Tại sao công dân Trung Quốc ở Pakistan bị tấn công ngày càng nhiều?

Văn Khoa
Văn Khoa
01/09/2021 18:55 GMT+7

Giới chuyên gia chỉ ra một số lý do số vụ tấn công của những nhóm ly khai nhắm vào các công dân Trung Quốc ở Pakistan gia tăng, trong khi hai nước là đối tác chiến lược.

Trung Quốc lâu nay nằm trong sự chú ý của các nhóm tay súng người Pakistan, nhưng mức độ các cuộc tấn công nhắm vào công dân Trung Quốc dường như ngày càng tăng trong thời gian gần đây, theo bài bình luận được đăng trên tạp chí Foreign Policy (Mỹ) ngày 27.8.
Đây là bài bình luận của ông Abdul Basit, nhà nghiên cứu tại Trung tâm quốc tế nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chính trị thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore). Hai tác giả cho rằng dù Bắc Kinh và Islamabad là bạn bè thân thiết và là đối tác chiến lược, Pakistan vẫn là nơi có số vụ tấn công khủng bố lớn nhất nhắm vào công dân Trung Quốc trong bất kỳ quốc gia nào.

Vụ tấn công mới nhất

Hai tác giả Basit và Pantucci cho rằng vụ tấn công ở thành phố cảng Gwadar thuộc tây nam Pakistan vào ngày 20.8 là vụ mới nhất nhắm vào người Trung Quốc. Vụ tấn công do tổ chức vũ trang Quân Giải phóng Balochistan (BLA) tiến hành. BLA đóng ở Afghanistan nhưng chủ yếu hoạt động ở tỉnh Balochistan của Pakistan và bị Pakistan cũng như Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. BLA nhiều lần nhắm vào những mục tiêu Trung Quốc được chú ý nhiều ở Pakistan, trong đó có Lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi, thành phố lớn nhất ở Pakistan và là thủ phủ tỉnh Sindh, hồi tháng 11.2018. Vụ tấn công khiến 2 cảnh sát và 2 dân thường Pakistan cùng 3 kẻ tấn công thiệt mạng; không có người Trung Quốc nào nằm trong số đó.

Lực lượng dân quân và cảnh sát đến hiện trường trong vụ tấn công Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Karachi, Pakistan hồi tháng 11.2018

Reuters

Trong vụ tấn công hôm 20.8, phát ngôn viên Liaquat Shahwani của chính quyền Balochistan cho hay một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công chiếc xe chở nhiều người Trung Quốc ở Gwadar, theo Tân Hoa xã. Vị phát ngôn viên khẳng định vụ tấn công đã khiến 2 trẻ em chơi gần đó thiệt mạng và 3 người khác bị thương, trong đó có một công dân Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan cũng xác nhận có một công dân Trung Quốc bị thương trong vụ đánh bom tự sát. Trong khi đó, BLA khẳng định nhóm này đã giết chết 6 công dân Trung Quốc và 3 nhân viên bảo vệ trong vụ tấn công hôm 20.8 ở Gwada, theo hai tác giả Basit và Pantucci.
Đó là vụ tấn công thứ tư nhắm vào công dân Trung Quốc ở Pakistan từ đầu năm đến năm nay. Vào ngày 14.7, xe buýt của một công ty Trung Quốc chở nhân viên làm cho dự án đập thủy điện Dasu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa bị đánh bom khi đang chở họ đến công trường, khiến 9 công dân Trung Quốc và 3 người Pakistan thiệt mạng, theo thông báo được đăng trên website của Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan. Chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công.
Khoảng 2 tuần sau, một tay súng thuộc nhóm ly khai, được gọi là Mặt trận giải phóng Baloch, cũng hoạt động chủ yếu ở tỉnh Balochistan, tấn công xe hơi chở 2 kỹ sư Trung Quốc ở Karachi, khiến một người trong số đó bị thương. Hồi tháng 3, một nhóm ly khai ở tỉnh Sindh đã làm bị thương một công dân Trung Quốc trong vụ tấn công bằng súng, cũng ở Karachi. Vụ đó xảy ra theo sau 2 vụ tương tự vào tháng 12.2020.

Lo sợ Trung Quốc chiếm đoạt tài nguyên?

Trong bài bình luận, hai chuyên gia Basit và Pantucci cho rằng một số nhóm ly khai ở Pakistan xem Trung Quốc là nước theo chủ nghĩa thực dân mới đang chiếm đoạt tài nguyên và hợp tác với đối thủ của họ là nhà nước Pakistan để làm xấu thêm tình trạng kinh tế xã hội của họ vốn đã rất khó khăn. Quan điểm này được thể hiện rõ trong tuyên bố nhận trách nhiệm của Mặt trận giải phóng Baloch về vụ tấn công công nhân Trung Quốc ở Karachi nói trên.
“Khi tham gia các dự án phát triển, Trung Quốc không chỉ câu kết với nhà nước Pakistan trong việc thu gom tài nguyên của người Baloch mà còn tiếp tay ngược đãi cộng đồng Baloch”, Mặt trận giải phóng Baloch khẳng định trong tuyên bố.

Một binh sĩ Pakistan canh gác tại cảng Gwadar ở tỉnh Balochistan hồi tháng 4.2016. Trung Quốc đang tham gia phát triển cảng Gwadar

Reuters

Cũng theo bài phân tích trên, các nhóm thánh chiến lâu nay ít tập trung nhắm vào Trung Quốc vì họ xem Mỹ và các nước phương Tây khác là kẻ thù chính. Tuy nhiên, ngày càng có sự gia tăng về những câu chuyện tuyên truyền nhắm tới Trung Quốc và khuynh hướng này được cho là có liên quan đến cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương.
Hai tác giả Basit và Pantucci dự đoán rằng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban lên nắm quyền, tình hình sắp tới có thể tồi tệ hơn đối với Bắc Kinh. Hai ông lập luận trong 2 thập niên qua, sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan đã giúp kiểm soát được mối đe dọa khủng bố ở nước này, đồng nghĩa Trung Quốc không cần phải tập trung quá nhiều vào những thách thức an ninh.
Với việc Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, kết thúc vào ngày 30.8, vùng đệm an ninh đó đối với Trung Quốc không còn nữa, vì một số nhóm khủng bố vẫn còn hiện diện ở Afghanistan.
Vào cuối tháng 7, khoảng 2 tuần trước khi Taliban tiến vào Kabul và giành quyền kiểm soát Afghanistan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp một phái đoàn Taliban ở thành phố Thiên Tân, kêu gọi lực lượng này cắt đứt quan hệ với tất cả nhóm khủng bố.
Taliban được cho là có mối liên hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một nhóm ly khai bị Bắc Kinh cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công ở Khu tự trị Tân Cương. Nhiều người vẫn còn nghi ngờ Taliban, nhớ lại sự cai trị tàn bạo của lực lượng này trong thập niên 1990, và bày tỏ lo lắng về an ninh của Tân Cương, theo tờ South China Morning Post
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.