Tái diễn đòi nợ kiểu “xã hội đen”

09/04/2020 07:30 GMT+7

Mặc dù công an khẳng định hành vi đòi nợ bằng cách ném mắm tôm, tạt sơn, dọa giết... là vi phạm pháp luật, nhưng thực tế nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” này vẫn tái diễn.

Sau khi nhóm người ném chất bẩn vào quán phở Hòa (Q.3, TP.HCM) ép trả nợ bị Công an TP.HCM bắt giữ vào tháng 8.2019, nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” dường như lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, các băng nhóm đòi nợ vẫn không dừng tay.

Một công ty bất động sản liên tục bị khủng bố đòi nợ bằng sơn, chất bẩn

Mới đây, Công ty CP bất động sản V.A.P có trụ sở chính tại đường Phan Đăng Lưu, P.7, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đã gửi đơn, hình ảnh đến Công an TP.HCM, Công an Q.Phú Nhuận, Q.3 cầu cứu vì bị một công ty đòi nợ liên tục khủng bố tinh thần, ép phải trả nợ.

Nhóm người của ông M. tập trung trước nhà bà T. (Q.Tân Phú) để đòi tiền thua cá độ bóng đá của chồng bà T.

Ảnh: cắt từ clip

Công ty cầu cứu công an

Theo ông L.P.Kh (Giám đốc Công ty V.A.P), tháng 3.2018, ông có hợp đồng với Công ty K. (Q.7, TP.HCM) xây dựng căn nhà tại tỉnh An Giang với tổng giá trị 14,4 tỉ đồng. Theo hợp đồng, thời gian mà Công ty K. giao nhà cho ông Kh. là 4 - 5 tháng. Sau đó, ông Kh. cho rằng Công ty K. thi công kéo dài 12 tháng, nhiều thiết bị trong nhà không đảm bảo chất lượng như cam kết ban đầu, nhiều hạng mục tại nhà hư hỏng nhanh nên phát sinh tranh chấp. Ông Kh. đã thanh toán cho Công ty K. gần hết số tiền như trong hợp đồng, chỉ giữ lại 4% (khoảng 600 triệu đồng) trong thời gian Công ty K. bảo trì. Nhiều lần làm việc với Công ty K. không thành, ông Kh. quyết định nộp đơn khởi kiện công ty này ra TAND Q.7 và tòa đã thụ lý.

Công ty đòi nợ chủ yếu là xã hội đen, lợi dụng cho vay nặng lãi

Liên quan đến dịch vụ đòi nợ, đại diện cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin, qua rà soát hiện có 217 doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM nhưng trên thực tế không đơn vị nào sử dụng hình thức kinh doanh này một cách lành mạnh. “Chủ yếu là xã hội đen, lợi dụng cái này để cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao; thực tế là tổ chức tín dụng đen, khiến tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Trong khi đó, đóng góp của lĩnh vực này với nền kinh tế không đáng bao nhiêu so với những gì phải bỏ ra khắc phục”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết việc thiết kế thế nào để quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này, tránh các hệ quả tiêu cực cũng là “thách thức lớn cho cơ quan soạn thảo”.  
 Lê Hiệp
Cuối năm 2019, nhóm người mặc đồng phục của một công ty thu hồi nợ đi ô tô đến trụ sở Công ty V.A.P đưa ra giấy ủy quyền của Công ty K. (do bà N.M.T, chức vụ kế toán, ký tên), yêu cầu ông Kh. trả số tiền 600 triệu đồng. Theo ông Kh., việc tranh chấp giữa cá nhân ông với Công ty K. là tranh chấp dân sự, tòa án đang thụ lý, không liên quan đến Công ty V.A.P. Thế nhưng công ty đòi nợ tìm đến chi nhánh Công ty V.A.P (đường Võ Thị Sáu, P.7, Q.3) gây rối, lớn tiếng yêu cầu gặp giám đốc để đòi nợ. Ông Kh. không chịu gặp thì nhiều lần chi nhánh Công ty V.A.P tại Q.3, Q.Phú Nhuận bị người lạ ném sơn, chất bẩn vào đêm khuya. Các vụ tạt sơn gần đây vào các ngày 17, 20, 30.3. “Ban ngày thì nhóm người mặc đồng phục công ty đòi nợ đến đậu xe trước công ty, lớn tiếng chửi bới, thách thức làm ảnh hưởng đến giao dịch của công ty. Ban đêm, người lạ mặt đi xe đến ném sơn, chất bẩn vào bên trong cổng 2 chi nhánh của công ty”, ông Kh. cho biết.
Sau những lần công ty của ông Kh. bị ném sơn, chất bẩn, Công an P.7 (Q.3) và P.7 (Q.Phú Nhuận) đều xuống ghi nhận vụ việc, lập hồ sơ, thu giữ những hình ảnh liên quan. Về vụ việc này, Công an Q.3, Công an Q.Phú Nhuận đã tiếp nhận hồ sơ ban đầu của phường chuyển lên, cũng mời ông Kh. lên làm việc, thu thập thông tin, chứng cứ để điều tra, truy bắt những người liên quan.
Tái diễn đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Sơn, chất bẩn dính lên tường, ô tô của Công ty V.A.P (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Ảnh: CTV

Người dân hoảng sợ

Không những công ty mà người dân cũng đang là nạn nhân. Theo đó, đầu tháng 4.2020, bà N.T.T (ngụ P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) gửi đơn cầu cứu đến Công an P.Tân Quý, Công an Q.Tân Phú vì liên tục bị nhóm xã hội đen đe dọa, khủng bố tinh thần ép buộc phải trả nợ thay cho chồng. Theo bà T., cuối năm 2019 chồng bà bỏ nhà đi đâu không rõ, điện thoại không liên lạc được. Cùng thời điểm này có người đàn ông tên M. (biệt danh M. “khùng”, ngụ đường Cầu Xéo, P.Tân Quý) cùng nhiều đàn em tìm đến nhà bà đòi 450 triệu đồng. Ông M. thông báo đây là số tiền mà chồng bà T. thua độ bóng đá, bỏ trốn nên giờ bà T. phải trả nợ thay. Ông M. chỉ nói miệng về số tiền nợ mà không có bằng chứng, giấy tờ chứng minh chồng bà T. mắc nợ ông M. Vì thế, bà T. cùng gia đình không chịu trả. Không chỉ gọi điện cả trăm cuộc mỗi ngày để “khủng bố” mà nhóm của ông M. liên tục đến nhà bà T. dùng hung khí lớn tiếng đe dọa giết con cái và cả gia đình nếu không trả tiền. Nhóm ông M. ngang nhiên mang võng đến nằm trước nhà bà T. Việc này làm tinh thần gia đình bà T. bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì quá sợ, tháng 1.2020, bà T. vay mượn và đưa cho ông M. 120 triệu đồng. Thế nhưng nhóm người này vẫn tiếp tục đe dọa, gần đây nhất vào ngày 24.3, ép bà T. phải trả đủ 450 triệu đồng thay cho chồng. Công an Q.Tân Phú cho biết sẽ cho nắm lại vụ việc, sớm điều tra làm rõ, xử lý đúng quy định pháp luật đối với những người liên quan.
Tái diễn đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Người lạ ném sơn, chất bẩn vào trụ sở Công ty V.A.P (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Ảnh: cắt từ clip

Vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm

Ngày 7.4, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho rằng, từ thông tin vụ việc Báo Thanh Niên phản ánh, hành vi các đối tượng tạt chất bẩn, tạt sơn, đe dọa uy hiếp gia đình nạn nhân như vậy thì nạn nhân phải lập tức tố cáo ngay với cơ quan công an quận, huyện địa bàn mình ở để công an nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Ban Giám đốc Công an TP cũng đã có chỉ đạo rõ, công an TP, quận huyện đấu tranh mạnh xử lý loại tội phạm này. Theo vị này, hiện nay việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vô tình là kẽ hở để một số đối tượng hoạt động đòi nợ thuê kiểu xã hội đen. Nếu Chính phủ đồng ý đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh thì theo vị lãnh đạo này, tình hình sẽ được kiểm soát, loại tội phạm này sẽ được kéo giảm.

Nhiều người vay tiền qua ứng dụng bị “khủng bố” tinh thần

 Hiện trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều vụ người dân bị nhóm cho vay tiền qua ứng dụng “khủng bố” tinh thần. Theo phản ảnh của chị T.T.L (quê Phú Yên, tạm trú Q.1), giữa tháng 6.2019, chị có vay 250 triệu đồng, đóng hơn 7 triệu đồng/tháng (tiền gốc lẫn lãi). Đầu năm 2020, do chậm đóng tiền, chị bị nhiều số điện thoại gọi điện, nhắn tin đe dọa cả ngày lẫn đêm. Điện thoại tại cơ quan, người thân, đồng nghiệp của chị L. liên tục nhận cuộc gọi đòi nợ, chửi bới, gửi hình ảnh xúc phạm chị khiến chị L. lo lắng, dẫn đến trầm cảm không dám chia sẻ, hoặc gặp mọi người. Tương tự, chị T.N.Q.K (sống tại TP.HCM) vay 5 triệu đồng qua ứng dụng (thực nhận 3,5 triệu đồng), mỗi ngày phải đóng 250.000 đồng trong vòng 3 tháng. Những ngày không có tiền đóng, điện thoại của chị K. và nhiều người thân, bạn bè nhận được các cuộc gọi, hình ảnh xúc phạm gửi qua Zalo,Viber.  
 Công Nguyên
Về vấn đề này, theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đòi nợ thuê làm cho tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp. Khi đi đòi nợ, nhân viên thu hồi nợ dùng sức ép về mặt tinh thần làm cho con nợ hoảng sợ, không chỉ đe dọa con nợ mà cả gia đình, người thân của con nợ khiến cuộc sống gia đình họ bị ảnh hưởng. Như vậy là vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm. Vị lãnh đạo này khuyến cáo, khi gia đình nạn nhân bị tạt chất bẩn, tạt sơn, bị đe dọa để uy hiếp thì tố cáo ngay với cơ quan công an để được xử lý nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra; đồng thời phải giữ nguyên hiện trường, quay clip làm bằng chứng (nếu được). Cơ quan công an sẽ điều tra, xử lý đúng quy định đối với những hành vi này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.