Tại sao game online ngày xưa luôn có sức hút lạ thường ?

09/07/2018 11:13 GMT+7

Tuy sở hữu một nền đồ họa lỗi thời cùng giai điệu 8-bit đơn điệu nhàm chán, nhưng so với những tựa hiện nay thì game của những năm 2000 luôn để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng game thủ.

Đối với những game thủ  thời 8x, 9x đầu đời, những người đã dành biết bao nhiêu năm tháng trẻ tuổi của mình để theo đuổi niềm đam mê dành cho những tựa game mà mình yêu thích. Vì nhiều lí do khác nhau, việc chơi game luôn làm chúng ta trở nên cảm thấy hoài cổ, nhớ về những tháng ngày còn bé cầm trên tay chiếc Playstaion 1 chơi Mario hay mãi mê với những chiến Tank trên hệ máy NES huyền thoại. 

Những thứ cũ kĩ sẽ được thay bằng những thứ mới mẻ hơn, nhưng vẫn còn đó những người luôn nhớ về những thứ kinh điển, nhớ về phong cách retro gaming của nhiều năm về trước. Sau đây là những thứ luôn làm game thủ chúng ta cảm giác hoài cổ, nhớ lại những ngày còn bé ấy:

Giai điệu 8-bit vô cùng ấn tượng

Mọi game thủ đều biết rằng hình ảnh là thứ đầu tiên chúng ta tiếp nhận và gây ấn tượng nhất khi bắt đầu chơi một tựa game gì đó, nhưng cùng với đó âm nhạc là thứ làm cho game trở nên hoàn thiện và đáng nhớ hơn bao giờ hết. Với âm nhạc, một game giải đố có thể trở thành game nhập vai, hay từ game vui nhộn cũng có thể trở thành game kinh dị. Một yếu tố mà những game cũ luôn làm thỏa mãn chúng ta đó là âm nhạc, giai điệu 8-bit đó giờ đã thành thứ đặc trưng cho tuổi thơ trong mỗi game thủ, thách ai bây giờ mà nghe lại những bản nhạc của Pokémon, Pac-Man, hay Super Mario mà không nổi da gà.

So với những bản nhạc có phần “Epic” và đầu tư kỹ lưỡng hiện nay thì nhạc 8-bit đang dần chết mòn, nhưng nó vẫn luôn ở mãi trong tim nhiều người chơi.

Ngồi cạnh nhau và chơi cùng nhau

Đây chắc chắn là một điều mà thế giới game hiện đại khó có thể đem lại được. Ngày nay, game dường như xuất hiện trên mọi nền tảng, từ PC, tay cầm, cho đến điện thoại, internet là thứ kết nối con người, không còn cần thiết phải mặt chạm mặt để có thể cùng nhau chơi game nữa. Không còn như những ngày tháng cũ, cả đám con nít trong xóm túm tụm lại với nhau quanh chiếc PS1, "đấm đá" nhau trong Street Fighter, ai thua thì phải ra ngoài cho người khác chơi, mỗi lần thua như thế thì ức lắm, lại thèm muốn được chơi tiếp, biết bao nhiêu là cảm xúc. Game bây giờ chỉ cần ngồi nhà là gặp nhau được, tuy là vẫn giao tiếp được với nhau trong game, nhưng những cảm xúc ngày đó giờ làm gì còn nữa.

Sự đơn giản

Ai ai cũng nhận thấy rõ điều này, khi mà game ngày càng trở nên phức tạp hơn thì người chơi cũng phải phức tạp theo nó, chúng ta phải sử dụng nhiều thao tác, nhiều nút bấm hơn để truyền tải hành động vào trong game. Trong khi đó, tay cầm chơi game thật sự là một phát minh vĩ đại, không quá phức tạp mà cũng không quá thiếu thốn, tất cả đều cân bằng. Nghĩ kĩ mà xem, trong đa số những game cũ ít có game nào yêu cầu chúng ta thực hiện một hành động bằng tổ hợp nhiều hơn 3 nút, từ đó mà combo nút được sử dụng thường xuyên hơn. Mặt khác, những tựa game kinh điển như Tetris hay Pokémon Silver tuy có vẻ đơn giản nhưng nó đem lại trải nghiệm thật thú vị và vô cùng rõ ràng. Những game như thế đáng để chơi đi chơi lại nhiều lần vì chúng có cách chơi riêng của chúng. Nhiều game cũ nếu được đem ra đánh giá lại thì chúng vẫn là vàng thỏi cho tới ngày hôm nay.

Hơn thế nữa, nhà sản xuất luôn tâm lý khi mang đến một sản phẩm hoàn thiện nhất đến cho người chơi. Không hề có lỗi, không bắt mình phải trả thêm một bản mở rộng đắt tiền hay “vắt sữa” từng phiên bản đến mất chất như nhiều series Call of Duty hay Assassin’s Creed hiện tại.

Sửa lỗi cực kì dễ dàng

Nếu ai đã từng sở hữu những chiếc Playstaion 1 hay máy chơi game Nitendo, khi chúng bị vấn đề gì đó, điều đầu tiên các bạn sẽ nghĩ đến là sẽ tháo bung ra tất cả để rồi sau đó... thổi tung một một phát cho hết bụi. Và điều đó lại đúng, vì tất cả đều đơn giản, những chiếc hộp game như thế thường chỉ bị lỗi do bụi bám bẩn, chúng ta chỉ việc thổi đi và lau chùi là đã xong, lại ráp vào và bật lên chiến tiếp. Trong khi bây giờ, đa số các loại máy móc chứa nền tảng để chơi game  lại quá phức tạp, nào là phần mềm, nào là phần cứng, bạn không dại gì mà tự mình táy máy như hồi xưa nữa, đành phải đem ra tiệm.

Lỗi Red Ring of Death trên Xbox 360 từng khiến nhiều game thủ đau đầu.

Còn bạn thì sao, những hình ảnh trên có làm bạn thấy lại một phần tuổi thơ của mình, hãy chia sẻ với chúng tôi bên dưới nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.