Tại sao Google quay lại Trung Quốc là điều gây tranh cãi?

07/08/2018 16:08 GMT+7

Trung Quốc có hàng trăm triệu người dùng internet và là thị trường mua sắm trực tuyến rất phát triển. Đây là điều khiến nước này trở thành nơi mà các công ty công nghệ Mỹ không thể bỏ qua.

Thế nhưng, kế hoạch quay trở lại Trung Quốc bằng cách khởi chạy một ứng dụng tìm kiếm tuân thủ quy tắc kiểm duyệt của Bắc Kinh đang làm dấy lên các vấn đề về đạo đức đối với Google. Nguyên nhân là do ông lớn công nghệ Mỹ từ lâu đã được biết đến là người ủng hộ môi trường internet tự do và cởi mở. Cũng vì lập trường này mà hầu hết dịch vụ của Google, bao gồm Gmail và Google Play, đã bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2010.
Google Trung Quốc 1.0
Năm 2006, Google ra mắt google.cn, phiên bản công cụ tìm kiếm tiếng Trung tuân theo luật kiểm duyệt nghiêm ngăt của Bắc Kinh.
“Loại bỏ kết quả tìm kiếm vốn đã là việc làm đi ngược lại với sứ mệnh của Google, không cung cấp thông tin hoặc trải nghiệm người dùng bị suy giảm vì không có thông tin lại càng không phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi”, Google nói.
Mặc dù công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt, nhưng Google vẫn gắn cờ lên những thông tin bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm. Động thái này đã giúp người dùng internet ở Trung Quốc biết được đâu là thông tin họ không được phép nhìn thấy.
“Chúng tôi nhắc nhở người dùng ở Trung Quốc mỗi ngày rằng những gì họ đang xem chỉ là kết quả đã được chọn lọc”, Andy Tian, một cựu giám đốc công nghệ từng phụ trách về chiến lược và quan hệ đối tác di động cho Google ở Trung Quốc, hiện là giám đốc điều hành Asia Innovations, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phê bình vẫn phàn nàn rằng Google đã vi phạm phương châm hoạt động “Don’t Be Evil” (tạm dịch: Đừng làm điều xấu) của chính mình. Sự cống hiến của công ty đối với tự do internet đã bị lật đổ bởi thái độ sẵn lòng tuân thủ quy tắc kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc để đổi lấy cơ hội kinh doanh tại thị trường khách hàng khổng lồ.
[VIDEO] Google sẽ cung cấp máy tìm kiếm phù hợp với Trung Quốc ?
Tấn công và rút lui
Google đã chiến đấu với Baidu để giành thị phần. Ba năm sau khi ra mắt, hãng công nghệ Mỹ phải chật vật trong thị phần nhỏ bé cách xa đối thủ Trung Quốc. Mọi sự thay đổi vào tháng 1.2010 khi Google cáo buộc tin tặc Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tấn công Google và hơn 20 công ty phương Tây khác, cũng như đã xâm phạm tài khoản email của những người Trung Quốc sống ở nước ngoài bất đồng chính kiến với chính phủ. Mặc dù Bắc Kinh phủ nhận sự tham gia của họ vào các cuộc tấn công, nhưng vụ việc này đã tạo ra một cuộc chiến chính trị với Washington.
Tháng 3.2010, Google thông báo ngừng chạy dịch vụ Google.cn bị kiểm duyệt và bắt đầu định tuyến người dùng Trung Quốc sang phiên bản tìm kiếm không bị kiểm duyệt tại Hồng Kông. Giới học giả, sinh viên đại học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc dựa rất nhiều vào dịch vụ tìm kiếm của Google để truy cập thông tin không có sẵn trên những công cụ tìm kiếm trong nước như Baidu. Các doanh nghiệp phụ thuộc vào ứng dụng của Google như Google Documents và Gmail cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Google muốn quay lại Tường lửa
Alphabet, công ty mẹ của Google, năm 2015 quyết định thay đổi phương châm từ “Don’t Be Evil” thành “Do the Right Thing” (tạm dịch: Làm điều đúng đắn).
Từ quan điểm kinh doanh, việc quay trở lại Trung Quốc là điều phù hợp với Google. Hiện Google chỉ cung cấp một vài dịch vụ cho quốc gia châu Á, bao gồm Google Translate, một chương trình tổ chức tập tin và một trò chơi trí tuệ nhân tạo mới. Quảng cáo là nguồn thu chính của Google và 1,4 tỉ người dùng tiềm năng của Trung Quốc là con số khó có thể bỏ qua.
Song, về khía cạnh đạo đức, Google đã vấp phải không ít ý kiến phản đối từ các nhà phê bình và các nhóm ủng hộ nhân quyền. Họ cho rằng gã khổng lồ công nghệ này đã đồng ý tuân thủ theo ý muốn của chính quyền Bắc Kinh.
“Thực tế là Google sẽ phục vụ chính phủ Trung Quốc. Chính phủ đang theo dõi người dân, họ đang thu thập nhiều dữ liệu hơn và Google có thể sẽ được yêu cầu phải chuyển giao dữ liệu của người dùng cho chính phủ”, Lockman Tsui, cựu lãnh đạo về tự do ngôn luận của Google ở châu Á, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.