Xúc tiến du lịch manh mún, lãng phí

11/02/2014 08:50 GMT+7

Cách xúc tiến vào thị trường của ngành du lịch đang không chỉ thiếu hiệu quả, mà còn gây lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp.

Cách xúc tiến vào thị trường của ngành du lịch đang không chỉ thiếu hiệu quả, mà còn gây lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp. 

 Xúc tiến du lịch manh mún, lãng phí
Nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khi phải tham dự 2 sự kiện xúc tiến du lịch tổ chức quá gần nhau - Ảnh: H.Thắng

Tranh nhau tổ chức hội chợ

Sở VH-TT-DL TP.HCM nhiều năm qua đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức Ngày hội du lịch TP.HCM vào tuần đầu tiên của tháng 4 hằng năm. Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch VN (VITA) và Sở VH-TT-DL Hà Nội lần đầu tiên tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VN vào tuần cuối của tháng 4.2013. Năm nay, VITA cho biết chuyển ngày tổ chức hội chợ sớm hơn, từ 3 - 6.4, trùng với thời gian tổ chức hội chợ của TP.HCM nên Sở VH-TT-DL TP.HCM phải hối hả tổ chức sự kiện của mình sớm hơn, từ 27 - 30.3. Việc có đến 2 hội chợ du lịch diễn ra vào hai tuần liên tiếp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong việc tham gia.

 

Sản phẩm du lịch VN chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm thấp, thiếu đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm. Nghiên cứu thị trường du lịch còn thụ động, yếu kém. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kinh phí từ ngân sách TP.HCM cấp để tổ chức Ngày hội du lịch 2014 chỉ đủ trên 30% chi phí, phần còn lại là vận động DN tài trợ, thuê gian hàng... Đối với hội chợ của VITA, kinh phí tổ chức hoàn toàn là xã hội hóa từ nguồn tài trợ, quảng cáo, cho thuê gian hàng. Vì thế, vai trò của DN du lịch trong 2 hội chợ này là rất lớn và ban tổ chức của 2 sự kiện đều phải đua nhau vận động DN tham gia sự kiện của mình để đảm bảo chi phí tổ chức. Đại diện một DN du lịch lớn ở TP.HCM thừa nhận: “Dù rất mệt mỏi nhưng thú thực chúng tôi không dám bỏ hội chợ nào, đành phải ráng tham gia, vì không muốn công ty của mình bị chú ý”. Nhiều DN khác cũng phản ánh tương tự, hầu hết cho biết do đều “bị vận động” nên phải “thắt lưng buộc bụng”, tham gia cả hai.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Giám đốc Công ty Focus Travel cho rằng DN du lịch đều mong muốn VN có nhiều sự kiện xúc tiến chuyên nghiệp. “Lẽ ra hai ban tổ chức phải cùng bàn bạc để không gây khó lẫn nhau. Thế nhưng, mâu thuẫn đã xảy ra, thể hiện du lịch VN thiếu đoàn kết, thiếu người cầm cân, điều phối. VN có ít hội chợ du lịch quan trọng, nên Tổng cục Du lịch (TCDL) cần đứng ra làm trọng tài để hài hòa lợi ích các bên”. Còn ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM bức xúc: “Tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ VH-TT-DL về việc gây khó lẫn nhau này”. Theo ông Khánh, hậu quả lớn nhất của chuyện này là dư luận sẽ thấy rằng ngành du lịch T.Ư và địa phương không có liên kết, khiến nguồn lực xúc tiến du lịch phân tán. “Tôi thấy buồn vì Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo địa phương và T.Ư phải liên kết các hoạt động xúc tiến để đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng hóa ra tinh thần hợp tác hoàn toàn không có”, ông Khánh nói.

Thua cả Lào, Campuchia

Tranh nhau thời điểm tổ chức hội chợ là ví dụ điển hình nhất về công tác xúc tiến, quảng bá thiếu chuyên nghiệp của ngành du lịch VN. TCDL thừa nhận từ nhiều năm qua nguồn kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch quá ít, khoảng 30 - 40 tỉ đồng/năm, nên kết quả không như mong đợi. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Khoản kinh phí này lại bị “chia năm xẻ bảy”, một phần do TCDL nắm giữ, phần còn lại của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL). Hai cơ quan này có chương trình, kế hoạch thực hiện riêng nên hầu như chẳng liên quan gì với nhau, dẫn đến kết quả yếu kém là lẽ tất nhiên.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng TCDL từng thừa nhận yếu kém trong công tác quảng bá, xúc tiến: “Sản phẩm du lịch VN chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm thấp, thiếu đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm. Nghiên cứu thị trường du lịch còn thụ động, yếu kém. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế”. Thậm chí, ông Cường còn khẳng định so với Lào, Campuchia thì VN quảng bá yếu hơn. Vì thế, dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách thấp hơn, như Lào tăng 15%, Campuchia tăng 20% còn VN chỉ dừng ở mức 10%.

Một yếu kém khác, theo điều tra về hành vi mua sắm trực tuyến của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), mới chỉ có 16% người được khảo sát cho biết từng tham gia hoạt động du lịch trực tuyến; thời lượng khách du lịch dừng lại tại một website du lịch trong nước để tìm kiếm thông tin trung bình chỉ 9 phút/lần, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình thế giới gần 16 phút/lần. Nguyên nhân chủ yếu là các website du lịch VN có nội dung không hấp dẫn. Thử lướt qua trang mạng của TCDL hoặc Sở VH-TT-DL TP.HCM, chủ yếu là những thông tin sơ sài về hoạt động của ngành bằng tiếng Việt. Trong khi đó, các cơ quan du lịch quốc gia khác không chỉ khai thác tốt website của mình mà còn tận dụng nhiều hình thức tiếp cận với khách qua những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, cung cấp đa dạng thông tin thiết thực, bổ ích cho khách.

Tổng cục Du lịch buông hội chợ lớn nhất thế giới

Năm 2013, tại hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ITB (Berlin, Đức) gian hàng của Việt Nam đã gặp phải sự cố nghiêm trọng gây xôn xao dư luận (Báo Thanh Niên đã phản ánh) khi người của TCDL treo nhầm ảnh Phật Sơn (Trung Quốc). Sau vụ này, TCDL quyết định không triển khai gian hàng “ngôi nhà chung du lịch VN” ở 2 hội chợ du lịch London (Anh) là WTM diễn ra vào tháng 11 năm ngoái và cả ITB 2014. Nhiều DN du lịch VN muốn tham gia đành đăng ký gian hàng của Hàng không VN (VNA). Nhiều DN du lịch sau khi tham gia gian hàng của VNA ở VTM 2013 cho biết đơn vị này tổ chức chuyên nghiệp, đầu tư bài bản hơn rất nhiều so với TCDL từng làm trước đó. Tuy nhiên, do không phải là cơ quan du lịch quốc gia và không có kinh phí hỗ trợ của nhà nước, nên VNA thu phí khá cao. Tại ITB 2013, TCDL thu của mỗi DN tham gia 2.000 euro, qua ITB 2014 VNA thu 2.900 euro. Ngoài ra, theo nhiều DN, do VNA chỉ là DN nên họ không thể có thông tin đầy đủ về chủ trương, chính sách phát triển du lịch, nguồn nhân lực, định hướng sản phẩm, định hướng thị trường... tầm quốc gia để cung cấp cho các DN nước ngoài quan tâm tới du lịch VN. Vì thế, hiệu quả quảng bá, xúc tiến hình ảnh tổng quan của du lịch VN tại các sự kiện này còn hạn chế.

Hữu Thắng - N.Trần Tâm

 

>> 40 tỉ đồng cho xúc tiến du lịch
>> Tổng cục Du lịch và Vietnam Airlines hợp tác xúc tiến du lịch
>> Việt Nam là ưu tiên số 1 trong hoat động xúc tiến du lịch của Malaysia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.