Xuất ngoại học làm nông nghiệp sạch

02/02/2017 19:00 GMT+7

Cuối năm 2016, đoàn cán bộ và hơn 30 nông dân sản xuất giỏi tại ĐBSCL đã đến Thái Lan tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.

Xu hướng sản xuất sạch
Tại Thái Lan, đoàn đã đến tham quan Trung tâm Kiểm soát sinh học tỉnh Chonburi và Nông trường lúa tại tỉnh Chachoengsao. Tại đây, đoàn có cơ hội tìm hiểu, học hỏi cách nghiên cứu, nhân giống các loại thiên địch cũng như sản xuất ra các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiết xuất từ thực vật để quản lý dịch hại trên cây trồng. Hiện ở mỗi tỉnh, thành của Thái có khoảng 20 cơ sở nhân nuôi thiên địch để phục vụ sản xuất của nông dân. Mỗi tháng họ sẽ thả thiên địch ra ngoài ruộng 2 lần, vì các loại này chỉ tồn tại ngoài môi trường tự nhiên khoảng 3 tháng và không thể sinh sản hữu tính. Nhờ cách làm này, toàn bộ các diện tích canh tác của nông dân Thái không sử dụng hóa chất, tạo ra nguồn nông sản sạch hoàn toàn. Đây chính là giải pháp kiểm soát dịch hại cây trồng bằng công nghệ sinh học (CNSH), góp phần làm nên vị thế xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới của Thái Lan hiện nay.


Thái Lan có gần 10 triệu ha đất trồng lúa (gấp 2 lần VN), sản lượng khoảng 38 triệu tấn/năm, thấp hơn VN gần 7 triệu tấn. Nguyên nhân sản lượng thấp là do họ tập trung phần lớn diện tích để sản xuất lúa thơm, chất lượng cao 1 vụ năm, năng suất bình quân khoảng 2,5 tấn/ha và bán ra thế giới với hơn 250 thương hiệu gạo.


Ông Nguyễn Hồng Phương (ngụ Kiên Giang) cho biết: “Chuyến đi này đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Nhờ tham quan mà tôi tận mắt thấy nông dân Thái Lan dùng thiên địch và thuốc có chiết xuất từ thực vật để bảo vệ cây trồng, chúng tôi sẽ học hỏi để góp phần cho nông nghiệp VN phát triển mạnh trong tương lai”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định: “Xu hướng của thế giới là đề cao vệ sinh an toàn thực phẩm nên CNSH và công nghệ sinh thái áp dụng trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Lúa gạo VN muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới chắc chắn phải áp dụng các công nghệ này vào sản xuất”.
Thay đổi tư duy nông dân
Theo các nhà khoa học tại Thái Lan, thời gian qua, ngoài nghiên cứu công nghệ, họ còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Do đây là công việc mất rất nhiều thời gian nên phải kiên trì để nông dân chấp nhận áp dụng đồng bộ vào sản xuất. Thực tế cho thấy kinh nghiệm và điều kiện sản xuất lúa gạo của nông dân VN không thua gì Thái Lan nhưng do muốn có năng suất nên thâm canh tăng vụ, gia tăng tỷ lệ phát sinh dịch hại, cộng thêm tâm lý phụ thuộc vào thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học dẫn đến chất lượng lúa gạo chưa được đảm bảo. Mặt khác, nếu có áp dụng thì CNSH và công nghệ sinh thái ở một số khu vực vẫn chưa mang tính cộng đồng, mức độ thành công không cao.
Sau khi “mắt thấy, tai nghe” cách làm nông nghiệp tại Thái Lan, các nông dân ĐBSCL càng có thêm niềm tin vào CNSH, công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, vì hoàn toàn có thể khống chế và ngăn chặn hiệu quả các loại sâu bệnh quan trọng trên cây trồng.
Ông Quách Trường An (ngụ TT.Hưng Lợi, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho biết lần đầu tiên ông được đi học hỏi cách sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan. Chính cách tổ chức sản xuất của người Thái cho thấy việc sử dụng nhiều phân thuốc, sạ dày để tăng năng suất cao không còn hữu dụng. “Ngành nông nghiệp nước ta cần khuyến cáo nông dân không cần năng suất cao nữa mà phải chú trọng chất lượng, phải chuyển sang áp dụng công nghệ sinh thái, bảo quản thiên địch có lợi, giảm phân, thuốc BVTV, lượng giống gieo sạ để hạ giá thành tăng lợi nhuận”, ông An nói.

tin liên quan

Nông dân trăm tỉ
Bỏ tiền ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật, phương pháp trồng rau công nghệ cao rồi về đầu tư sản xuất đã giúp nông dân Nguyễn Hồng Phong (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) trở thành tỉ phú với doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.