Tại sao không cho Quang Hải, Hoàng Đức xuất ngoại?

30/12/2021 08:57 GMT+7

Khi tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại World Cup 2022 , đã không dưới 2 lần HLV Park Hang-seo đặt vấn đề về tương lai của Quang Hải và Hoàng Đức.

Khi trình độ cầu thủ Việt Nam đã bắt đầu đuổi kịp được trình độ bóng đá châu Á thì những CLB trong nước đang may mắn sở hữu những gương mặt sáng giá như vậy nên mở rộng cửa để cầu thủ có cơ hội bước ra chân trời rộng hơn. Quang Hải, Hoàng Đức là những ví dụ điển hình.

Quang Hải (19),Hoàng Đức (14) đạt phong độ cao tại AFF Cup 2020

AFP

Thầy Park từng khuyên Hải, Đức nên xuất ngoại

Cách đây ít ngày, ngay sau trận bán kết lượt về với Thái Lan tại AFF Cup 2020, Hoàng Đức tiếp tục nhận được tin nhắn từ đại diện của CLB hàng đầu Thái Lan Pathum United với mong muốn anh gật đầu về với họ càng sớm càng tốt. Đội bóng có số má tại Thái Lan này đã chấm Đức từ ngay trận đầu tiên Viettel thi đấu tại AFC Champions League 2021.

Suốt 6 tháng qua, dù có thay đổi ở cấp thượng tầng CLB (HLV trưởng đã ra đi) nhưng Pathum United vẫn kiên trì theo đuổi để có được chữ ký của Hoàng Đức. Kể cả khi Viettel lịch sự nói lời từ chối, Pathum vẫn kiên quyết không đưa Đức ra khỏi tầm ngắm. Tại các trận vòng loại thứ 3 World Cup gặp đối thủ mạnh Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Oman, Úc, Nhật Bản, tuy tuyển Việt Nam chưa có được chiến thắng nhưng một số cá nhân đã chứng minh được năng lực tiềm tàng của mình mà Hoàng Đức là nhân tố nổi bật nhất. Đến AFF Cup, Đức vẫn đạt phong độ rất cao mà tin nhắn của CLB Pathum (kèm những thông tin về chế độ đãi ngộ, giá trị chuyển nhượng cao) lại càng như một chỉ dấu quan trọng, chứng tỏ thực tế, đội bóng Thái Lan thực sự muốn anh, chứ không phải là lời mời xã giao mang tính chất “làm hàng”. Pathum United còn sẵn sàng đổi nhân sự, đưa Sarach Yooyen, tiền vệ đội Thái Lan tại AFF Cup 2020 sang Viettel để đội bóng áo lính đồng ý cho Hoàng Đức sang Thái. Một số đội bóng tại Hàn Quốc, hay đã có CLB hạng nhì tại châu Âu cũng muốn có Đức.

Còn Quang Hải, dù tuyển Việt Nam đang trải qua những nốt trầm nhưng không ai có thể phủ nhận được sự xuất chúng của anh ở cả cấp độ châu Á lẫn Đông Nam Á. Nếu xét về phương diện cá nhân, ở trận đấu lượt đi hay lượt về AFF Cup với người Thái, đặt lên bàn cân so sánh giữa Hải và Chanathip thì chất lượng của cả hai cầu thủ có chiều cao khiêm tốn này lại không hề có sự chênh lệch, nếu không muốn nói có một vài chỉ số kỹ thuật, Hải còn tốt hơn đối thủ. Tại sao lại muốn so sánh Hải và Chanathip? Bởi cầu thủ xuất chúng của Thái Lan đang chơi bóng được vài mùa tại Nhật Bản, còn cầu thủ xuất chúng của chúng ta vẫn đang chờ đợi cơ hội đến với mình. Hải muốn đi châu Âu trong một tương lai gần, dù hiện tại, anh cũng nhận được nhiều lời mời từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và một vài đội của châu Âu.

Với Hoàng Đức, hợp đồng đào tạo trẻ của anh với đội Viettel sẽ kết thúc vào tháng 1.2022 và Viettel đang có ý định tái ký thêm 3 năm nữa. Còn Quang Hải, đến tháng 4.2022 sẽ hết hợp đồng trẻ với đội Hà Nội và anh có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp với Hà Nội hoặc bất kỳ đội bóng nào khác. Vấn đề còn lại là Đức hay Hải có cơ hội được ra nước ngoài hay không? Khi đội tuyển tập trung chuẩn bị cho các trận vòng loại thứ 3 World Cup, đã không dưới hai lần HLV Park Hang-seo gọi Hải và Đức sang phòng để nói chuyện về tương lai của các trò cưng. Ông đã khuyên hai tiền vệ tài hoa của Việt Nam nên ra nước ngoài thi đấu.

“Cầu thủ Việt Nam đủ khả năng chơi bóng ở Nhật Bản hay châu Âu”

Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản Kozo Takashima đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về câu chuyện cầu thủ xuất ngoại. Ông Kozo nhấn mạnh: “Bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt. Đội tuyển Việt Nam là đội duy nhất ở Đông Nam Á giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Đó là bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội hơn và tôi hy vọng một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sẽ được dự vòng chung kết World Cup. Tuy nhiên, để duy trì một đội tuyển quốc gia mạnh thì đội tuyển đó cần có những đợt tập trung dài hạn và tất nhiên là phải có cả những cầu thủ có đẳng cấp nữa. Bóng đá Nhật Bản vẫn đang trong quá trình đi lên và chúng tôi chọn lựa một trong những cách để phát triển là cầu thủ của mình được ra nước ngoài.

Những CLB ở châu Âu có đẳng cấp vượt trội, thi đấu cho các đội bóng này hằng tuần sẽ giúp các cầu thủ phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Đó là lý do vì sao Nhật Bản gửi nhiều cầu thủ sang châu Âu chơi bóng. Các cầu thủ được nâng cao khả năng, được phát triển trình độ khi thực chiến ở các giải đấu hàng đầu. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cao nhất để trao cơ hội xuất ngoại cho những cầu thủ giỏi của mình. Cầu thủ nào nổi bật sẽ được sang châu Âu, khoác áo những CLB mà chúng tôi đã có trao đổi từ trước. Hãy lấy Tomiyasu làm ví dụ. Anh ấy mới 23 tuổi nhưng đã chơi ở Bỉ, Ý và giờ là Arsenal (Anh). Tomiyasu khiến chúng tôi tự hào vì anh ấy luôn là sự lựa chọn quen thuộc của HLV ở đội hình ra sân”.

Vùi dập Indonesia, tuyển Thái Lan chạm tay vào cúp vô địch

Ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2020 tối qua, tuyển Thái Lan biến Indonesia thành quân xanh khốn khổ với 4 bàn thắng dễ dàng. Bản lĩnh của tuyển Thái Lan thể hiện rõ khi Chanathip mở tỷ số ngay phút thứ 2 và ghi thêm 1 bàn nữa ở hiệp 2, hai bàn còn lại do Supachok và Bordin Phala ghi. Một chiến thắng quá dễ dàng cho thấy đẳng cấp của Thái Lan hơn hẳn so với Indonesia.

Đội tuyển xứ vạn đảo cho thấy còn rất non nớt và vội vàng nên dù phản công tốc độ, tạo được vài cơ hội khi Thái Lan chơi chùng xuống cũng không thể biến thành bàn thắng. Thất bại đậm này nhiều khả năng Indonesia sẽ phải kéo dài chuỗi trận vô duyên kỷ lục của mình với lần thứ 6 về nhì ở các lần vào chung kết. Xem trận đấu một chiều trên sân Kallang, người hâm mộ càng thấy tiếc cho việc Việt Nam và Thái Lan gặp nhau quá sớm ở bán kết. Chính vì không có đối thủ tương xứng nên Thái Lan biến trận chung kết lượt đi trở thành màn “hành xác” một chiều. 3 ngày nữa đá lượt về chỉ cần tung đội hình dự bị, người Thái cũng sẽ không mấy khó khăn giành cúp vô địch một cách thoải mái và vui vẻ. Thậm chí Chanathip cũng gần như chắc chắn nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2020. Cuộc vui, ở Thái Lan thực tế đã bắt đầu rồi!

Tiểu Bảo

Ông Kozo Takashima cung cấp một thông tin rất đáng để Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các CLB tại Việt Nam phải ngẫm nghĩ: “Ở Nhật Bản, chúng tôi để cho các cầu thủ tự quyết định điều tốt nhất cho mình. Nếu cầu thủ có thể chọn sang châu Âu, liên đoàn sẽ hỗ trợ liên hệ với các CLB đó. Tự cầu thủ sẽ lựa chọn môi trường nào phù hợp nhất. Các cầu thủ phải tự quyết định đâu là điều tốt nhất cho bản thân. Tôi nghĩ là các cầu thủ Việt Nam có đủ khả năng chơi bóng ở Nhật Bản hay châu Âu. Bóng đá Thái Lan cũng có vài cầu thủ đang chơi ở Nhật Bản và họ cũng thể hiện tốt. Các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều tương tự. Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào các CLB Việt Nam nữa, xem là họ có muốn các cầu thủ được ra nước ngoài chơi bóng hay không”.

Lãng phí tài nguyên bóng đá Việt Nam

Đồng quan điểm với một số chuyên gia bóng đá nước ngoài, HLV Đoàn Minh Xương nhận định: “Cầu thủ ra nước ngoài thi đấu không chỉ lợi cho bản thân anh ta (từ thu nhập, kiến thức, bản lĩnh...) mà còn cho cả nền bóng đá. Hãy nhìn Nhật Bản, Thái Lan hay Singpore, Indonesia - đội tuyển của họ đang được hưởng lợi một cách tích cực khi có cầu thủ được khoác áo những đội bóng giỏi của châu Âu, châu Á.

Chúng ta đã có những bài học quý giá về cầu thủ ra nước ngoài thi đấu như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu. Việc họ chưa thực sự thành công cũng là những điều đáng quý mà các cầu thủ giỏi Việt Nam lúc này nếu muốn xuất ngoại nên nhìn vào. Không có gì phải quan ngại hay sợ sệt cả. Trình độ của Quang Hải, Hoàng Đức đáp ứng được yêu cầu ngày một phát triển của bóng đá hiện đại. Đừng nên ghìm chân họ khi họ có tài năng. Tôi tin nếu chọn lựa được đội bóng phù hợp, cầu thủ của chúng ta sẽ biết cách tỏa sáng, biết cách làm cho sự nghiệp thăng hoa.

Nói nhức nhối thì có vẻ hơi quá nhưng việc chưa tạo điều kiện cho cầu thủ xuất ngoại đang làm lãng phí tài nguyên bóng đá Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất là cầu thủ Việt Nam có tham vọng ra nước ngoài không? Rõ ràng là có. Vậy nên, hãy để họ bơi ra biển lớn chứ đừng biến họ thành cá to bơi trong ao nhỏ. Cầu thủ giỏi là những sản phẩm đặc biệt và có giá trị. Hãy tận dụng giá trị đó, đừng trói buộc tài năng của họ. Nhìn sang một số nước Đông Nam Á, Thái Lan có Chanathip; Singapore có hai anh em Irfan Fandi và Ikhsan Fandi từng thi đấu cho các CLB ở Thai-League hay Na Uy, hiện đều về khoác áo CLB BG Pathum United. Đội Indonesia có Egy Maulana Vikri”.

Cũng theo ông Đoàn Minh Xương: “Việc tìm CLB nước ngoài cho Hoàng Đức, theo tôi là dễ hơn Hải. Bởi Đức chơi ở phạm vi hoạt động rộng, dẫn dắt trận đấu nên dễ đáp ứng được nhu cầu của nhiều CLB. Còn Quang Hải là mẫu cầu thủ hết sức đặc biệt, có khả năng gây đột biến cao nhưng xung quanh Hải phải có những vệ tinh có khả năng phòng ngự tốt. Do đó, Hải nên chọn lựa những đội bóng thực sự phù hợp với năng lực của mình. Tôi cho rằng nếu được bước ra chân trời rộng mở ngoài kia, cả Quang Hải và Hoàng Đức sẽ phát triển tột độ về cả chuyên môn lẫn thể chất. Tuyển Việt Nam với những nhân tố được mài giũa ở môi trường đẳng cấp, chẳng phải có lợi lớn hay sao?”.

Cần đầu tư dài hạn đưa ra nước ngoài lứa U.21

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận xét: “Tôi rất vui khi nhìn thấy sự trưởng thành vượt bậc của các cầu thủ U.21 Học viện Nutifood ở giải bóng đá U.21 Thanh Niên. Điều đó cho thấy một khi làm bóng đá căn cơ, có chiều sâu, dinh dưỡng tốt thì sẽ hái quả ngọt. Tuy nhiên để lứa này đứng được một cách mạnh mẽ trên đôi chân của mình và phát triển tốt hơn lứa Công Phượng thì nên đầu tư đưa các em ra nước ngoài đào tạo thêm, cho tập luyện và thi đấu trong môi trường khoa học và chuyên sâu hơn. Vì đa số các em còn rất trẻ mới 18 - 19 tuổi, còn ở dạng tiềm năng, nếu bây giờ đưa lên đá giải hạng nhất với người trưởng thành thì rất dễ gặp lối đá “quái” của đàn anh, nhiễm vào cách chơi tiểu xảo thì rất khó đi lên một cách vững vàng.

Kinh nghiệm của lứa HAGL đôn lên đá V-League những năm 2015, 2016 thì nhiều cầu thủ bị “bơi” ngay và sau đó mai một dần, không còn hay như lúc trước. Để lứa tài năng này không bị thui chột, các cấp có trách nhiệm và quan trọng là Học viện Nutifood nên cân nhắc đầu tư sâu hơn thay vì đưa các em lên sân chơi chuyên nghiệp sớm, cần có đầu tư trọng điểm ở nước ngoài. Chỉ cần số cầu thủ của Học viện Nutifood cộng với những em tốt khác của PVF Hưng Yên, Viettel, Hà Nội hay HAGL được VFF chăm sóc từ bây giờ cho ra nước ngoài 2 năm, sau này chúng ta sẽ có một đội U.23 chất lượng tốt, vươn tầm và nhắm đến mục tiêu World Cup 2030.

T.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.