Tại sao 'sếp' của Trương Duy Nhất không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

09/08/2019 16:22 GMT+7

Nguyên Tổng và Phó tổng biên tập Báo Đại đoàn kết không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù CQĐT xác định hành vi có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án tới Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Trương Duy Nhất (55 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cựu nhà báo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo kết luận điều tra, Trương Duy Nhất lợi dụng chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng trong việc tạo điều kiện bán nhà, đất công sản cho các đơn vị sự nghiệp công lập đóng trên địa bàn Đà Nẵng làm trụ sở; với nhiệm vụ được Ban Biên tập Báo Đại đoàn kết giao liên hệ với UBND, các sở, ban ngành của Đà Nẵng để xin cấp, hoặc cho thuê địa điểm làm trụ sở cho văn phòng đại diện, Nhất khi đó là Trưởng văn phòng đại diện Báo Đại đoàn kết tại Trung Trung bộ (văn phòng đặt tại Đà Nẵng) đã lợi dụng nhiệm vụ của cơ quan ký 3 văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng đề nghị được mua nhà theo diện công sản, không tính hệ số sinh lợi, để làm trụ sở văn phòng.
Ngày 20.7.2004, sau khi được UBND TP.Đà Nẵng đồng ý bán nhà, đất tại số 82 Trần Quốc Toản (bất động sản này bây giờ trở thành nhà riêng và địa chỉ trụ sở công ty của Vũ "nhôm), Trương Duy Nhất đã cho ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) nộp tiền vào ngân sách TP.Đà Nẵng.
Ngày 20.8.2004, Trương Duy Nhất đã ký hợp đồng nhượng nhà đất trên cho Công ty Xây dựng 79. Ba văn bản nêu trên và hợp đồng này Nhất không báo cho Ban Biên tập Báo Đại đoàn kết.
Đến ngày 4.10.2004, Trương Duy Nhất mới báo cáo Ban Biên tập với nội dung: Qua quan hệ với Công ty Xây dựng 79, họ đã tác động giúp cho văn phòng Trung Trung Bộ đứng tên mua một căn nhà cấp 4 (nhà công sản) và gửi kèm hợp đồng ngày 20.8.2004. Từ đó dẫn đến việc Ban Biên tập báo đã chấp thuận cho Nhất ký hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và quyền sử dụng đất cho công ty của Vũ "nhôm".
CQĐT xác định, hành vi của Trương Duy Nhất gây thiệt hại hơn 301 triệu đồng (tại thời điểm tháng 7.2014) và hơn 13 tỉ đồng tại thời điểm phát hiện tội phạt (tháng 4.2018).

Không bị truy cứu do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra, đó là tại sao 2 "sếp" của Trương Duy Nhất không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này, mặc dù CQĐT xác định hành vi có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 301 triệu đồng?
Trả lời cho câu hỏi này, Kết luận điều tra thể hiện, tại CQĐT, ông Lê Quang Trang (nguyên Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết) và ông Bùi Thượng Toản (nguyên Phó tổng biên tập) khai nhận, do Báo Đại đoàn kết không có kinh phí, nên không chỉ đạo Trương Duy Nhất liên hệ với UBND TP.Đà Nẵng xin mua nhà, đất công sản, mà chỉ đạo Nhất liên hệ với các sở, ngành TP.Đà Nẵng để xin cấp, hoặc thuê một địa điểm làm trụ sở cho văn phòng đại diện.
Cuối năm 2003, khi được bị can Trương Duy Nhất thông báo đã liên hệ và được UBND TP.Đà Nẵng cấp cho nhà đất, có thể sửa chữa làm trụ sở, nhưng phải đóng tiền để bù và xây dựng lại. Ban Biên tập đã họp xem xét quyết định không nhận và chỉ đạo trả lại.
Sau đó, Trương Duy Nhất đã báo cáo có một đơn vị nhà nước của Bộ Công an chi trả toàn bộ kinh phí và làm thủ tục nhận lại quyền mua nhà, đất trên và để cho báo có một phòng để làm trụ sở cho văn phòng.
Do thấy có lợi nên Ban Biên tập chấp thuận và ủy quyền cho bị can Trương Duy Nhất làm thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất ngôi nhà số 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79.
Ông Lê Quang Trang và ông Bùi Thượng Toản cho biết Ban Biên tập không nhận được 3 công văn của Văn phòng Trung Trung bộ do bị can Nhất ký.
Theo Kết luận điều tra, mặc dù bị can Trương Duy Nhất khai nhận, quá trình mua bán nhà đất số 82 Trần Quốc Toản đều báo cáo Ban Biên tập, nhưng theo tài liệu điều tra thu thập được, CQĐT xác định ông Trang và ông Toản đã không làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác minh, xác định Công ty Xây dựng 79 có phải là đơn vị của nhà nước hay không, trước khi ký quyết định sô 112/ĐK-BBT ngày 12.11.2004 ủy quyền cho Trương Duy Nhất làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản cho công ty của Vũ “nhôm" theo hợp đồng 64/TTB ngày 20.8.2004.
Kết luận điều tra xác định, hành vi của ông Trang và Toản có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 1 điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 301 triệu đồng. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 điều 9 và khoản 2 điều 27 Bộ luật Hình sự, thì hành vi của ông Trang và ông Toản đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 2 ông này. Vì vậy ông Trang và Toản không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án này.
Khoản 1 Điều 9. Phân loại tội phạm
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 4 loại sau đây: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.