Xung quanh nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Thả nổi giá trong khuôn khổ

22/10/2009 12:27 GMT+7

* Cần tăng cường cơ chế giám sát Bắt đầu từ ngày 15-12-2009, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 84) của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu sẽ chính thức được áp dụng thay cho Nghị định 55/2007/NĐ-CP ban hành ngày 6-4-2007.

Nghị định mới này quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân phối xăng dầu và đặc biệt là quy định về giá bán lẻ xăng dầu được thả nổi trong khuôn khổ cho phép.

Nghị định 84 quy định nguyên tắc: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng khi giá dầu thế giới biến động làm cho giá vốn (giá bình quân trong thời gian lưu thông) tăng 7% so với hiện hành. Mặc dù cho phép doanh nghiệp (DN) được tăng giá bán lẻ tương ứng với mức tăng giá của xăng dầu thế giới, song nhà nước vẫn khống chế thời gian giữa 2 lần tăng giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày để tránh biến động lớn trong xã hội (theo Nghị định 55 hiện hành thì thời gian này là 20 ngày).

Mặt khác, khi giá vốn của mặt hàng xăng dầu tăng ở mức từ 7% - 12% thì DN được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, DN sẽ được quyền sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp giá thế giới biến động làm cho giá vốn tăng trên 12%; đặc biệt là trong trường hợp giá tăng cao, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội thì nhà nước sẽ công bố các biện pháp bình ổn thông qua chính sách thuế và Quỹ bình ổn giá, lúc đó DN không được tự do tăng giá thoải mái như nhiều người lầm tưởng.

Đối với trường hợp giá xăng dầu thế giới giảm cũng được điều tiết theo phương thức tương tự nêu trên. Tuy nhiên, điểm khác biệt là: trường hợp giá vốn giảm trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp như tăng thuế, thu quỹ bình ổn... thì DN được tiếp tục giảm giá bán lẻ với số lần và mức giảm không hạn chế.

Để đảm bảo tốt việc thực hiện Nghị định 84, mang lại hiệu ứng cho thị trường, xã hội, Bộ Tài chính cũng công bố quyết định thành lập tổ giám sát liên bộ đối với mặt hàng xăng dầu trước khi trao quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp vào ngày 15-12 tới đây. Theo đó, tổ giám sát này có nhiệm vụ theo dõi việc điều chỉnh tăng giảm giá xăng dầu của DN theo đúng quy định của Luật Thương mại và theo đúng khuôn khổ cho phép của Nghị định 84.

Bên cạnh đó, tổ giám sát này còn có nhiệm vụ tiếp nhận các phương án điều chỉnh giá bán mà các doanh nghiệp đăng ký trước đó 3 ngày theo luật định. Sau khi xem xét, nếu phát hiện các yếu tố hợp lý hoặc bất hợp lý, tổ giám sát sẽ thông báo cho doanh nghiệp 1 ngày trước khi tăng giá. Nếu giá thế giới giảm mà doanh nghiệp không điều chỉnh giảm thì sẽ bị “thổi còi”, trường hợp ngược lại dầu thế giới tăng quá cao mà điều kiện kinh tế chưa cho phép thì các doanh nghiệp cũng không được phép tăng giá.

Nhiều chuyên gia am hiểu thị trường cũng cho rằng, với cơ chế thả nổi giá bán như đã nêu trên, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải hết sức chú trọng công tác tăng cường cơ chế giám sát, nhằm đảm bảo sự tuân thủ của DN khi thực hiện việc giảm giá. Bởi vì, các chuyên gia cho rằng với cơ chế hiện nay, chỉ cần DN chậm trễ giảm giá một hai ngày, hoặc giảm giá không tương xứng so với giá thế giới là cũng đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng và gây tác động lớn đến giá cả mọi mặt của thị trường trong nước.

Theo một số chuyên gia kinh tế, Nghị định 84 thay thế Nghị định 55 sẽ tạo điều kiện và cơ chế giá cả kinh doanh nhanh nhạy và sát với thị trường hơn cho DN kinh doanh xăng dầu. Với cơ chế này, DN được quyền chủ động tăng giá và giảm giá gần như bắt kịp với diễn biến giá của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu buông lỏng sự quản lý của nhà nước thì hậu quả cũng khôn lường.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại...

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op: “Thả nổi” giá xăng dầu để cho các doanh nghiệp tự quyết trong thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành (vì nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá vận chuyển tăng giá sản phẩm đầu ra cũng sẽ tăng theo). Trong khi do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng ta vừa mới trải qua giai đoạn suy giảm kinh tế, đang còn cần nhiều giải pháp kích cầu để kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển.

Với vai trò là hệ thống phân phối, chúng tôi luôn mong muốn làm thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có giá hợp lý nhất, phù hợp với đời sống còn khó khăn hiện nay của người dân. Chính vì thế, theo tôi “thả nổi” giá xăng dầu trong thời điểm này là chưa phù hợp.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH CBTP Phú An Sinh: “Thả nổi” giá xăng dầu tác động rất lớn đến mọi hoạt động trong xã hội, mọi khía cạnh và mọi tầng lớp. Trong khi đó ở nước ta lĩnh vực xăng dầu vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia nên không có sự cạnh tranh giảm giá, chính vì thế theo tôi trong thời điểm này không nên để cho doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu.

Trong khi từ trước đến giờ dân mình vẫn quen dùng giá xăng dầu được nhà nước bù lỗ, giờ đây nếu thay đổi mặt bằng giá lập tức sẽ có sự thay đổi, vì giá xăng dầu ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các mặt hàng.

Trong khi thị trường lại đang bước vào mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm, nhiều địa phương trong đó có TPHCM đang cố gắng tìm mọi cách để bình ổn giá thành bằng các gói kích cầu để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.

M.Thi ghi

Th.Tuyết - B.Quyên / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.