt 4,96-5) sẽ nhận được khoản hỗ trợ 200.000/ngày (tối đa 21 ngày), nếu chẳng may nhận kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19, hoặc nhận được yêu cầu cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các đối tác tài xế còn lại nhận được mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/ ngày nếu gặp tình huống tương tự. Ngoài ra, tất cả các đối tác khi thực hiện các đơn hàng giao đồ ăn trực tuyến GoFood trong thời gian căng thẳng này của dịch bệnh nếu đạt hiệu suất trung bình 7 ngày từ 85% trở lên sẽ được hỗ trợ thêm mỗi ngày 100.000 đồng tại Hà Nội, và 150.000 đồng tại TP.HCM.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.