Tại sao phải xin hoàn thuế?

15/07/2023 06:05 GMT+7

"Hoàn thuế là nghĩa vụ của nhà nước, doanh nghiệp không xin", phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua khiến nhiều người giật mình. Bởi không biết từ bao giờ, đa số người dân, doanh nghiệp đều có tâm lý đi "xin" hoàn thuế.

Về bản chất, hoàn thuế nói chung là hành vi của cơ quan có thẩm quyền thu thuế trả lại số tiền thuế đã thu của doanh nghiệp (DN) hoặc cá nhân do bị thu sai hoặc thu quá mức so với quy định. Còn hoàn thuế GTGT là khoản thuế được nhà nước trả lại cho người nộp thuế sau khi họ đã nộp vào ngân sách nhà nước. Mục đích của việc hoàn thuế nhằm bảo đảm những quyền lợi hợp pháp của cá nhân, DN cũng như khẳng định tính chính xác và sự minh bạch của các biện pháp thu thuế.

Lý thuyết thì như vậy nhưng trên thực tế, hoàn thuế thường được ví von là "hành thuế" hay "thuế hành" do quá trình thực hiện vừa rườm rà, tốn thời gian, mệt mỏi và rất nhiều trường hợp rước bực vào thân vì thái độ của cán bộ nhà thuế. Đặc biệt, hoàn thuế GTGT mấy năm qua gặp không biết bao nhiêu vướng mắc chỉ vì một công văn nội bộ do Tổng cục Thuế ban hành. Hệ quả là DN bị ngâm hàng ngàn tỉ đồng trong bối cảnh vốn liếng cạn kiệt, nợ nần còng lưng, chi phí đè nặng... Thế nên họ gửi đơn kiến nghị, cứu xét, xin gặp để trình bày... khắp nơi, hết lần này đến lần khác. Đến mức, không ai còn nhớ việc tất lẽ dĩ ngẫu rằng hoàn thuế là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan thuế mà chỉ mong sao nhận lại được số tiền thuế đã đóng để giải quyết khó khăn trước mắt. Hoàn thuế càng khó khăn thì tâm lý "đi xin" lại càng trầm trọng, nặng nề. Nhà thuế cũng "nghiễm nhiên" cho mình cái quyền "cho" thay vì coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ phải làm. Mà đã xin - cho thì đương nhiên khó dễ, nảy sinh tiêu cực chứ không chỉ chuyện chậm hoàn thuế, gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của DN.

Đáng lo ngại, không chỉ hoàn thuế mà nhiều thủ tục hành chính công hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự, người dân, DN luôn có tâm lý đi xin và cơ quan có thẩm quyền mang tâm lý ban phát. Tham nhũng vặt, lót tay, đi đêm... cũng từ đó sinh ra. Thậm chí ngay cả đi vay tiền ngân hàng, đóng phí trả lãi thì nhiều người cũng mang tâm lý xin - cho. Thế nên mới dẫn đến hệ quả bị ép mua bảo hiểm nhân thọ dù không có nhu cầu, kéo theo một loạt hệ lụy đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Trở lại với câu chuyện hoàn thuế. Chúng ta đều biết hàng loạt DN xuất khẩu gỗ, cao su... đang đứng trên bờ vực phá sản vì không có vốn hoạt động trong khi số tiền thuế bị treo kéo dài hàng năm trời. Nếu hoàn thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế thì chế tài cụ thể ra sao? Tổn thất của DN được tính toán như thế nào? Và quan trọng nhất, bao giờ họ được nhận lại số tiền thuế đã đóng của mình? Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh nghiêm túc tình trạng ban hành giấy phép con, giấy phép cháu, công văn nội ngành nhưng đứng trên cả luật như công văn gây ách tắc hoàn thuế của Tổng cục Thuế hiện nay. Không thể vì một vài trường hợp vi phạm, một vài nghi vấn mà đánh đồng tất cả, treo tất cả, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

Chúng ta quyết liệt cải cách môi trường đầu tư, xây dựng nền hành chính công phục vụ thì phải hạn chế tối đa nguy cơ biến tướng từ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền với người dân, DN thành xin - cho như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ.

Người dân, DN vẫn đang chờ nhà thuế thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thuế của mình để giải tỏa cơn khát vốn đã lên tới đỉnh điểm hiện nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.