Xuất khẩu hoa giậm chân tại chỗ

03/01/2012 00:37 GMT+7

Là địa phương có diện tích sản xuất cũng như sản lượng hoa lớn nhất nước nhưng cả chục năm qua, hoa Lâm Đồng phần lớn vẫn chỉ tiêu thụ trong nước.

Là địa phương có diện tích sản xuất cũng như sản lượng hoa lớn nhất nước nhưng cả chục năm qua, hoa Lâm Đồng phần lớn vẫn chỉ tiêu thụ trong nước.

 
Xử lý hoa sau thu hoạch phần lớn chưa được người trồng hoa quan tâm đúng mức - ảnh: G.B

10 năm vẫn chỉ xuất khẩu 5%      

Lâm Đồng có 3.800 ha tổng diện tích sản xuất hoa (trong đó, trên 1.500 ha nhà kính), với sản lượng hằng năm hơn 1,5 tỉ cành hoa các loại. Hầu như các công nghệ hiện đại trên thế giới về canh tác hoa đều có mặt tại Lâm Đồng. Trồng hoa mang lại lợi nhuận lớn bởi hiệu quả được tính trên từng m2 đất, nhiều người trồng hoa đã đổi đời, trở thành tỉ phú. Thương hiệu hoa Đà Lạt đã được khẳng định trong nước. Tuy nhiên, hoa Đà Lạt vẫn chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa, chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, các tỉnh Đông Nam bộ. Chỉ một số ít hoa được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hà Lan, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Đài Loan…

Tại hội thảo khoa học “Hoa Đà Lạt, các giải pháp phát triển bền vững” do Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng tổ chức chiều 2.1 tại TP.Đà Lạt, ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt - chua xót: “10 năm trước, trong các báo cáo tổng kết sản lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu được 5%, thì nay cũng chỉ 5%; số tăng tuyệt đối cũng chỉ là ở các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hoa Đà Lạt chưa có thương hiệu ở nước ngoài”.

Thiếu đủ thứ

Tư duy trồng hoa còn thấp

3 năm trước, một phái đoàn của chính phủ Singapore đã đến Đà Lạt làm việc với chính quyền tỉnh Lâm Đồng và họ đã nhận định: “Đà Lạt có điều kiện trồng hoa không hề thua kém Nhật Bản, Pháp, Hà Lan… Tuy nhiên, với tư duy trồng hoa công nghiệp còn quá thấp nên sẽ còn một thời gian dài nữa các sản phẩm hoa địa phương này mới có thể cạnh tranh được với hoa của các nước trong khu vực và thế giới”.

Phần lớn diện tích sản xuất hoa ở Đà Lạt - Lâm Đồng là của các hộ gia đình. Họ đang sản xuất theo cách chỉ khai thác những cái có sẵn của mình, coi trọng số lượng hơn chất lượng. Hộ sản xuất nhỏ lẻ không thể giải quyết được các khó khăn về vốn đầu tư, áp dụng công nghệ mới và thị trường tiêu thụ mới. Không chỉ các hộ, ngay cả những DN cũng đang thiếu vốn để đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại. Để có 1 ha nhà kính, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư không dưới 5 - 6 tỉ đồng, trong khi đó nông dân địa phương giỏi lắm cũng chỉ có thể đầu tư vài ba tỉ đồng. Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt - cho hay hầu hết người trồng hoa tự lo tìm vốn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay của họ rất khó, nhưng nếu có vay được thì cũng là ngắn hạn với lãi suất cao.

Quá trình bảo quản hoa sau thu hoạch cũng như việc đóng gói, vận chuyển vẫn chưa được người trồng hoa quan tâm đúng mức. Trong khi hoa là sản phẩm dễ hư hỏng, dễ giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo UBND TP.Đà Lạt, về tổng thể, chính sách khoa học, công nghệ chưa thật sự tạo được sức mạnh, bao quát đến nhiều đối tượng sản xuất hoa trên địa bàn; phần lớn hộ sản xuất hoa chưa được tiếp cận công nghệ hiện đại để xử lý hoa sau thu hoạch. Ngoài ra, việc định hướng cho người dân canh tác hoa theo quy trình công nghệ chặt chẽ để hoa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chưa được quan tâm đúng mức; ngay cả một chợ đầu mối hoa tại Đà Lạt, đến nay vẫn chưa có.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.