Tại sao người trẻ lại chọn 'nghỉ việc trong im lặng'?

Phúc Kha
Phúc Kha
06/04/2023 16:19 GMT+7

Xu hướng rộ lên hiện nay là có một số người trẻ chọn cách "nghỉ việc trong im lặng". Vậy như thế nào là "nghỉ việc trong im lặng" và người lao động trẻ cần lưu ý gì khi lựa chọn cách này?

“Nghỉ việc trong im lặng” đã trở thành một xu hướng được một số người trẻ hưởng ứng khi sự hối hả trong công việc và áp lực đồng trang lứa đang ngày một gia tăng. Người lao động rơi vào trạng thái mất động lực làm việc, có thái độ chán nản, chỉ làm những nhiệm vụ tối thiểu nhất trong phạm vi công việc được giao và luôn tìm cách trốn tránh, từ chối tham gia các hoạt động nội bộ của doanh nghiệp ngoài giờ làm việc. Đồng thời, người trẻ cũng không thực sự cho người sử dụng lao động biết mình đang mong muốn điều gì hoặc sẽ rời đi.

Kiệt sức vì công việc

Trần Thị Ngọc Hạnh (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đã “nghỉ việc trong im lặng” sau khi kiệt sức với công việc kế toán. Ngọc Hạnh cho biết đã có một thời gian dài cảm thấy bản thân phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Lúc nào cô cũng lo lắng không hoàn thành được nhiệm vụ và đồng nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Mình nghĩ rằng bất kỳ vị trí công việc nào đều phải làm việc vừa phải, không nên làm đến mức kiệt sức. Mình cũng cần rời bỏ công việc một thời gian để nghỉ ngơi. Vì vậy, mình biết rằng bản thân phải thay đổi”.

Từ đầu năm nay, Ngọc Hạnh không còn làm việc ngoài giờ và ôm việc vào cuối tuần, ngoại trừ khi giúp đỡ những người thân thiết nhất.

Đối với Lê Minh Hoàng (23 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, điều khiến chàng trai phải “nghỉ việc trong im lặng” là do bị từ chối mức tăng lương mà Minh Hoàng đã kỳ vọng và luôn cố gắng hết sức để đạt được. Hoàng luôn cảm thấy quá tải khi phải làm quá nhiều việc với khoảng thời gian cũng như nguồn lực ít ỏi. Chàng trai phải làm thêm nhiều thứ ngoài phần mô tả công việc khi bắt đầu nhận việc.

“Khi mình nói rằng bản thân rất áp lực và căng thẳng ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi vì có quá nhiều việc phải làm, sếp đã không hiểu và không đáp ứng yêu cầu của mình đưa ra”, Hoàng nói.

Trải qua nhiều tháng trong tình trạng bất đồng với sếp, chàng trai quyết định chỉ làm việc đã được phân công trong giờ hành chính. Anh nói không với những công việc ngoài giờ vô lý, tận dụng mọi thời gian để thư giãn và tham gia các hoạt động thể thao với bạn bè.

“Công việc không phải là tất cả. Công việc sẽ đến rồi đi, nhưng không có gì quan trọng hơn sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần; thời gian dành cho gia đình, thời gian thư giãn cho bản thân. Đó là mới là điều thực sự quan trọng”, Hoàng chia sẻ.

 “Nghỉ việc trong im lặng” có thực sự tốt? - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ lựa chọn không làm việc sau giờ hành chính để thực hiện "nghỉ việc trong im lặng"

Bị mất việc chỉ vì “nghỉ việc trong im lặng”

Nguyễn Ngọc Anh Kiệt (22 tuổi), đang trọ tại 1015 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết bản thân đã từng là một con “sâu việc”. Kiệt yêu công việc không chỉ là chuyện thu nhập mà là cảm hứng. Và cứ thế, công việc, đồng nghiệp cuốn Kiệt đi. Đến một ngày, chàng trai ám ảnh với công việc. Anh tuyên bố là không nhận bất cứ cú điện thoại nào liên quan đến công việc ngoài giờ.

“Khoảng 1 tháng sau khi thực hiện quyết định trên, mình đã bị sếp cho thôi việc. Lý do đưa ra là công ty cần những người có trách nhiệm ngoài giờ làm việc, đã đi làm phải chấp nhận mọi yêu cầu của sếp”.

Sau khi áp dụng “nghỉ việc trong im lặng”, Lê Ngọc Trinh, cựu sinh viên Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, vấp phải nhiều áp lực hơn từ đồng nghiệp. Hiệu quả công việc giảm sút, Ngọc Trinh cũng chẳng còn tìm thấy niềm vui mỗi khi bước chân vào văn phòng, cảm thấy bản thân còn thụt lùi hơn những người vào công ty sau mình. Từ sự chán nản trong công việc và gặp áp lực từ đồng nghiệp, cấp trên, Ngọc Trinh đã quyết định nghỉ việc.

 “Nghỉ việc trong im lặng” có thực sự tốt? - Ảnh 2.

Nguy cơ mất việc làm vì "nghỉ việc trong im lặng"

Còn là sinh viên nhưng đã có được công việc ổn định, Lê Ngọc Huy (23 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết anh chàng cũng đã trải qua thời gian "nghỉ việc trong im lặng" và cuối cùng nhận kết cục là mất luôn việc. Huy kể: “Mình bị hụt hẫng với môi trường làm việc của công ty. Quá nhiều việc phải làm, ngày không nghỉ, đêm ngủ vài tiếng. Sau một thời gian, mình bị kiệt sức và mình quyết định chỉ làm đủ và đúng phần việc mình chịu trách nhiệm, rời văn phòng đúng giờ và gần như ngắt kết nối với đồng nghiệp sau giờ làm. Và kết quả là mình đã bị lãnh đạo công ty cho kết thúc hợp đồng lao động”.

Huy cho biết khi nhận được quyết định cho thôi việc anh cũng rất bất ngờ. Trong email của lãnh đạo công ty gửi đến anh, họ nói không chấp nhận việc chỉ đi làm trong giờ hành chính, phải làm việc mọi lúc, mọi nơi và nhiệt tình tham gia hoạt động tập thể của công ty.

Cẩn trọng với quyết định "nghỉ việc trong im lặng"

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Thông Tinh Luật, vấn đề ‘‘nghỉ việc trong im lặng’’ (quiet quitting) có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không sẽ phụ thuộc vào người lao động hoặc người sử dụng lao động. Nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng lao động, thì mới có căn cứ để một trong các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Việc doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động chán nản công việc, làm việc không có sự tiến bộ, không mang lại giá trị và hiệu quả cho doanh nghiệp mà có căn cứ cho rằng việc làm đó vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ có trong hợp đồng thì doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.

“Đối với người lao động có thái độ chán nản công việc, làm việc không có sự tiến bộ, không mang lại giá trị và hiệu quả cho doanh nghiệp thì bất kể là doanh nghiệp nào cũng sẽ trì hoãn hoặc từ chối việc tăng lương, thưởng cho người lao động đó. Khi người lao động “nghỉ việc trong im lặng” sẽ không có thái độ làm việc tích cực, do đó doanh nghiệp cũng dè chừng không đề cử người đó lên vị trí công việc cao hơn. Do đó, người lao động cũng không nhận được các chính sách đãi ngộ tốt hơn”, luật sư Bình cho biết.

Về phía doanh nghiệp, vị luật sư này cho rằng để tránh hậu quả tiêu cực nhất, doanh nghiệp cần có sự minh bạch cũng như sự quan tâm, thấu hiểu giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình làm việc.

“Nên có sự trao đổi, giải thích những nhu cầu, mong muốn đối với người lao động trong công việc và thông báo cho người lao động biết nếu có sự bất cập để khắc phục kịp thời tránh ảnh hưởng đến công việc. Và khi có vấn đề, người lao động cũng phải kịp thời phản ánh đến người sử dụng lao động để có biện pháp giải quyết tích cực nhất cho hai bên theo quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói thêm.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.