Xuất khẩu thủy sản đang bế tắc

03/04/2009 23:50 GMT+7

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang khiến xuất khẩu thủy sản cả nước tụt giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nhiều doanh nghiệp đang lỗ lã kéo dài do không thể cạnh tranh nổi.

Nguy cơ mất thị trường Mỹ

Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành thủy sản quý 1/2009 tổ chức ngày 3.4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ đầu năm đến 15.3.2009, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 166.695 tấn, trị giá 579,26 triệu USD, giảm trên 8% cả về khối lượng và giá trị so cùng kỳ 2008. Trong đó, xuất khẩu trong hai tháng 1 và tháng 3 giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ của thị trường chính giảm và do khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến. Thị trường xuất khẩu cũng bị thu hẹp. Trong quý 1, thủy sản Việt Nam được xuất sang 122 thị trường, giảm 37 thị trường so với năm 2008.

Không chỉ vậy, cá tra, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất quyền nhập khẩu vào Mỹ. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa ban hành tiêu chuẩn mới về catfish (cá nheo) tại Mỹ. Theo đó, những quốc gia nào không có điều kiện tương đương với tiêu chuẩn đó sẽ không được xuất sang thị trường này. Hiện VASEP và các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam đang kỳ vọng Mỹ sẽ giữ quan điểm như quy định năm 2002: không công nhận cá tra Việt Nam thuộc catfish. Ngược lại, nếu quy định mới về catfish bao gồm cả cá tra Việt Nam thì coi như cánh cửa vào thị trường Mỹ sẽ hoàn toàn bị đóng sập. Theo ông Dũng, xuất khẩu cá tra đóng góp bình quân 2% cho GDP của cả nước. Mỹ là một thị trường lớn, nếu mất thị trường này sẽ là một tổn thất lớn. Nhiều DN thủy sản cho rằng, nguy cơ cho toàn ngành còn ở chỗ một số công ty làm ăn chụp giật, mua nguyên liệu kém chất lượng, thậm chí bị hư, bệnh... để chế biến và bán với giá rẻ, làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến các DN chân chính và làm mất hình ảnh của cả ngành thủy sản Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết Bộ sẽ có những giải pháp kịp thời hỗ trợ DN trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ kiểm tra gắt gao những DN không có nhà máy chế biến mà chỉ thu mua kinh doanh, làm ăn kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của thủy sản Việt Nam

Ai cũng lỗ

Các DN thủy sản đang đứng trước nhiều áp lực: thị trường thu hẹp, tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khó, biên độ tỷ giá của đồng tiền các nước nhập khẩu so với đồng USD lớn hơn biên độ của tiền đồng so với USD... Song, nguyên nhân chính khiến DN thủy sản Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu do thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam quá cao thời gian gần đây, gây bất lợi lớn cho cả người chăn nuôi thủy sản lẫn DN. Hiện giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 15-25%.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, dù biết người nuôi thủy sản bị lỗ nhưng nhà máy chế biến vẫn không thể mua cao hơn, bởi với giá thu mua hiện tại, nhiều nhà máy đã lỗ hoặc không lời. “Nếu không cải thiện tình trạng này bằng biện pháp giảm thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi, sản lượng cá nuôi sẽ ít hơn năm 2008” - ông Hậu nhận định. Theo ông Chu Văn An, Tổng giám đốc Công ty Minh Phú Seafood, hiện trên thị trường thế giới, giá tôm Việt Nam thấp hơn tôm Thái Lan từ 0,1-0,2 USD/kg, bằng giá tôm Indonesia và chỉ nhỉnh hơn chút ít so với tôm Ấn Độ, Bangladesh. Thế nhưng, giá đầu vào tại Việt Nam lại cao hơn DN các nước trong khu vực từ 15.000 - 30.000đ/kg, tương đương 15-30%.

Hiện một số DN đang tự xoay xở bằng cách quay lại khai thác các thị trường nhỏ lẻ, ít lời mà trước đây đã bỏ để hạn chế rủi ro. “Dù lời ít, không lời, hoặc lỗ chúng tôi cũng làm để nuôi sống và giữ chân người lao động đã gắn bó với chúng tôi. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời trong tình thế cấp bách, không thể duy trì được lâu” - ông Trần Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Basefood (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.