Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc tăng nhưng không bền vững

Chí Nhân
Chí Nhân
29/05/2019 14:57 GMT+7

Đây là nội dung quan trọng về nhu cầu tiêu thụ vải thiều ở thị trường Trung Quốc của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương).

Nhiều vườn vải thiều ở Bắc Giang đang thu hoạch những trái chín đầu mùa. Bà con nông dân phấn khởi nhờ giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái (10.000 - 15.000 đồng/kg).

Trung Quốc: sản lượng giảm, giá cao nên nhập khẩu sẽ tăng

Một lượng lớn vải thiều của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Theo quy định mới của  nước này vải thiều xuất khẩu sang đây phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Dù có hàng rào kỹ thuật, nhưng theo phân tích của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), lượng vải thiều mà Trung Quốc năm nay nhập khẩu sẽ tăng và đây là thuận lợi lớn cho hoạt động xuất khẩu vải thiều của Việt Nam.
Báo cáo cho biết: Tại Trung Quốc, do mùa đông 2018 ấm khô và ít mưa làm cho khả năng ra hoa của cây vải trong vụ mùa năm 2019 tại các địa phương có diện tích trồng và sản lượng lớn đạt tỷ lệ thấp, dẫn đến sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc giảm. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Đông, địa phương chiếm 50% tổng sản lượng vải thiều của Trung Quốc, năm nay sản lượng giảm đến 40% so với năm 2018.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, giá vải bán buôn (ngày 27.5.2019) tại các chợ đầu mối một số địa phương của Trung Quốc dao động từ 12 nhân dân tệ (NDT)/kg đến 31 NDT/kg (1 NDT hiện tương đương 3.380 đồng). Trong đó, giá vải tại Chiết Giang vào khoảng 12 NDT/kg; Quảng Đông, Giang Tô và Bắc Kinh lần lượt là 17 NDT/kg, 20 NDT/kg và 25 NDT/kg; tỉnh An Huy ghi nhận mức giá cao nhất trong ngày, đạt 31 NDT/kg.
Như vậy giá vải thiều tại Trung Quốc đang dao động từ 40.500 - 104.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn nhiều so với giá bán tại Việt Nam nên khả năng xuất khẩu vải Việt Nam vào Trung Quốc là rất cao.
Xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc không bền vững vì điều kiện mùa vụ Q.T

Chỉ là vui nhất thời

Tuy nhiên, tín hiệu thị trường như phân tích ở trên chỉ mang tính mùa vụ nên người trồng vải thiều và ngành chức năng cần có chiến lược bền vững hơn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu vải thiều.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho biết: Trung Quốc có diện tích trồng và sản lượng quả vải hằng năm lớn nhất thế giới. Vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía nam sông Trường Giang như: Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.
Năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hằng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác với thị trường là vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7 hằng năm; sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giống vải phong phú hơn. Theo thông lệ hằng năm, thời điểm cuối vụ từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7, giá vải nội địa thị trường Trung Quốc thường sẽ giảm so với các thời điểm trước đó do quả vải cuối vụ có chất lượng không bằng. Tuy nhiên, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá quả vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018.
Các năm trước, khi vào chính vụ thu hoạch của Việt Nam thì Trung Quốc đã vào cuối vụ nên nhu cầu thị trường không còn cao. Chính vì vậy mà hoạt động xuất khẩu vải thiều vào Trung Quốc thường rất bấp bênh. Đây là yếu tố thị trường quan trọng mà người Việt Nam cần lưu tâm để có thể phát triển sản phẩm này một cách bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.