Tai nạn giao thông: rủi ro hay tất yếu?

06/03/2016 23:00 GMT+7

Có một “cuộc chiến” trong thời bình, gây ra chết chóc tang thương không kém những cuộc chiến khác: tai nạn giao thông. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: ‘Đó chỉ là rủi ro hay là sự tất yếu’

Có một “cuộc chiến” trong thời bình, gây ra chết chóc tang thương không kém những cuộc chiến khác: tai nạn giao thông. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: ‘Đó chỉ là rủi ro hay là sự tất yếu’

Chỉ trong 8 ngày tết, hơn 200 người chết vì tai nạn giao thông - Ảnh: Hà AnChỉ trong 8 ngày tết, hơn 200 người chết vì tai nạn giao thông - Ảnh: Hà An
Những “cỗ máy chết chóc”…
Phải gọi nó là tai hoạ khủng khiếp thì đúng hơn, khi mà cứ mỗi ngày lại cướp đi vài chục nhân mạng và làm hàng trăm con người khác phải tàn tật, thương tích, một loại tai hoạ mà dường như xã hội chưa có cách giảm trừ…
Ai đã từng xem đoạn phim tai nạn giao thông ở Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội, chắc cũng phải rùng mình kinh sợ khi nhìn cảnh các nạn nhân bị bắn tung lên trời khi chiếc xe do một kẻ điên cuồng điều khiển đâm vào họ. Cứ nhìn thấy những cảnh tượng ám ảnh thế, chắc nhiều người buộc phải đồng ý với những ý kiến cho rằng các chiếc xe mỹ miều, thời trang kia trong thoáng chốc hoàn toàn có thể biến thành những “chiếc quan tài di động” hay những “cỗ máy chết chóc” như cách nhiều người Mỹ hay gọi.
Hàng năm, các “cỗ máy chết chóc” ấy cứ “sản xuất” đều đặn khoảng 9.000 cái chết và làm tàn phế cả chục ngàn người ở nước ta. Ấy thế mà việc sản xuất và nhập khẩu chúng cứ mỗi năm lại một tăng. Cho đến giờ, số lượng các xe máy được quản lý trong cả nước đã lên đến gần 45 triệu chiếc, có nghĩa trung bình khoảng hai người Việt thì có một xe máy, và số xe hơi vào khoảng gần ba triệu chiếc.
Rủi ro hay tất yếu?
Với một số lượng xe cộ khổng lồ và hàng năm cứ không ngừng tăng lên như thế, nhưng số lượng đường sá, hệ thống giao thông lại có mức tăng rất nhỏ giọt. Như những tổng kết của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, ý thức, văn hoá người tham gia giao thông ngày càng xuống cấp. Luật pháp thì bất cập, chưa đủ sức giáo dục, răn đe. Với những nguyên nhân đó, số tai nạn giao thông ở mức cao dường như là điều tất yếu chứ chẳng còn là chuyện rủi ro…
Theo quan niệm phổ biến cho đến nay của xã hội, tai nạn giao thông thường là chuyện ngẫu nhiên, xui rủi mà ra. Thế cho nên hiện nay, các mức chế tài hay xử phạt thường khá nhẹ. Quan niệm này có lẽ đã đến lúc cần thay đổi.
Và đối với một loại tai hoạ, nếu đã biết nguyên nhân mà không có “phương thuốc” chữa chạy, thì đó có lẽ nên được gọi đúng tên là sự bất lực, bất tài…
Hãy lấy ví dụ điển hình như vụ tai nạn ở Ái Mộ. Theo điều tra ban đầu thì gã lái xe bất nhân gây tai nạn ấy không có bằng lái và tự khai là có uống rượu trước khi điều khiển chiếc xe của khách hàng. Với các yếu tố trên, việc gã tội phạm sau tay lái này gây tai nạn làm chết người không còn là chuyện rủi ro mà là điều tất yếu, và vẫn còn là may khi số nạn nhân tử vong chỉ dừng lại con số ba người…
Bởi chỉ với tội là uống rượu khi lái xe, dù đã là tài xế lâu năm giàu kinh nghiệm, thì người ta cũng đã có thể gây tai nạn giao thông rồi. Theo các thống kê, có đến 70% số tai nạn giao thông liên quan đến việc đã uống rượu bia khi lái xe. Như dịp tết, con số người chết trung bình vì lái xe gây tai nạn sau tiệc tùng lên đến 35 người mỗi ngày.
Thời gian gần đây, các báo thường bình thản giật những cái tít ghê rợn về các tai nạn giao thông theo kiểu hai xe chạy ngược chiều đâm nhau trực diện là hai xe “đấu đầu”. Cần mở ngoặc nói thêm là cũng trong ngày 29.2, ngày xảy ra tai nạn ở Ái Mộ, ở Hà Giang có tai nạn hai xe “đầu đầu” làm chết bốn người. Trong các tại nạn “đấu đầu” ấy, đa số là các xe do các tài xế sống bằng nghề lái xe điều khiển, như xe khách, xe ben, xe cần cẩu, và số tử vong trong các tai nạn này thường rất cao. Vấn đề ở chỗ là để “đấu đầu”, phải có một hoặc cả hai xe đã chạy với tốc độ cao và lấn sâu sang phần làn đường của xe đối diện. Đó cũng chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên hay xui rủi, vì với những tên tài xế có cách lái xe vô lương tâm kia, chuyện “đấu đầu” có lẽ cũng khó tránh khỏi trong một ngày nào đó...
Hết thuốc chữa?
Thật ra, trên bình diện xã hội ở các nước đã phát triển, tai nạn giao thông được xem như những “rủi ro xã hội” như các loại thiên tai và “nhân tai” khác như bão tố, lũ lụt, động đất, tội phạm… Họ đã có những nghiên cứu khoa học về các rủi ro xã hội này và đã đề ra những biện pháp hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại của các rủi ro này nếu chúng vẫn xảy ra. Đó là điều mà các nhà xã hội học gọi là “quản lý rủi ro”.
Có thể lấy ví dụ điển hình như luật pháp Mỹ xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu bia. Ai đã ở Mỹ đều biết họ đã xử phạt nghiêm khắc tội danh này như thế nào, cho dù chỉ là có sử dụng rượu bia mà chưa gây ra tai nạn. Họ có những mức xử phạt không chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của người vi phạm, mà cả đến công ăn việc làm và cả việc xử lý hình sự nếu như tái phạm.
Ở nước ta, pháp luật về xử phạt vi phạm giao thông đều khá đủ nhưng có lẽ chưa đạt được mức nghiêm minh cho cả người vi phạm lẫn người xử phạt. Tương đối phổ biến là việc những người tham gia giao thông thường chỉ chấp hành luật khi có mặt người xử phạt và thường chơi trò “cút bắt”, “trốn tìm” với các lực lượng này. Các mức xử phạt đưa ra cũng thường bị “vô hiệu hoá” bởi thói quen “làm luật” (hối lộ) của người vi phạm đối với người xử phạt…
Do vậy, vấn đề đối với các cơ quan hữu quan có lẽ là xét từng nhóm nguyên nhân gây ra loại rủi ro xã hội này và từng bước kiên quyết khắc phục. Bởi chẳng có lý do gì để xã hội phải đổ quá nhiều xương máu cho một loại tai hoạ xã hội, cho dù đó là tai nạn giao thông.
Và đối với một loại tai hoạ, nếu đã biết nguyên nhân mà không có “phương thuốc” chữa chạy, thì đó có lẽ nên được gọi đúng tên là sự bất lực, bất tài…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.