Tại sao khi bị đau mắt đỏ, mắt lại chuyển màu đỏ hoặc hồng?

Lê Cầm
Lê Cầm
13/09/2023 15:40 GMT+7

Bệnh đau mắt đỏ khiến các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm do vi rút xâm nhập sẽ dẫn đến tình trạng xung huyết gây nên màu đỏ, hoặc hồng trong mắt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng vùng kết mạc (màng mỏng trong suốt bao phủ trên lòng trắng mắt). Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm do vi rút, vi khuẩn xâm nhập sẽ dẫn đến tình trạng xung huyết gây nên màu đỏ, hoặc hồng mà chúng ta nhìn thấy.

Trong giai đoạn đầu khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, hoặc nước cất. Chú ý trước khi vệ sinh mắt cần rửa, sát khuẩn tay kỹ.

Tại sao khi bị đau mắt đỏ mắt lại có màu đỏ hoặc hồng  - Ảnh 1.

Khi các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị viêm dẫn đến xung huyết

LÊ CẦM

Gia tăng số ca khám đau mắt đỏ tại bệnh viện nhi

Ngày 13.9, bác sĩ Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 ca đau mắt đỏ. Từ tháng 7, 8 số ca đau mắt đỏ tăng lên lần lượt 321 - 351 ca. Riêng 12 ngày đầu tháng 9 (1.9 -12.9), bệnh viện ghi nhận 953 ca khám. Trong đó có ngày cao điểm 11.9, có 224 trẻ đến khám do đau mắt đỏ.

Theo HCDC, trong số trẻ em dưới 16 tuổi bị mắc bệnh viêm kết mạc trong 8 tháng đầu năm 2023 là 15.402 ca, chiếm 24,43% (cùng kỳ năm 2022 có 10.467 ca, chiếm 19,54% tổng số ca bệnh). Trong số trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm kết mạc, có 288 ca biến chứng, chiếm 1,87% (cùng kỳ năm 2022 có 241 ca biến chứng, chiếm 2,3% tổng số ca bệnh).

Hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay chiếm ưu thế là entero vi rút (86%), adeno vi rút chiếm (14%). Tác nhân entero vi rút gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adeno vi rút có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Thời gian khỏi bệnh tùy thuộc cơ địa, chế độ chăm sóc từng người

Thường bệnh sẽ khỏi sau khoảng 3-5 ngày, các trường hợp nặng hơn có thể kéo dài 7 -14 ngày.

"Thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào cơ địa, đề kháng, dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, cách chăm sóc mắt của từng người. Đặc biệt trong giai đoạn bệnh nên để mắt nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc máy tính, điện thoại nhiều", bác sĩ Tiến lưu ý.

Nếu mắt có tình trạng sưng đỏ, đau nhiều, chảy nhiều ghèn... cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám cho sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh phù hợp. Bác sĩ lưu ý tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị, gây ra nhiều hệ luỵ.

Trong trường hợp có học sinh đau mắt đỏ nghỉ học, nhà trường cần tiến hành khử khuẩn lớp học, bàn ghế, đảm bảo vệ sinh. Khuyến cáo học sinh không đưa tay lên mắt, dụi mắt.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.