Tại sao tin về bà Pelosi khiến tình hình Đài Loan căng như dây đàn?

Ngọc Mai
Ngọc Mai
02/08/2022 19:00 GMT+7

Nếu thực hiện chuyến thăm, đây sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan sau nhiều thập niên, và căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ leo thang khó lường.

Ngay lúc này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang có mặt ở châu Á, trong chuyến công du 4 nước gồm Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là tuyên bố được văn phòng bà Pelosi đưa ra chính thức. Tuy nhiên, tâm điểm khiến chuyến đi của bà Pelosi được đặc biệt chú ý và theo sát lại nằm ở thông tin bà có thể tới Đài Loan.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa)

afp

Chưa có xác nhận chính thức nào được đưa ra nhưng từ nhiều ngày qua đã có thông tin nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ tới Đài Loan. Mới nhất, các nguồn tin nói tối nay 2.8, bà Pelosi sẽ đáp máy bay xuống hòn đảo. Financial Times cũng dẫn các nguồn tin cho hay bà Pelosi sẽ gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong ngày 3.8. Hiện máy bay được cho là chở bà Pelosi vừa cất cánh rời khỏi Malaysia.

Cùng với những thông tin đó là những diễn biến dồn dập trên thực địa và các tuyên bố đầy căng thẳng của các bên.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Bắc, Trung Quốc tập trận

Mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay rằng "Mỹ sẽ chịu trách nhiệm và phải trả giá vì phá hoại lợi ích an ninh chủ quyền của Trung Quốc".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 1.8 cũng gia tăng đe dọa, nói quân đội Trung Quốc "sẽ không ngồi yên" nếu chuyến thăm diễn ra. Vài giờ sau đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo một loạt hoạt động diễn tập quân sự khác sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 2 đến 6.8. Tuần trước, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận đạn thật cả ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, giữa lúc tin đồn về chuyến thăm lan truyền.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Đài Loan đang chuẩn bị các kế hoạch để ứng phó tình huống khẩn cấp và quyết tâm bảo vệ hòn đảo trước mối đe dọa. "Chúng tôi đang chuẩn bị tỉ mỉ nhiều kế hoạch và lực lượng thích hợp sẽ được điều động để phản ứng theo quy định về ứng phó tình huống khẩn cấp và mối đe dọa do đối thủ gây ra", theo tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Đài Loan hôm nay 2.8.

Cùng ngày, phía cơ quan hành pháp Đài Loan nói rằng hòn đảo "hoan nghênh" các vị khách nước ngoài, nhưng không trực tiếp đề cập về bà Pelosi.

Mỹ ban đầu công nhận Đài Loan nhưng đã thay đổi lập trường kể từ năm 1979 khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan thường được nhắc đến trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ phải "trả giá" nếu bà Pelosi đến Đài Loan

Các đời tổng thống Mỹ nhiều năm qua tránh tương tác trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, kể cả qua điện đàm. Dù vậy, Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Đài Loan, động thái khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng.

Nhìn chung, vấn đề Đài Loan luôn rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung và vì thế suốt nhiều thập niên qua các quan chức cấp cao của Mỹ ít khi thăm chính thức Đài Loan. Trung Quốc luôn phản ứng mạnh trước tất cả chuyến thăm viếng qua lại của quan chức Mỹ và Đài Loan từ trước đến nay.

Lần gần nhất một quan chức trong tốp 3 quyền lực của Mỹ (tổng thống, phó tổng thống, chủ tịch hạ viện) tới Đài Loan là vào năm 1997, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Newt Gingrich tới hòn đảo. Do đó, tin tức bà Pelosi – nhân vật quyền lực thứ 3 và đứng thứ 2 trong danh sách kế vị tổng thống (sau phó tổng thống theo hiến pháp Mỹ) có thể đến Đài Loan sau hơn 25 năm thật sự gây chú ý. Bên cạnh đó, nữ chính trị gia này cũng nổi tiếng cứng rắn với Trung Quốc nên càng khiến Bắc Kinh đặc biệt để mắt.

Mặc dù phía Mỹ đã khẳng định không có thay đổi gì trong chính sách của nước này nhưng tình hình lần này được giới quan sát nhận định là căng như dây đàn và đã có những lo ngại rằng phản ứng của Bắc Kinh sẽ vượt ra khỏi phạm vi lời nói, tức không chỉ nói mà còn hành động. Điều này khiến chuyến đi châu Á của bà Pelosi càng được theo dõi sát sao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.