Tại sao tham vọng siêu ứng dụng của tỉ phú Elon Musk gặp khó?

31/07/2023 16:15 GMT+7

Tỉ phú Elon Musk nhiều lần tuyên bố việc mua lại Twitter là một phần trong kế hoạch tạo dựng siêu ứng dụng (super app) giống WeChat của Trung Quốc. Thế nhưng, khác biệt lớn về văn hóa và sự giám sát của cơ quan quản lý Mỹ cùng với hệ thống tài chính bị chia cắt khiến tham vọng của ông Musk gặp nhiều khó khăn.

Theo WSJ, ý tưởng tạo ra một siêu ứng dụng luôn là chủ đề hấp dẫn đối với các công ty. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một ứng dụng nào ở Mỹ được xem là một siêu ứng dụng thành công. Tại Trung Quốc, ứng dụng WeChat của tập đoàn Tencent chính là ví dụ hoàn hảo cho một siêu ứng dụng (super app). WeChat tích hợp từ dịch vụ chính phủ, thương mại điện tử, thanh toán di động cho đến gọi xe. Chính Elon Musk cũng từng nhận định "không có ứng dụng nào tương đương WeChat bên ngoài Trung Quốc" và mong muốn biến nền tảng X thành một WeChat của phương Tây.

Nhà phân tích chính của công ty nghiên cứu Insider Intelligence Yory Wurmser cho biết, một trong những lý do khiến siêu ứng dụng chưa phát triển rộng rãi tại phương Tây là vì người tiêu dùng đã quen với việc sử dụng nhiều ứng dụng và trang web khác nhau. Sự phổ biến của thẻ tín dụng cũng khiến người dùng ít để tâm đến các dịch vụ thanh toán di động.

X.jpg

Ông Elon Musk thường xuyên lấy WeChat làm hình mẫu khi nói đến siêu ứng dụng

Chụp màn hình

Vào hôm 24.7, Elon Musk tuyên bố trong những tháng tới ứng dụng sẽ được bổ sung thông tin liên lạc toàn diện và khả năng quản lý tài chính. Trong vài tháng qua, Twitter đã xin giấy phép ở các tiểu bang của Mỹ để hoạt động như một nền tảng lưu trữ và chuyển tiền cho người dùng. Cho đến nay, công ty đã có được giấy phép ở 4 tiểu bang Mỹ, bao gồm Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire.

Một thách thức khác là việc tham gia vào các dịch vụ tài chính sẽ khiến công ty của Elon Musk phải đối mặt với nhiều quy định về việc kiểm duyệt nội dung hơn. Các công ty cho vay hoặc chuyển tiền phải chịu sự giám sát của một số cơ quan tiểu bang và liên bang, đồng thời họ phải đối mặt với các hình phạt nếu không tuân thủ quy tắc.

Theo WSJ, X không phải là công ty đầu tiên thử mở rộng sang lĩnh vực thanh toán. Vào năm 2014, Snapchat hợp tác với công ty thanh toán di động Block để ra mắt Snapcash, dịch vụ cho phép người dùng gửi tiền cho bạn bè. Tuy nhiên, tính năng này đã bị "khai tử" vào năm 2018. Bên cạnh đó, công ty Meta đã triển khai dịch vụ Meta Pay, cho phép người dùng gửi và nhận tiền thông qua ứng dụng nhắn tin và thanh toán hàng hóa trực tuyến. Vào năm 2019, Facebook cũng công bố dự án tiền số Libra, sau đó được đổi tên thành Diem, với tham vọng cách mạng hóa dịch vụ tài chính toàn cầu. Trước áp lực và phản đối đến từ các nhà lập pháp, dự án Diem bị bán cho Silvergate Capital với giá 182 triệu USD vào tháng 2.2022.

Cựu nhân viên của Facebook - người đã đồng sáng lập Libra Morgan Beller nhận định X có thể có cơ hội thành công vì Elon Musk thường điều hành công ty như một startup dù sở hữu nền tảng có hàng trăm triệu người dùng.

Đầu năm 2021, PayPal có mục tiêu mở rộng ví điện tử thành một siêu ứng dụng, kết hợp các dịch vụ thanh toán và tài chính cho người tiêu dùng. Ngoài ra, công ty cũng để mắt đến việc mua lại ứng dụng Pinterest với ý định tích hợp nội dung và tính năng của Pinterest vào ứng dụng của mình. Tuy nhiên, PayPal phải từ bỏ kế hoạch thâu tóm Pinterest sau khi vấp phải sự phản đối của các nhà đầu tư. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí, PayPal cũng hủy bỏ kế hoạch cung cấp giao dịch chứng khoán và thanh toán tại cửa hàng thông qua ứng dụng.

Nhìn chung, Elon Musk còn rất nhiều thứ phải làm để thuyết phục người dùng nền tảng X là nơi an toàn để cất giữ tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.