ZTE trong 'tâm bão' căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

11/05/2018 20:29 GMT+7

Nếu ZTE bị tổn thất lớn, làn sóng căng thẳng sẽ được cảm nhận trên toàn cầu.

Theo CNN, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc hôm 9.5 công bố đã tạm dừng hoạt động kinh doanh chính của mình sau khi bị chính phủ Mỹ cấm giao dịch trong vòng bảy năm. Khủng hoảng này đẩy ZTE vào vị trí trung tâm của căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại và công nghệ.
Tuyên bố ngắn gọn của ZTE chỉ đưa ra một vài chi tiết, nhưng lại ngụ ý rất rõ ràng rằng, một công ty lớn của Trung Quốc có thể sẽ phải bước ra khỏi hoạt động kinh doanh vì chính phủ Mỹ.
ZTE sử dụng khoảng 75.000 người lao động và sản phẩm của hãng được bán trên toàn thế giới. ZTE là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cho biết họ đã cấm các công ty trong nước mua bán sản phẩm và dịch vụ với ZTE vì hãng công nghệ Trung Quốc đã vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và Iran.
ZTE đang kháng cáo lệnh cấm. Trong khi đó, Bắc Kinh đã liên kết số phận của công ty với cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nước, nâng cao vấn đề với các quan chức hàng đầu của Mỹ, những người đã đến Trung Quốc để đàm phán hồi tuần trước.
Nỗ lực của quốc gia châu Á trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ cao là yếu tố chính gây căng thẳng giữa hai bên. Và ZTE đóng vai trò quan trọng trong tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông này là một trong nhiều công ty công nghệ Trung Quốc tích cực theo đuổi việc phát triển mạng 5G. ZTE tự hào có khách hàng doanh nghiệp tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Áp lực từ chính phủ Mỹ
ZTE đã nhiều lần chịu sự giám sát của các nhà quản lý và quan chức tại Mỹ, những người cảnh giác với chính phủ Trung Quốc. Cổ đông có quyền kiểm soát của ZTE là công ty quốc doanh Trung Quốc Shenzhen Zhongxingxin Telecommunications Equipment.
Năm 2012, ZTE và Huawei, một hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, trở thành chủ đề trong một báo cáo Quốc hội Mỹ, với nội dung tập trung vào các thiết bị mà họ tạo ra cho các mạng viễn thông.
Báo cáo nói rằng hai công ty này “không thể nhận được sự tin tưởng để tự do tạo sức ảnh hưởng”. Cả ZTE và Huawei đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ báo cáo.
Áp lực tại Mỹ đã tăng lên đáng kể trong năm nay. Tháng 2.2018, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo người tiêu dùng Mỹ không nên mua điện thoại ZTE và Huawei, vì nó có thể đe dọa về bảo mật an ninh của khách hàng Mỹ. Đầu tháng này, Lầu Năm Góc yêu cầu các cửa hàng ở các căn cứ quân sự Mỹ ngừng bán điện thoại do Huawei và ZTE sản xuất, trích dẫn những rủi ro an ninh cho Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các công ty Mỹ cũng bị tổn thương
Lệnh cấm mua các bộ phận và dịch vụ từ các công ty Mỹ không chỉ gây thiệt hại lớn đối với ZTE, mà nhiều khả năng sẽ làm tổn thương các nhà cung cấp và khách hàng khác, kể cả ở Mỹ.
ZTE ngừng hoạt động “sẽ đánh vào mọi công ty trong mạng lưới giá trị trên toàn cầu”, Charlie Dai, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Forrester, nói.
ZTE phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài cho nhiều thành phần cốt lõi. Hãng công nghệ Trung Quốc mua chip từ Qualcomm, Intel và Broadcom, các bộ phận quang học từ Maynard, Acacia, Oclaro và Lumentum, theo nhà phân tích Jeff Lee của Jefferies.
Trong số các công ty kể trên, Acacia ở Massachusetts đã bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty đã bán khoảng 116 triệu USD giá trị chip và mô đun cho ZTE vào năm ngoái, chiếm khoảng 30% doanh thu hằng năm của công ty. Cổ phiếu Acacia đã giảm hơn 30% kể từ khi chính phủ Mỹ đưa ra lệnh cấm đối với ZTE.
Trung Quốc sẽ nỗ lực gấp đôi trong lĩnh vực công nghệ
Một khi tình hình của ZTE tồi tệ hơn, nó sẽ ảnh hưởng đến các mạng không dây ở châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Nó cũng làm chậm quá trình phát triển và áp dụng mạng 5G, đặc biệt là ở Trung Quốc.
ZTE “đóng vai trò quan trọng trong việc Trung Quốc theo đuổi tham vọng sở hữu nhiều công nghệ tự phát triển và xây dựng mạng truyền thông tiên tiến nhất”, ông Jeff Lee nói.
Vì vậy, ông Lee tin rằng Bắc Kinh sẽ “làm hết sức mình” để giúp ZTE giải quyết tranh chấp với Mỹ. Theo các chuyên gia, bất cứ điều gì xảy ra với ZTE đều có thể khiến Trung Quốc nỗ lực gấp đôi để củng cố công nghệ phát triển trong nước.
“Trung Quốc sẽ dành nhiều nỗ lực và nguồn lực hơn nữa cho việc tìm kiếm công nghệ cốt lõi. Điều này sẽ làm cho Trung Quốc sớm trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt hơn”, Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận về kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, viết trong một lưu ý gần đây cho khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.