Tại sao giới trẻ lại mê mẩn thời trang second hand?

15/05/2023 09:30 GMT+7

Thời trang second hand là một cách để gen Z khẳng định cá tính đồng thời kiếm tiền theo cách của mình.

Thời trang được xem là một vòng tuần hoàn, mốt của nhiều năm trước có thể gây bão ở thời điểm hiện tại. Đó cũng là lý do tại sao phong trào tìm kiếm, sử dụng áo quần, giày dép cũ rộ lên thời gian gần đây. Những món đồ không còn được sản xuất được săn lùng và bán với giá rất cao nhưng vẫn có bạn trẻ mua. Xu hướng này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà trên thế giới cũng đang rất được ưa chuộng. Theo GlobalData, thị trường bán lại quần áo ở Anh đã tăng 149% từ năm 2016 đến năm 2022, dự báo sẽ tăng 67,5% từ năm 2022 đến năm 2026.

Tại sao giới trẻ lại mê mẩn thời trang second hand? - Ảnh 1.

Mua bán quần áo cũ đang được giới trẻ vô cùng yêu thích

chụp màn hình The Fashion Starter

Có thể thấy rằng sự bùng nổ của quần áo cũ phần lớn được thúc đẩy bởi gen Z. Một dự án nghiên cứu của Boston Consulting Group và trang web bán lại Vestiaire vào năm 2022 cho thấy nhóm người tiêu dùng này thường xuyên mua và bán đồ cũ. 

Trần Thanh Sang (26 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói: "Nhiều bạn trẻ đang tìm cách để nổi bật và thể hiện cá tính của mình. Thời trang luôn là một cách hay để làm điều này nhưng vẫn bảo vệ được hành tinh xanh".

Tại sao giới trẻ lại mê mẩn thời trang second hand? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ đi tìm đồ độc lạ ở chợ Đông Tác

HẰNG HÀ

Như Quỳnh (25 tuổi, ở Hà Nội), chủ shop second hand Hierachy chia sẻ: "Ban đầu mình chỉ đi nhặt nhạnh những chiếc quần áo hợp gu thời trang bởi mình thích phong cách đầu năm 2000. Mặc đẹp nên mọi người xung quanh cứ hỏi, mình quyết định mở bán luôn. Dù là đồ cũ nhưng sản phẩm chất lượng tốt, bền và giá cả hợp lý. Vì thời trang là đam mê nên được kiếm tiền từ sở thích cảm giác rất đã". Quỳnh cho biết cô thường đi tìm hàng hóa ở chợ Đông Tác, chợ Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) để bán.

Ở thời điểm hiện tại có nhiều món đồ cũ nhưng lại được bán với giá khá cao vì độc lạ có 1-0-2 cũng như được lựa chọn kỹ lưỡng từ chất liệu, kiểu dáng và nhãn hiệu. Hạnh Nhung (19 tuổi, ở Đà Nẵng) khẳng định: "Dù túi tiền rủng rỉnh nhưng mình vẫn thích tự tay đi xem áo quần cũ để có thể tìm ra thứ mình thích mà vẫn tiết kiệm. Đôi lúc còn khám phá ra được nhiều thứ từ thời ông bà trông vẫn vô cùng mới".

Tại sao giới trẻ lại mê mẩn thời trang second hand? - Ảnh 3.

Một chiếc quần vintage của thương hiệu Jean Paul Gaultier ra mắt năm 1997 nhưng vẫn còn mới qua 26 năm

HẰNG HÀ

"Có những chiếc quần, chiếc áo đến từ thương hiệu lớn như: Gucci, Chanel hay Jean Paul Gaultier nằm lẫn trong kiện quần áo cũ. Thời gian không hề khiến những món đồ đó cũ đi chút nào nên tại sao lại không cho chúng cơ hội thứ hai được tỏa sáng?", Duy Tâm, chủ shop 4389.thrift nói.

"Cũ người mới ta" - người tiêu dùng bán những thứ họ không còn muốn mặc nữa, kiếm tiền và tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn trong quá trình này. Thị trường đồ cũ là một cách hợp pháp để gen Z kiếm tiền theo cách riêng của họ. Theo báo cáo của thredUP, thị trường bán lại được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh gấp 11 lần so với bán lẻ quần áo trong vòng 5 năm tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.