Tại sao cứ phải đấu thầu?

Duy Tính
Duy Tính
07/10/2022 13:40 GMT+7

Tại sao cứ phải đấu thầu? Tại sao phải mất thời gian, công sức vào đấu thầu? Đó là những câu hỏi được đặt ra tại buổi khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM với Sở Y tế và 25 bệnh viện diễn ra hôm nay (7.10) tại TP.HCM.

Ngày 7.10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập TP.HCM giai đoạn 1.1.2020 – 30.6.2022 và góp ý dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi; dự thảo luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.

Chuẩn bị thuốc phát cho bệnh nhân ở khoa dược bệnh viện

DUY TÍNH

Liên quan đến chủ đề đấu thầu, phát biểu tại buổi khảo sát, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, hiện nay các bệnh viện tốn rất nhiều công sức trong đấu thầu mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị.

Theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, quanh năm suốt tháng cứ đấu thầu, thậm chí có cả những vật dụng của hành chính quản trị. Liệu rằng chúng ta có nghĩ đến phương án bỏ đấu thầu không, bởi các nước châu Âu đã thực hiện rồi.

"Tại sao chúng ta cứ phải đi vào con đường đấu thầu, trong khi đó nếu ngay từ đầu vào chúng ta quản lý tốt về giá. Thí dụ, 1 loại thuốc đưa vào Việt Nam thì từ bắc chí nam đều mua 1 giá, tại sao không làm?", PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt câu hỏi.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ thêm: "Chúng tôi được đào tạo là bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng, hộ sinh chứ không được đào tạo về kinh tế nhưng nhiệm vụ thì phải đấu thầu. Có những sai sót mà trong thời gian vừa qua mất người tài trong lĩnh vực y tế thì đáng tiếc. Điều này cần suy nghĩ để có đột phá để bệnh viện thay vì dành thời gian đấu thầu tập trung vào chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân".

Còn theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: "Chúng ta cứ theo đấu thầu thuốc giá rẻ hoài. Chúng ta mất thời gian, công sức và cả con người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vào đấu thấu. Chúng ta có dám để vào trong luật "không bắt buộc phải đấu thầu” mà có nhiều cơ chế cho bệnh viện được chọn không?".

“Tôi nói thật, tôi ao ước gì các bệnh viện công lập được hoạt động theo cơ chế giống như bệnh viện tư nhân. Được quyền định đoạt mua sắm miễn làm sao đảm bảo mục tiêu lo được cho bệnh nhân và bệnh nhân hài lòng, còn chi trả là do bảo hiểm y tế. Nhưng chi trả làm sao cho đúng theo giá thị trường thì phải xem lại cơ chế hoạt động, phát triển mô hình y tế cơ bản, bảo hiểm y tế dịch vụ. Không thể nào đòi hỏi chuyện ngon, bổ mà lại rẻ, không bao giờ có”, PGS-TS Phong Lan nói.

"Về đấu thầu thuốc, thuốc đàm phán giá cấp Quốc gia thì có thể xem xét giao cho các tỉnh đàm phát 1 số thuốc để rút ngắn thời gian; thậm chí cho 1 số bệnh viện đủ lực tham gia đàm phán giá. Mặt khác, hiện nay, mỗi năm 1 bệnh viện mất 4-6 tháng để đấu thầu, nên chăng kéo dài thời gian đấu thầu, 2 năm đấu thầu 1 lần được không? Bởi vì 2 năm chênh lệch giá không nhiều, trừ khi có dịch bệnh"

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.