Tại sao phải than ngắn, thở dài...?

25/11/2022 16:00 GMT+7

Một bộ phận người trẻ hiện nay hay “than ngắn thở dài” . Dường như than thở đã trở thành chủ đề trong các cuộc trò chuyện và là “căn bệnh” mà nhiều người đang mắc phải.

"Than thở" dường như đã trở thành "căn bệnh" của nhiều người

Ngọc SƠN

“Thằng này than nhiều còn hơn cái mỏ than Quảng Ninh”

Khi gặp một vấn đề nào đó trong cuộc sống không như ý muốn, thay vì tìm cách giải quyết, nhiều người lãng phí thời gian cho việc than vãn, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Có muôn vàn lý do để người trẻ than vãn: trời mưa… than, trời nắng cũng than; đi làm cũng than, thất nghiệp lại càng than…

Với học sinh, sinh viên, họ ta thán về chuyện học hành, điểm số hay tình cảm yêu đương. Với người đã đi làm, họ than ngắn thở dài về công việc, lương bổng. Còn những người đã có gia đình thì chuyện cơm áo gạo tiền, con cái…

Mặc dù bị bạn bè gọi là “Thằng này than nhiều còn hơn cái mỏ than Quảng Ninh” nhưng Trần Quang Phát (23 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan, P.Tân Đông Hiệp, thị xã.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vẫn không thể ngừng than vãn, Phát kể: “Tùy vào độ tuổi mà sẽ có vấn đề để buộc mình phải buông lời thở than. Hồi trước đi học vì áp lực điểm số nên điểm thấp là than. Sau này đi làm, mới ra trường gặp nhiều khó khăn nên buộc phải tâm sự, than vãn với bạn bè”.

Liệu than vãn có phải là cách để giải tỏa áp lực?

NGỌC SƠN

Còn với Phạm Thị Thanh Sen, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM thì lại hay than thở về chuyện học hành, công việc và cả tình cảm. Sen cho biết: “Đó là những vấn đề mà mình nghĩ ai cũng từng gặp phải, khi gặp chuyện không như ý muốn mình sẽ... than. Mặc dù than thở không giải quyết được vấn đề, nhưng đó là cách tốt nhất để làm giảm nỗi ấm ức, khó chịu ngay lúc đó”.

Không chỉ có người đi học, đi làm mới than thở mà người lập gia đình rồi cũng có muôn vàn lý do khiến họ ta thán nhiều hơn: “Có con rồi thì thêm khoản tiền bỉm sữa, tiền học hành khiến mình suy nghĩ nhiều tới mức đau đầu. Cả ngày quần quật ở văn phòng, tối về lại phải chăm con, không có thời gian nghỉ ngơi. Chưa kể chi phí sinh hoạt mỗi tháng khiến mình không than không được”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hải Hà (28 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại số 62 Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM.

Với nhiều người, việc gặp gỡ bạn bè thật ra là cơ hội để họ than thở. Mệt mỏi với những cuộc “bán than" từ đầu buổi tới cuối buổi, hết người này than tới người khác thở dài, Võ Phan Nhật Hoàng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ sự ngán ngẩm: “Than ít thì còn động viên, chia sẻ chứ than hoài nghe phát mệt. Hết than môn này khó, môn kia dễ rớt tới tình cảm yêu đương. Nghe riết mình phát ngán, nhiều lúc đi ăn uống, cà phê cũng đắn đo”

Liều thuốc nào cho… "bệnh than"?

Vậy lý do vì sao nhiều người hay than thở? Quang Phát cho rằng, đó chỉ là những lời tâm sự với bạn bè, người thân để họ an ủi, cho mình lời khuyên và tìm hướng giải quyết. Hoặc ít nhất là giúp bản thân rút được kinh nghiệm.

Đó cũng là lý do khiến Thanh Sen hay than thở. “Mình mong muốn được người khác lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm. Hay chỉ đơn giản, than thở là cách để mình tự an ủi bản thân”, Sen nói.

Nói về lý do người trẻ hay than vãn, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Anh Khoa, giảng viên ngành tâm lý học, khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM lý giải: "Nhiều người than thở vì họ đang bị áp lực hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, áp lực ngày càng gia tăng thì họ càng có nhu cầu than thở để tìm kiếm sự động viên. Hoặc cũng có thể họ thiếu thốn sự quan tâm nên khao khát được lắng nghe, tìm kiếm sự yêu thương và đồng cảm".

Thạc sĩ Khoa cũng chỉ ra rằng khi một người rơi vào trạng thái áp lực, chán chường, họ sẽ có xu hướng than thở. "Đây là một dạng cảm xúc tiêu cực làm mất khả năng lý trí của mỗi người. Vì những lúc đó họ chỉ chú tâm tìm kiếm một đối tượng để than vãn, thậm chí là lạm dụng các chất kích thích để giải tỏa hơn là chú trọng phát triển bản thân. Điều này khiến vấn đề họ đang gặp phải ngày càng nghiêm trọng hơn, nếu không có ai lắng nghe, rất có thể sẽ rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm", thạc sĩ Khoa nói.

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Anh Khoa

NVCC

Vậy làm thế nào để trị "căn bệnh" này? Thạc sĩ Khoa đưa ra lời khuyên: "Không ai có nhu cầu ngồi nghe chúng ta than thở hoài. Trước tiên, mỗi người phải rèn luyện, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề. Thay vì than vãn thì hãy học cách chấp nhận và bình tĩnh tìm ra hướng giải quyết bằng cách tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm. Nếu bế tắc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia".

Thạc sĩ Khoa cũng cho biết thêm, khi có khó khăn, mình vẫn nên chia sẻ. Vì chỉ khi nói quá nhiều về một vấn đề mà không tìm hướng giải quyết thì nó mới thành than vãn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.