Tài sản ảo NFT giữa cơn sốt tỉ đô

15/05/2022 06:23 GMT+7

Tăng trưởng bùng nổ trên thế giới trong năm 2021 với giá trị giao dịch được cho là lên đến hàng chục tỉ USD, tài sản ảo NFT cũng dần nóng lên tại VN nhưng các diễn biến 'nóng lạnh' bất thường cùng với việc chưa có khung pháp lý rõ ràng thì người tham gia đầu tư đứng trước nhiều rủi ro.

NFT là gì?

Theo tạp chí Forbes, NFT được viết tắt cho cụm từ “non-fungible tokens” (tạm dịch là: mã thông báo không thể thay thế), được hiểu đơn giản là tài sản kỹ thuật số đại diện cho các đối tượng trong thế giới thực như tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật phẩm trong trò chơi và video…

Bức ảnh NFT ghép được ghép từ 5.000 hình ảnh do nghệ sĩ Beeple chụp đã được bán với giá 69,3 triệu USD

Beeple

Thông qua việc mã hóa, mỗi tài sản NFT sẽ có chữ ký số riêng biệt và vì thế nó có tính độc nhất hoặc ít nhất thì số lượng cũng rất giới hạn. Nhờ đó, một tác phẩm nghệ thuật hay một bản nhạc, đoạn clip… dưới dạng NFT sẽ không bị nhân bản hay sao chép như các nội dung số lâu nay, đồng thời chứa xác thực tích hợp, dùng làm bằng chứng về quyền sở hữu.

Thị trường tài sản ảo toàn cầu đang bùng nổ

shutterstock

Qua đó, các nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung có cách thức khác để kiếm tiền từ sản phẩm của mình. Ví dụ, các nghệ sĩ không còn phải dựa vào các phòng trưng bày hoặc nhà đấu giá để bán tác phẩm của họ, mà họ có thể bán nó trực tiếp cho người tiêu dùng dưới dạng NFT. Đổi lại với người mua, thay vì nhận được một bức tranh sơn dầu thực tế để treo trên tường, thay vào đó, người mua nhận được một tệp tin kỹ thuật số. Ngoài ra, các nghệ sĩ có thể lập trình vào tài sản NFT để sẽ nhận được một phần doanh thu bất cứ khi nào tác phẩm của họ được bán cho chủ sở hữu mới.

NFT đang bùng nổ trong nhiều lĩnh vực

TL

Hay một ai đó cũng có thể mua NFT gắn liền với các vật phẩm trong trò chơi, chẳng hạn như một bộ quần áo độc quyền cho nhân vật trong trò chơi.

Do có thể xác thực tính thật giả, quyền sở hữu rõ ràng nên việc giao dịch mua bán các tài sản NFT, nhất là với các tác phẩm nghệ thuật mà tính thật giả rất quan trọng, được cho là có tính minh bạch cao hơn. Bản thân người bán cũng có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và hưởng thành quả ngay cả sau khi đã bán cho người mua đầu tiên.

Vì thế, dù được mã hóa dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) như tiền “ảo” (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số - cryptocurrency), nhưng NFT có tính “độc bản” cao hơn. Ví dụ, các Bitcoin đều có giá trị như nhau thì từng NFT đều khác nhau.

Tài sản số NFT được mua và bán trực tuyến, phần lớn được giao dịch bằng các loại tiền điện tử - mà chủ yếu là tiền điện tử Ethereum. Vì thế, để giao dịch các NFT thì người mua/bán cần có tài khoản tiền điện tử.

NFT là gì mà gây sốt toàn cầu?

Tăng trưởng phi mã

Mặc dù xuất hiện từ năm 2014, nhưng đến năm 2021 thì NFT chính thức bùng nổ mạnh mẽ không chỉ với những tác phẩm nghệ thuật.

Nhiều NFT có giá trị lên đến hàng triệu USD, thậm chí hàng chục triệu USD, một cách khó hiểu. Điển hình, đầu năm 2021, chỉ sau khoảng 2 tuần công bố đấu giá NFT là dòng tweet đầu tiên của thế giới, Tổng giám đốc điều hành Công ty Twitter khi đó là ông Jack Dorsey, thông báo đã bán được NFT vừa nêu với giá 2,9 triệu USD (khoảng 70 tỉ đồng). Cũng vào năm ngoái, bức ảnh NFT ghép được ghép từ 5.000 hình ảnh do nghệ sĩ Beeple chụp đã được bán với giá 69,3 triệu USD (hơn 1.500 tỉ đồng) bởi nhà tổ chức bán đấu giá Christie’s (Anh).

Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là thiếu cơ sở nền tảng để định giá hầu hết NFT. Nhiều quyết định mua trong các giao dịch được cho là chủ yếu dựa trên cảm xúc người mua, chứ không có cơ sở định giá cụ thể. Vì thế, có những NFT giá chỉ vài chục cent nhưng cũng có NFT giá trị hàng chục triệu USD.

Trong năm 2021, NFT nhanh chóng trở thành mô hình nổi trội để mua và bán tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Nhờ đó, thị trường NFTs đã trị giá đáng kinh ngạc 41 tỉ USD trong năm 2021, một con số gần bằng tổng giá trị của toàn bộ thị trường mỹ thuật toàn cầu, theo Forbes. Tuy nhiên, con số 41 tỉ USD vừa nêu chỉ mang tính tham khảo chứ chưa phải là sự định giá chính thức.

Thực tế, thống kê giá trị giao dịch trên thị trường thực của NFT đang có sự khác biệt về số liệu giữa các nguồn công bố. Nguyên nhân là vì tùy theo đơn vị thống kê, giám sát dữ liệu tính toán dựa trên các nguồn, sàn giao dịch khác nhau thì dẫn đến kết quả khác nhau.

Điển hình, vào tháng 3.2022, CNBC dẫn báo cáo từ Công ty dữ liệu Nonfungible.com (theo dõi các giao dịch qua tie62 Ethereum) thì giá trị giao dịch NFT của toàn cầu đạt 17,6 tỉ USD trong năm 2021, tăng trưởng hơn 210 lần so với mức 82 triệu USD của năm 2020. Trong khi đó, vào tháng 1.2022, Reuters dẫn nguồn báo cáo của DappRadar - đơn vị theo dõi thị trường dữ liệu - thì giao dịch NFT trong năm 2021 đạt xấp xỉ 25 tỉ USD. Còn thống kê của một đơn vị khác là CryptoSlam thì giá trị giao dịch NFT trong năm 2021 đạt 18,3 tỉ USD trên toàn cầu. Theo tờ Financial Times, NFT đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhiều công ty tài chính, ngân hàng.

Bùng nổ khắp thế giới

Trước sự tăng trưởng và bùng nổ phi mã của NFT đang tạo sức hút để nhiều công ty trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau tham gia chứ không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nghệ thuật, video clip, hình ảnh… Điển hình, các thương hiệu toàn cầu như Starbucks, Coca Cola… dự kiến sẽ giới thiệu các sản phẩm số dưới hình thức NFT. Trong đó, Coca Cola có kế hoạch tung ra các NFT là các trang phục được dùng cho những nhân vật trong thế giới ảo để kết hợp cùng xu thế phát triển của Metaverse.

Không những vậy, nhiều công ty cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng cũng đang hướng đến xu thế NFT. Mới đây, tại VN, một công ty cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng và một đối tác công nghệ blockchain ký kết hợp tác phát triển NFT. Qua đó, hai bên tạo ra các NFT cho mỗi đêm tại khách sạn, các ngày thuê trên Airbnb, cùng các sản phẩm du lịch liên quan. Các NFT như vậy sẽ được đăng và giao dịch trên sàn giao dịch để khách đã đặt phòng, dịch vụ du lịch nếu không thể sử dụng thì có thể bán hoặc hoán đổi lại các ngày đã đặt phòng, các dịch vụ thông qua sàn giao dịch NFT.

Thậm chí, các tác phẩm giải trí còn được phát hành dưới dạng NFT để “góp vốn” hay “cổ phần hóa”. Điển hình, ca sĩ BinZ vừa qua đã hợp tác cùng Tuniver - một công ty chuyên về blockchain đã ra mắt bộ sưu tập NFT cho ca khúc mới của BinZ là Don’t Break My Heart. Theo đó, bản quyền bài Don’t Break My Heart được chia thành các NFT với 4 hạng khác nhau và mỗi hạng tương ứng với 4 mức tỷ lệ chia sẻ doanh thu bản quyền thu được. Đây là một hình thức sử dụng NFT để “cổ phần hóa” các tác phẩm, tác giả có thể sớm thu về một khoản tiền từ việc bán NFT còn người mua thì có thể đầu tư để tìm kiếm nguồn thu lâu dài.

Tuy nhiên, thị trường NFT cũng chứa đựng những rủi ro, thậm chí còn “nóng lạnh” bất ổn do thiếu một cơ sở định giá cơ bản, tương tự tình trạng tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Gần đây, nhiều NFT đã rớt giá nhanh chóng. Ví dụ, theo tờThe New York Post, mức giá sàn NFT thuộc bộ sưu tập Bored Ape Yacht đã giảm 25% chỉ trong 1 tuần. Bên cạnh đó, nhiều cảnh báo cho rằng NFT có thể đứng trước những rủi ro rớt giá thảm bại sau khi bùng nổ cơn sốt một cách bất ổn.

Theo Bộ TT-TT, Thủ tướng vào cuối tháng 3 đã giao Bộ TT-TT chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Trước đó, trong tờ trình Chính phủ về đề xuất xây dựng luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ TT-TT cho rằng dự luật này rất cần thiết, là hành lang pháp lý để ngành công nghiệp số tiếp tục phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

Theo kinh nghiệm nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, để phát triển các ngành công nghệ cao như CNTT, công nghệ số, các quốc gia đều đầu tư xây dựng và vận hành các trung tâm tính toán hiệu năng cao để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, của khu vực, góp phần tăng năng lực công nghệ của đất nước. Trong khi đó, VN hoàn toàn chưa có những quy định, chính sách để phát triển loại hạ tầng kỹ thuật quan trọng này.

Mai Hà

Các NFT được bán với giá kỷ lục

Theo chuyên trang Grow Following cập nhật đến ngày 14.5, những NFT đắt nhất từng được giao dịch có đặc điểm chung là vượt khỏi tầm một hình ảnh hay đoạn phim thông thường.

Đắt nhất là tác phẩm The Merge của một nghệ sĩ chưa xác định tự nhận là Pak, người nổi tiếng trong cộng đồng NFT, với những tác phẩm mang tính biểu tượng, được bán vào tháng 12.2021 với giá 91,8 triệu USD.

Thứ 2 là tác phẩm Everydays - The First 5000 days của tác giả Mike Winkelmann, còn gọi là Beeple, được bán vào tháng 3.2021 với giá hơn 69 triệu USD. Tác phẩm này gồm 5.000 bức ảnh chụp từ năm 2007 - 2020.

Xếp thứ 3 là NFT mang tên Clock, thể hiện số ngày mà nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange bị giam giữ với cáo buộc tấn công mạng máy tính và các cáo buộc khác. Clock do Pak sáng tạo với sự phối hợp của ông Assange được bán với giá 52 triệu USD vào tháng 2 và tiền thu được sẽ dùng để trang trải chi phí biện hộ cho ông Assange.

Bên cạnh đó, các NFT được bán với giá trên 20 triệu USD còn có Human One của Beeple được bán giá 28,9 triệu USD vào tháng 11.2021 và Cryptopunk #5822 của Công ty Larva Labs (Mỹ) bán với giá 23,7 triệu USD vào tháng 2.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.