Tài xế công nghệ chạy xe kiếm tiền lọc màng bụng: ‘Vì con, phải sống’

28/06/2021 09:32 GMT+7

Bị suy thận mạn giai đoạn cuối, phải lọc màng bụng mỗi ngày 4 lần, vợ chồng cũng đường ai nấy đi, anh Cao Văn Hiếu (33 tuổi, đối tác tài xế Gojek) suy sụp. Anh từng muốn từ bỏ tất cả, nhưng nghĩ đến việc được gặp con, anh tự nhủ ‘phải sống’.

Chiều Sài Gòn mưa tầm tã, đường dẫn vào căn nhà nhỏ của anh Cao Văn Hiếu tại xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn nhiều đoạn nước ngập lênh láng. Ngồi trong nhà, anh Hiếu chốc chốc đưa tay ôm bụng, rồi lại bấu chặt vào đầu gối, mắt nhắm nghiền, mồ hôi túa ra như tắm. Anh ráng hít hơi thật dài, bặm chặt đôi môi tái mét, nhìn xa về phía cuối đường. Nỗi nhớ con day dứt, những cơn đau cứ dồn dập đến, anh lắc đầu: “Không biết có chịu được tới sáng không”.

Chạy xe để có tiền lọc màng bụng

Đi bộ đội trở về, anh Hiếu học nghề tài xế xe tải rồi lấy vợ, sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Vừa lúc đó, anh phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối, ra vô viện liên tục. Không lâu sau, vợ chồng chia tay, con trai theo mẹ về quê sống với ông bà ngoại. Anh Hiếu chuyển sang làm tài xế công nghệ với Gojek để sắp xếp được thời gian chạy xe xen kẽ với lịch lọc màng bụng.

VIDEO: Thắt lòng cảnh tài xế công nghệ chạy xe kiếm tiền lọc màng bụng

 
Anh nói: “Nhờ có công việc này mà tôi chủ động được thời gian vừa kiếm tiền vừa tự chăm sóc được bản thân. Nhiều anh em đồng nghiệp Gojek biết hoàn cảnh cũng động viên chia sẻ. Người bệnh thận có thể chọn lọc qua tay hoặc qua màng bụng. Nhiều người chọn mổ ở tay, 2–3 tháng sau mới lành lặn, không làm được việc nặng nhọc, 1 tuần chạy thận 3 lần tại bệnh viện. Tôi thì quyết định lọc màng bụng, mỗi ngày tự lọc 4 lần, nhưng ít ra tôi còn đôi tay khỏe để tiếp tục lao động, kiếm tiền mà sống. Nhưng lọc màng bụng cũng đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro nhiễm trùng cao hơn”.

4 năm ròng, tài xế công nghệ Cao Văn Hiếu vừa chạy xe vừa phải lọc màng bụng mỗi ngày

Ảnh: Vũ Phượng

Sức khỏe như vậy, anh Hiếu chạy xe được vài tiếng lại phải vòng về nhà để lọc màng bụng. Ngày nào anh cũng mang theo theo người bịch nước mua ở bệnh viện, để lỡ có chạy xa nhà không về kịp thì tấp vào chỗ nào đó ngồi lọc màng bụng ngay bên đường.
“Bệnh này là vậy, đúng 6 tiếng phải lọc một lần, không là không chịu nổi. Nhiều người đi đường nhìn thấy mình ngồi lọc màng bụng vậy họ sợ lắm. Hôm trước cũng vì không kịp chạy về nhà, tôi làm ở ngoài đường, về bị nhiễm trùng”, anh kể.
Mặt rúm lại vì những cơn đau quặn thắt mỗi lúc một dồn dập, anh Hiếu nói vừa “trốn viện” về 2 ngày trước do… hết tiền. Thông thường, anh điều trị nhiễm trùng ở Bệnh viện Trưng Vương, nhưng bệnh viện này chuyển sang điều trị Covid-19 nên anh được chuyển qua Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Năm ngày phải tạm ứng 6 triệu, hết cầm cự nổi, anh “trốn viện” về nhà.

Mỗi lần anh Hiếu đau nhức, chị Hồng lại vội xoa bóp để em trai bớt đau

Ảnh: Cao An Biên

Nhưng lần này, những cơn đau lại quặn hơn, dồn dập hơn, anh không biết có thể ráng gồng được tới khi nào. Hiếu nhớ lại “suốt mấy năm qua, tiền thuốc men, viện phí đều nhờ tiền kiếm được từ những cuốc xe công nghệ. Công việc này ngoài việc giúp tôi kiếm được tiền chữa bệnh, nó cũng có niềm vui khi thấy khách cười niềm nở, hỏi thăm, động viên mình đôi ba câu mình cảm thấy khuây khỏa. Mùa dịch khách đi xe cũng ít nhưng Gojek có cách giúp các quán có thêm đơn hàng, bằng cách tặng khách mua hàng freeship, đó cũng là cách giúp cho đối tác tài xế tụi tôi phần nào. Có những lúc đang chạy mà mệt quá, tôi kiếm một góc trải áo mưa ra nằm xuống, đến khi thấy khỏe hơn thì chạy tiếp. Nghề tài xế công nghệ mà, phải đặt sức khỏe và an toàn của khách lên trên hết”, anh bộc bạch.

Động lực để anh Hiếu cố gắng những ngày qua trên từng cuốc xe là con, điểm tựa của anh là gia đình

Ảnh: Vũ Phượng

Theo anh Hiếu, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát tại TP.HCM, anh thường chạy từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày, nghỉ “giữa ca” 2 – 3 lần để lọc màng bụng nhưng vẫn kiếm được đôi ba trăm ngàn, đủ điểm thưởng của hãng. Từ đầu tháng 5, dịch bệnh phức tạp, thu nhập của anh cũng bị giảm đáng kể vì nhu cầu đi lại của người dân ít hơn. “May là Gojek vẫn có những đơn chạy giao hàng, mua đồ ăn, lai rai khách nên tôi vẫn kiếm được tiền trang trải. Mùa dịch này, nhiều người thậm chí còn thất nghiệp không còn thu nhập, tôi có việc làm và có thu nhập như vậy là tốt lắm rồi”, anh chia sẻ.

Gia đình - điểm tựa vững chắc

Nhìn những đứa trẻ trong xóm nô đùa dưới mưa, mắt anh Hiếu đỏ hoe. Bao nhiêu năm chia tay vợ, là ngần đó năm anh chưa gặp lại con. Nỗi nhớ thương con chỉ được bù đắp bằng những cuộc gọi video mỗi ngày với con, cha con hỏi thăm nhau đôi ba câu, rồi cũng không biết tâm sự chuyện gì. Chỉ cần nhìn thấy con, nghe giọng nói con là thỏa niềm mong nhớ. Đó là động lực to lớn để anh tự nhủ với lòng “vì con, phải sống”, sống để chờ ngày cha con đoàn tụ.

Vì sức khỏe, anh chạy vài tiếng lại phải nghỉ để lọc màng bụng

Ảnh: Vũ Phượng

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt ngang vì anh Hiếu mỗi lúc một mệt hơn, anh phải vào chiếc giường đặt dưới chân cầu thang để lọc màng bụng. Còn thương vợ, tấm ảnh cưới anh vẫn treo ở đó. Túi giao đồ ăn GoFood - cần câu cơm của anh tại Gojek - anh cũng đặt gần giường nằm cả tháng qua.
Thấy em trai mệt, chị Cao Thị Thúy Hồng (36 tuổi, chị gái anh Hiếu) vội vào xoa bóp tay chân cho em. Mấy năm qua, trong căn nhà này, chị Hồng và ba anh là những người ở bên anh Hiếu những lần anh lên cơn đau thừa sống thiếu chết.
Đối tác tài xế Gojek tâm sự: “Con mới 7 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu bệnh tình của tôi. Điều kiện tôi cũng không có, nên khi con nhập học thì gửi năm trăm, ba trăm cho con mua bánh, chứ không về thăm con được. Đi đường thấy mấy bé trạc tuổi con là lại bật khóc. Đàn ông thì không thể gọi điện chỉ để nói nhớ con xong khóc vậy được, nhưng tôi đứt ruột lắm”.

Những cơn đau vì nhiễm trùng cứ vậy quặn thắt khiến anh Hiếu đau đớn

Ảnh: Vũ Phượng

Bảy năm ròng điều trị suy thận, chứng kiến nhiều người cùng điều trị sáng đến nhận thuốc, chiều báo mất, anh Hiếu lo sợ “sống nay, chết mai”. Điều anh mong mỏi nhất lúc này là có sức khỏe để đi làm, kiếm tiền lo cho mình, cho con trai. Nhiều đêm đau đến không nằm xuống được, tay chân sưng, anh Hiếu chỉ ước được gặp con, được ôm con vào lòng để có thêm động lực tiếp tục sống. “Tôi đuối quá rồi, cố hết nổi rồi. Giờ sức khỏe càng ngày càng xuống, tôi gần như không có khả năng tự lo nổi cho mình nữa…”, anh Hiếu thở dài.
Mỗi lần nhắc đến em trai, chị Cao Thị Thúy Hồng lại bật khóc vì thương, cậu em trai tính tình hiền lành, ít nói, vốn có sức chịu đựng giỏi của chị gần đây liên tục rên rỉ: “Đau quá, bà bóp tay chân cho tôi đi”. Cả chị Hồng và ba cũng là tài xế chạy xe công nghệ. Mùa dịch, thu nhập cả ba đều giảm, lại thêm anh Hiếu bị nhiễm trùng phải nằm viện, những nỗi lo cứ vậy đổ ập lên căn nhà nhỏ. Chị Hồng tính bán xe để xoay viện phí, nhưng anh Hiếu ngăn “bán rồi, xuất viện lấy gì mà sống”.

Chị Hồng bật khóc khi nhắc đến em trai

Ảnh: Vũ Phượng

“Mấy năm trời, em tôi nhờ chạy Gojek mà kiếm được tiền chữa bệnh, không phụ thuộc vào ai. Mùa dịch ít khách hơn hẳn, nhưng Hiếu vẫn có mấy đơn giao hàng, mua đồ ăn, nói chung không ngày nào phải đói. Mỗi lần nó phát bệnh nó rên vì đau, tôi bỏ con nhỏ đó xuống bóp tay bóp chân cho nó. Con khóc, em rên rỉ, lòng tôi như có ngàn vết dao cắt, đau đớn vô cùng. Nhiều lúc nó thấy con tôi quấy quá nó không kêu phụ bóp tay chân nữa. Hỏi nó sao rồi sao rồi thì nó cứ không sao, khỏe khỏe, mà mặt thì nhăn nhăn. Đưa tiền chạy xe cho nó lo viện phí thì nó không nhận, nói để mua sữa cho cháu, rồi đòi về”, chị Hồng nói trong nước mắt.
Khuya 25.6, anh Hiếu phải nhập viện cấp cứu vì không chịu đựng được những cơn đau cho nhiễm trùng. Trong đêm, ông Cao Văn Hùng (cha anh Hiếu) vừa trở về nhà sau cuốc xe muộn tất tả ngược xuôi lo cho con. Ở nhà, chị Hồng vừa ôm con vừa khóc, cầu trời cho Hiếu qua cơn nguy kịch này… “còn bao anh em đồng nghiệp đối tác tài xế và khách hàng đang chờ Hiếu ơi, hãy cố lên em" chị Hồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.