Tại sao Kon Tum phải hướng dẫn học sinh cách ứng phó với động đất?

24/05/2022 10:00 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn H.Kon Plông (Kon Tum) liên tục xảy ra động đất với tần suất ngày một tăng cao.

Để học sinh biết cách bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất, các trường đã tuyên truyền và đặt ra các tình huống cho học sinh xử lý.

Cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên) cho biết trong năm học 2020 - 2021 cô bắt đầu cảm nhận được sự rung, lắc do ảnh hưởng của động đất. Tuy nhiên, chỉ lác đác vài trận với dư chấn nhẹ. Từ đầu năm học 2021 - 2022 các trận động đất dày đặc hơn và ngày càng mạnh.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Nên hướng dẫn học sinh ứng phó với động đất

ĐỨC NHẬT

Có hôm động đất xảy ra vào lúc các em đang học trên lớp. Thấy phòng học rung, một số em la lớn. Cô Hà động viên, trấn an các em ngồi yên tại chỗ chờ dư chấn đi qua. Theo cô Hà, thông qua những bài dạy trên lớp, cô đã hướng dẫn học sinh (HS) cách ứng phó khi xuất hiện những biến động bất thường.

Tương tự, vài năm qua, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đăk Ring (xã Đăk Ring, H.Kon Plông) cũng liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất. Theo ông Nguyễn Văn Diện, Hiệu trưởng nhà trường, thông qua các tiết học hoặc buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường đã tuyên truyền, hướng dẫn HS cách ứng phó với động đất, bão lũ và sạt lở.

Theo đó, nếu động đất xảy ra vào buổi tối, khi các em đang ngủ phải lập tức leo xuống giường, ẩn nấp dưới gầm giường, đồng thời tránh xa các cửa sổ và cửa ra vào. Trong trường hợp mái nhà bị sập, hoặc đồ đạc rơi xuống thì các em sẽ không bị chấn thương nặng. Khi động đất xảy ra mà các em ở một mình thì không được trú ẩn ở chỗ tạm bợ, phải chạy đến khu vực trống, tránh xa cây cối và trụ điện…

Đặc biệt, trong trường hợp động đất mạnh, nếu HS bị mắc kẹt phải la lớn để nhờ sự giúp đỡ của giáo viên. Sau khi động đất xảy ra, nếu phát hiện các bạn bị thương thì phải tìm đến thầy, cô hoặc người lớn để nhờ trợ giúp.

“HS nơi đây học tập và ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu. Do đó, nhà trường nhắc nhở giáo viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục HS cách ứng phó với động đất. Từ đó, giúp các em biết cách ứng phó, xử lý khi xuất hiện động đất mạnh”, ông Diện cho biết thêm.

Ông Võ Xuân Tựu, Phó phòng GD-ĐT H.Kon Plông, cho biết để đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên, phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường chuẩn bị các phương án ứng phó với động đất, sạt lở.

“Phòng đã chỉ đạo các trường giáo dục, hướng dẫn HS cách ứng phó, xử lý tình huống khi xảy ra động đất. Bên cạnh đó, năm học vừa qua, một số trường cũng tổ chức diễn tập ứng phó với động đất, bão lũ. Khi có sự chủ động, tinh thần giáo viên, HS được ổn định. Qua đó giúp các thầy cô yên tâm công tác, HS yên tâm học tập”, ông Tựu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.